Không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc cúm

Ngày 28/7, cục Quản lý Dược - bộ Y tế đã có văn bản gửi sở Y tế các tỉnh thành phố; các bệnh viện/ viện trực thuộc bộ; các cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc về việc bảo đảm cung ứng, kiểm soát chặt chẽ giá thuốc điều trị cúm mùa, theo Sức khỏe & Đời sống.
leftcenterrightdel
 

Theo cục Quản lý Dược, trong thời gian vừa qua, trên địa bàn một số tỉnh thành phố số ca cúm mùa có xu hướng gia tăng, trong đó tỉ lệ ca mắc cúm A qua thống kê của các bệnh viện tăng cao so với các năm trước.

Để bảo đảm việc cung ứng thuốc điều trị cúm và kiểm soát giá các thuốc điều trị cúm mùa, đặc biệt đối với các thuốc điều trị cúm A (thuốc Tamiflu và các thuốc chứa hoạt chất oseltamivir), cục Quản lý Dược yêu cầu sở Y tế các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo triển khai thực hiện Công điện số 665/CĐ-TTg ngày 25/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm khác.

Chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng trực thuộc sở Y tế chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc điều trị cúm, đặc biệt thuốc điều trị cúm A, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân.

Chỉ đạo các bệnh viện, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc trên địa bản thực hiện nghiêm các quy định về quản lý giá thuốc (niêm yết giá thuốc và bản theo giá niêm yết, mua thuốc theo giá không cao hơn giá bán buôn, bán lẻ kê khai, kê khai lại đã công bố), không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng và đẩy giá thuốc tăng cao nhằm trục lợi; các cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện nghiêm quy định về thặng số bán lẻ quy định tại Điều 136 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2021 của Chính phů.

Đồng thời tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến cho các cơ sở y tế, cơ sở kinh doanh dược và người dân về việc mua, bán, sử dụng thuốc điều trị cúm theo đúng quy định; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh các thuốc kháng virus dùng trong điều trị cúm, đặc biệt các thuốc điều trị cúm A và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt các trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thuốc bất hợp lý.

Đối với các bệnh viện, viện trực thuộc vộ Y tế, cục Quản lý Dược yêu cầu chủ động triển khai kế hoạch bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc điều trị cúm, đặc biệt thuốc điều trị cúm A, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân, thực hiện đúng các quy định về quản lý giá thuốc.

Về phía các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, cục Quản lý Dược yêu cầu các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các thuốc điều trị cúm, trong đó có các thuốc điều trị cúm A, chủ động khẩn trương lên kế hoạch sản xuất, nhập khẩu thuốc để bảo đảm nguồn cung ứng phục vụ công tác điều trị và thực hiện các hợp đồng cung ứng thuốc với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo kết quả trúng thầu đã ký kết.

Các cơ sở bán lẻ thuốc có trách nhiệm hướng dẫn đầy đủ cho người dân về việc sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ và hướng dẫn sử dụng thuốc để bảo đảm an toàn, hiệu quả.

Cục Quản lý Dược yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc phải tuân thủ đầy đủ các quy định về quản lý giả thuốc (niêm yết giá thuốc và bán theo giá niêm yết, mua thuốc theo giá không cao hơn giá bán buôn, bán lẻ kê khai, kê khai lại đã công bố), tuyệt đối không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng và đẩy giá thuốc tăng cao nhằm trục lợi.

Theo thông tin trên cổng công khai y tế của bộ Y tế, với thuốc Tamiflu 75mg được bán với giá từ 44.877-48.877 đồng/viên, một hộp 10 viên. Tuy nhiên, trong hai tuần nay, nhiều cơ sở kinh doanh thuốc đã bán với giá từ 520.000/hộp 10 viên, thậm chí có nơi bán 700.000-800.000 đồng/hộp, theo Vietnamnet.

Không tự ý sử dụng thuốc Tamiflu để điều trị cúm A

Trước tình hình dịch cúm A đang gia tăng mạnh tại Hà Nội, hiện nay, nhiều người dân tự mua thuốc Tamiflu để điều trị cúm tại nhà.

Theo BS Vũ Quốc Đạt, giảng viên Bộ môn Truyền nhiễm (Đại học Y Hà Nội), thành viên Mạng lưới đánh giá và ứng phó về lâm sàng các bệnh mới nổi của Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo người dân không nên tự ý mua Tamiflu để điều trị bệnh cúm, vì thuốc Tamiflu hiện nay chủ yếu sử dụng đối với bệnh nhân mắc cúm nặng, hoặc đối tượng có nguy cơ bệnh tiến triển nặng.

Còn theo khuyến cáo của cục Quản lý Dược, trong điều trị cúm A, B, Tamiflu (chứa hoạt chất Oseltamivir hàm lượng 75mg) là thuốc không được sử dụng tùy tiện, không nên tự ý mua thuốc về chữa cúm. Thuốc Tamiflu và các thuốc khác có chứa hoạt chất Oseltamivir là thuốc kê đơn, khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc. Nếu sử dụng không theo đúng chỉ định của người kê đơn, có thể dẫn đến nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe.

Đặc biệt, đối với trẻ em, các phụ huynh không nên tự ý cho con sử dụng thuốc Tamiflu. Thuốc này dùng để ức chế virus nhân lên, làm giảm khả năng bám dính của virus ở đường hô hấp. Tuy nhiên, một nghiên cứu đã được Bệnh viện Nhi Trung ương triển khai cho thấy, nếu sử dụng Tamiflu sau 48 giờ, kể từ lúc có triệu chứng sốt, thì không khác gì nhóm bệnh nhân không dùng. Vấn đề quan trọng khi trẻ mắc cúm A là phải chú ý hạ sốt, vệ sinh đường hô hấp, hạn chế tiếp xúc để tránh bội nhiễm. Bên cạnh đó, cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho trẻ, theo Quân đội nhân dân.

Linh Chi
Nguồn Đời sống & Pháp luật
Link bài gốc

https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/phapluat/bo-y-te-yeu-cau-siet-chat-quan-ly-gia-thuoc-dieu-tri-cum-a546042.html