Theo thống kê, toàn thành phố có 604 dây chuyền tiêm chủng tại các cơ sở đã công bố đủ điều kiện, trong đó 547 dây chuyền tại cơ sở công lập đủ điều kiện và 57 dây chuyền tại cơ sở tư nhân đủ điều kiện. Hà Nội sẽ bổ sung thêm 100 dây chuyền, như vậy có tổng 704 dây chuyền sẵn sàng cho chiến dịch tiêm chủng. 

Về năng lực tiếp nhận, bảo quản vaccine, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố và Trung tâm Y tế các quận, huyện có 31 tủ bảo quản TCW3000, 9 tủ bảo quản TCW30AC, 37 hòm lạnh loại 25 lít, 3 hòm lạnh loại 12 lít. Tại 579 Trạm Y tế xã, phường có 1.185 phích vaccine.

Theo quy định, mỗi dây chuyền tiêm chủng thực hiện không quá 100 đối tượng/buổi (tương đương 200 mũi tiêm/ngày). Như vậy, để đạt mục tiêu tiêm được 200.000 mũi/ngày, Hà Nội cần ít nhất 1.000 - 1.200 dây chuyền tiêm. 

Để đáp ứng đủ nhân lực cho các dây chuyền tiêm, bên cạnh lực lượng thường trực của ngành y tế, Hà Nội sẽ huy động thêm 1.995 người (5 cán bộ/dây chuyền tiêm), trong đó:

- Nhân lực huy động để tập huấn Cấp chứng nhận an toàn tiêm chủng (mỗi dây chuyền tiêm chủng có 3 người) là 1.097 cán bộ y tế (390 bác sĩ và 798 điều dưỡng) từ các bệnh viện, viện, trường cao đẳng, đại học, cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn thành phố.

- Nhân lực hỗ trợ cho các dây chuyền (2 người/dây chuyền) gồm 798 sinh viên các trường y trên địa bàn.

Cần biết: Hà Nội ban hành kế hoạch chi tiết về chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 lớn nhất lịch sử - Ảnh 1.

Nữ điều dưỡng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương được tiêm vaccine Covid-19

Để đảm bảo công tác an toàn tiêm chủng, Hà Nội dự kiến huy động 100 tổ cấp cứu cơ động. Sở Y tế có nhiệm vụ điều phối các tổ cấp cứu này phù hợp với các điểm tiêm chủng theo từng khu vực. 

Đối tượng tiêm chủng là "người trong độ tuổi tiêm chủng theo khuyến cáo trong hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và không quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào liệt kê trong thành phần của vaccine". 

Hiện tại Việt Nam đang sử dụng các loại vaccine Covid-19 của các hãng AstraZeneca, Pfizer, Moderna và Sinopharm. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, các vaccine này đều được chỉ định tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên, riêng AstraZeneca theo hướng dẫn của nhà sản xuất được tiêm cho người từ 18-65 tuổi (người trên 65 tuổi, người có bệnh lý nền, bệnh mạn tính cần thận trọng trong tiêm chủng).

Hà Nội sẽ tuân theo Nghị quyết số 21 của Chính phủ về các đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine.

Về thời gian tiêm, trong năm 2021, triển khai chiến dịch ngay khi tiếp nhận vaccine đảm bảo đúng tiến độ yêu cầu. Thời gian cụ thể theo các đợt phân bố vaccine của Bộ Y tế và nguồn cung ứng vaccine (nhập khẩu và sản xuất trong nước) của thành phố Hà Nội.

Về phạm vi triển khai: Khi nguồn vaccine chưa đủ sẽ phân bổ số lượng vaccine cho các quận, huyện, thị xã theo thứ tự ưu tiên: có ca F0 mới, nhiều khu công nghiệp, mật độ dân cư cao, nhiều địa điểm thường tập trung đông người, nhiều ngành nghề dịch vụ, nhiều trường học, giáp ranh các tỉnh có dịch bệnh diễn biến phức tạp, cửa ngõ giao thông đi lại, có khu cách ly tập trung... Khi đủ vaccine, sẽ triển khai đồng loạt trên toàn thành phố.

