Du lịch Thanh Hóa: Phát triển chưa xứng tiềm năng
Nằm ở cửa ngõ miền Trung, những năm qua, kinh tế Thanh Hoá có những bước đột phá, hạ tầng giao thông liên tục được nâng cấp. Tính đến năm 2020, quy mô nền kinh tế của địa phương lớn gấp 4,5 lần so với năm 2010. Tốc độ tăng trưởng GRDP đứng đầu Bắc Trung Bộ và thuộc nhóm các tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất nước. Nhiều Tập đoàn tầm cỡ như Foxconn, AVG Capital Partners (LB Nga) hay Aeon Mall... dành sự quan tâm cho địa phương này và đã lên kế hoạch đầu tư những dự án hàng tỷ USD, giúp Thanh Hoá sớm khẳng định vị thế của 1 trong 4 cực tăng trưởng phía Bắc.
Tuy nhiên, nhắc đến Thanh Hoá, từ bao năm qua, người ta nghĩ ngay đến thế mạnh về du lịch với đường bờ biển dài 102km. Trong đó, có nhiều bãi tắm đẹp, sóng êm như Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hoà. Thanh Hoá còn là vùng đất địa linh nhân kiệt, nhiều di tích lịch sử cùng nguồn tài nguyên rừng phong phú, có cơ hội phát triển thành điểm đến du lịch, nghỉ dưỡng trọng điểm cả nước.
Vậy nhưng, du lịch Thanh Hóa phát triển chưa xứng tiềm năng. Hiệu quả kinh tế du lịch thấp, cơ cấu và tỷ trọng du lịch trong nhóm ngành dịch vụ còn nhỏ. Năm 2018, tỷ trọng đóng góp thu nhập trực tiếp từ du lịch vào GRDP của Thanh Hóa đạt 5,0%, đến năm 2019 chỉ đạt 3,9%. Trong khi đó, tại các tỉnh khai thác tiềm năng du lịch biển như Quảng Ninh tỷ trọng đóng góp năm 2019 là 9%, còn tại Khánh Hoà con số này lên tới hơn 12%.
Sản phẩm du lịch xứ Thanh mới chỉ dựa trên khai thác giá trị sẵn có, chưa có điểm nhấn độc đáo, hấp dẫn. Quy mô hạ tầng du lịch nhỏ lẻ, chưa có các khu vui chơi giải trí, thương mại dịch vụ, nghỉ dưỡng đẳng cấp để thúc đẩy nhu cầu chi tiêu.
Theo thống kê, mức chi tiêu trung bình của du khách đến Thanh Hóa năm 2020 chỉ đạt con số khiêm tốn 1,4 triệu đồng/người. Năm 2019, lượng khách du lịch đến Thanh Hóa (9.655.000 lượt) cao hơn Đà Nẵng (8.692.421 lượt) nhưng tổng doanh thu chỉ đạt 14.526 tỷ đồng, bằng gần 1 nửa tổng thu du lịch của Đà Nẵng (30.973 tỷ đồng). Nếu so với Quảng Ninh, lượng khách năm 2019 của Thanh Hóa bằng 2/3, nhưng doanh thu cũng chỉ bằng khoảng 1 nửa tổng doanh thu du lịch Quảng Ninh. Khách đến Thanh Hóa hầu hết là khách nội địa (chiếm 98%).
Phát triển manh mún, thiếu quy hoạch, thiếu chiến lược nên du lịch Thanh Hóa chỉ gặt hái được ít tháng mùa hè, còn lại phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng.
Kích hoạt khai phá “mỏ vàng” du lịch Sầm Sơn
Nói đến du lịch Thanh Hóa, tâm điểm chính là Sầm Sơn. Có lịch sử khai thác và phát triển hơn 110 năm, từng là nơi yêu thích của người Pháp, song suốt thời gian dài, “mỏ vàng” du lịch này vẫn bỏ phí tiềm năng, “ngậm ngùi” với hình ảnh điểm đến mùa vụ, giá rẻ.