Ngoài ra căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh thực tế tại thời điểm triển khai chiến dịch sẽ có điều chỉnh, ưu tiên cụ thể cho từng địa phương nhằm đảm bảo tối ưu nhất cho công tác phòng chống dịch bệnh với nguyên tắc: Ưu tiên tiêm trước cho các nhóm đối tượng ở các quận, huyện đang có dịch theo Nghị quyết 21.

Nguyên tắc phân bổ vaccine trong trường hợp tiếp nhận cùng lúc nhiều loại vaccine: 

- Tiêm mũi 1 bằng loại vaccine nào thì tiêm trả mũi 2 bằng loại vaccine đó. Với người được tiêm mũi 1 bằng vaccine của AstraZeneca, có thể tiêm mũi 2 bằng vaccine của Pfizer, khoảng cách từ 8 - 12 tuần sau tiêm mũi 1.

- Vaccine có hạn sử dụng ngắn cấp phát trước.

Để tránh thắc mắc, khiếu nại, đảm bảo công bằng, minh bạch trong phân bổ vaccine cho các quận, huyện, thị xã sẽ tăng cường công tác truyền thông tới các cấp chính quyền và người dân để đồng thuận theo chủ trương của thành phố.

Thành phố sẽ phân bố chỉ 1 loại vaccine tại cùng thời điểm; các đơn vị triển khai tiêm hết loại vaccine này mới chuyển sang loại vaccine khác, nhưng phải dự trù đảm bảo tiêm đủ 2 mũi vaccine cùng loại cho 1 người và tại mỗi điểm tiêm chủng chỉ tiêm 1 loại vaccine ở cùng 1 thời điểm để tránh người dân thắc mắc.

Các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm phân bổ vaccine cho các điểm tiêm theo số lượng đối tượng đăng ký và theo đúng nhóm đối tượng đã được hướng dẫn.

2 hình thức tổ chức tiêm chủng:

- Tổ chức tại các điểm tiêm chủng cố định đã đủ điều kiện tiêm chủng bao gồm: Trạm Y tế, bệnh viện, cơ sở tiêm chủng dịch vụ, phòng khám đa khoa cả trong và ngoài công lập.

- Thiết lập các điểm tiêm chủng lưu động để triển khai tiêm chủng với số lượng lớn như: Thực hiện tiêm cho công nhân tại các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp, khu vực có nhiều cơ quan, đơn vị, các trường Đại học, Cao đẳng, hoặc khu vực đô thị có mật độ dân cư lớn trong khi các điểm tiêm cố định không đáp ứng được yêu cầu (diện tích không đảm bảo cho giãn cách với số lượng người đông trong cùng 1 thời điểm). 

Điểm tiêm chủng lưu động bố trí ở các trường học, cơ quan, công sở, khu công nghiệp, xí nghiệp, nhà văn hóa, nhà thi đấu thể thao... có thể triển khai nhiều dây chuyền tiêm.

Cần biết: Hà Nội ban hành kế hoạch chi tiết về chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 lớn nhất lịch sử - Ảnh 2.

Hà Nội sẽ phân bố chỉ 1 loại vaccine tại cùng thời điểm

Bố trí nhân lực trong dây chuyền tiêm chủng:

- Tại điểm tiêm chủng cố định: Một dây chuyền tiệm cần tối thiểu 3 nhân viên chuyên ngành y, trong đó có ít nhất 1 nhân viên chuyên môn từ y sĩ trở lên. Nhân viên trực tiếp thực hiện khám sàng lọc, tư vấn, theo dõi, xử trí phản ứng sau tiêm chủng có trình độ chuyên môn từ y sĩ trở lên; nhân viên thực hành tiêm chủng có trình độ từ trung cấp Y hoặc trung cấp điều dưỡng - hộ sinh trở lên, nhân viên y tế tham gia hoạt động tiêm chủng phải được tập huấn chuyên môn về tiêm chủng và tập huấn về tiêm chủng vaccine Covid-19.