Không đứng ngoài hạn chế chung của du lịch xứ Thanh, hạ tầng du lịch TP biển Sầm Sơn còn nghèo nàn, thiếu bản sắc. Hiện cả TP Sầm Sơn có gần 700 cơ sở lưu trú, nhưng rất ít cơ sở được xếp hạng 4-5 sao. Hệ thống trung tâm thương mại, điểm giải trí, giao lưu cộng đồng thiếu hụt, thời gian lưu trú của du khách đến Sầm Sơn tối đa chỉ 2 ngày. Tăng trưởng trung bình khách du lịch mỗi năm của Sầm Sơn chỉ đạt khoảng 5% với gần 5 triệu lượt khách (năm 2019), thấp hơn 3-4 lần so với Hạ Long, Đà Nẵng hay Nha Trang…
Trước thực tế trên, tỉnh Thanh Hóa nói chung, TP Sầm Sơn nói riêng đã đẩy mạnh thu hút đầu tư vào hạ tầng du lịch. Theo đó, cuối năm 2020, dự án Quảng trường biển và tổ hợp đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí Sầm Sơn trị giá hơn một tỷ USD do Sun Group đầu tư chính thức khởi công, đem đến TP này một “làn gió mới”, mở ra cơ hội bứt phá mạnh mẽ cho du lịch Sầm Sơn.
Mới đây, Sun Group chính thức gọi tên dự án đẳng cấp đầu tiên tại Sầm Sơn là Khu đô thị Thương mại Dịch vụ Sun Grand Boulevard, bao gồm Tổ hợp nhà phố thương mại, các khách sạn boutique, toà nhà cao tầng hỗn hợp ôm trọn trục đại lộ dài 2,6km, rộng 120m. Sun Grand Boulevard được định hướng trở thành trung tâm giải trí - kinh doanh thương mại - nghỉ dưỡng chất lượng cao. Bên cạnh bổ sung hệ thống hạ tầng du lịch hiện đại cho TP biển, các hạng mục quảng trường biển rộng 2ha, trục đại lộ đẳng cấp bậc nhất Việt Nam sẽ đem đến cho nơi này những công trình điểm nhấn ấn tượng, là nơi diễn ra thế giới lễ hội sôi động do Sun Group đồng hành tổ chức, thu hút hàng triệu du khách đổ về Sầm Sơn cả 4 mùa trong năm.
Có thể nói Sun Grand Boulevard đã kích hoạt “mỏ vàng” du lịch Sầm Sơn. Thời gian tới, hàng loạt dự án nghìn tỷ tiếp tục được tập đoàn này triển khai tại Thanh Hóa, tạo nên hệ sinh thái tầm cỡ quốc tế, bao gồm công viên giải trí Sun World, Khu đô thị nghỉ dưỡng ven sông Đơ, dự án Quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp Bến En, dự án khoáng nóng Quảng Xương... Hệ sinh thái Sun Group được kỳ vọng đưa du lịch xứ Thanh “cất cánh”, như cách mà “ông lớn” này đã đưa du lịch Đà Nẵng, Quảng Ninh, Nam Phú Quốc bứt phá ngoạn mục trong thời gian ngắn.
Ông Nguyễn Văn Thi – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đánh giá: “Sun Group là tập đoàn lớn, có nhiều kinh nghiệm, giàu tiềm lực và có khả năng đầu tư nhiều dự án lớn ở Việt Nam. Sun Group đang đầu tư vào Thanh Hóa các dự án trọng điểm, sẽ biến Thanh Hóa thành tỉnh du lịch bốn mùa, và chắc chắn là sẽ thành công”.
Việc thu hút “sếu đầu đàn” với các dự án đẳng cấp là thành công bước đầu trong việc khai phá “mỏ vàng” du lịch Sầm Sơn nói riêng, Thanh Hóa nói chung. “Thóc đến đâu, bồ câu đến đó”, hệ sinh thái Sun Group sẽ mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho các lĩnh vực dịch vụ du lịch, xây dựng, bất động sản, thu hút các nhà đầu tư, kinh doanh cùng quy tụ về đây, đưa Sầm Sơn sớm thành “thủ phủ” du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí hấp dẫn, và đưa Thanh Hóa có mặt trong top điểm đến du lịch hàng đầu Việt Nam.
PV