- Tại điểm tiêm chủng lưu động: Một dây truyền tiêm cần tối thiểu 2 nhân viên chuyên ngành y, trong đó nhân viên trực tiếp thực hiện khám sàng lọc, tư vấn, theo dõi và xử trí phản ứng sau tiêm chủng có trình độ chuyên môn từ y sĩ trở lên, nhân viên thực hành tiêm chủng có trình độ từ trung cấp Y hoặc trung cấp điều dưỡng - hộ sinh trở lên, nhân viên y tế tham gia hoạt động tiêm chủng phải được tập huấn chuyên môn về tiêm chủng vaccine Covid-19.

Tuy nhiên để triển khai chiến dịch tiêm chủng chất lượng, đúng tiến độ và đảm bảo an toàn là mục tiêu hàng đầu, căn cứ vào tình hình thực tế, các địa phương tăng cường huy động thêm nhân lực cần thiết để hỗ trợ các điểm tiêm chủng cho phù hợp. 

Đối với mỗi dây chuyền tiêm chủng cần bổ sung thêm tối thiểu 2 nhân viên chuyên ngành y (cán bộ y tế, sinh viên các trường Y) và 4 người hỗ trợ trong việc chỉ đạo, điều phối, gửi giấy mời, đôn đốc đối tượng, giữ an ninh trật tự, hỗ trợ nhập liệu và các hoạt động khác tại điểm tiêm.

Đảm bảo an toàn tiêm chủng: Các dây chuyền tiêm chủng đều thực hiện công tác an toàn tiêm chủng theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời tăng cường 100 tổ cấp cứu từ các bệnh viện trên địa bàn thành phố hỗ trợ cho các điểm tiêm chủng cố định và lưu động đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Các quận, huyện, thị xã chủ động huy động lực lượng y, bác sĩ trên địa bàn từ các bệnh viện Trung ương, Bộ, ngành và y tế tư nhân để đảm bảo công tác thường trực cấp cứu an toàn tiêm chủng trong phương án của quận, huyện, thị xã.

Công tác quản lý đối tượng tiêm chủng:

- UBND xã, phường, thị trấn và quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm công tác rà soát đối tượng, lập danh sách đối tượng và quản lý đối tượng tiêm chủng trên địa bàn. Lập danh sách và thống kê đối tượng trong diện tiêm chủng Covid-19 có đầy đủ thông tin theo quy định. Để thuận lợi cho công tác điều hành, thực hiện tiêm chủng và cho người dân tham gia tiêm chủng nên rà soát theo các nhóm đối tượng, sắp xếp thời gian và tổ chức tiêm chủng cho các nhóm một cách hợp lý.

- Sẵn sàng lập danh sách trước mỗi đợt tiêm chủng, điều phối đối tượng đến tiêm theo khung giờ hợp lý để đảm bảo giãn cách, hạn chế tập trung đông người.

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong điều tra đối tượng cần tiêm chủng, tổng hợp đối tượng cần tiêm, quản lý đối tượng, nhập thông tin đối tượng và mũi tiêm trên phần mềm.

- Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trên địa bàn chịu trách nhiệm rà soát và cung cấp danh sách đối tượng tiêm chủng có đầy đủ thông tin cho chính quyền địa phương.

 

Minh Nhân

 

Nguồn Doanhnghieptiepthi
Link bài gốc

https://doanhnghieptiepthi.vn/can-biet-ha-noi-ban-hanh-ke-hoach-chi-tiet-ve-chien-dich-tiem-chung-vaccine-covid-19-lon-nhat-lich-su-161212107230410731.htm