leftcenterrightdel
 

Lạm phát được giữ ở mức ổn định 

Tháng 8/2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam chỉ tăng khoảng 0,3% so với tháng trước. Nguyên nhân là do sự ảnh hưởng của các biện pháp hạn chế đi lại đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Việc này dẫn đến giá lương thực, thực phẩm tăng 1,2% đã tạo nên áp lực giá cả nói chung.

Đồng thời, việc giá cả năng lượng và kim loại trên thế giới chững lại đã giảm đi áp lực lên chi phí vật liệu xây dựng và nhà ở Việt Nam. Với các mặt hàng ngoài các mặt hàng lương thực, thực phẩm, giá cả cũng ổn định bởi nhu cầu trong nước yếu đi đáng kể trong thời gian giãn cách. 

CPI tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước, tương đương mức tăng trong tháng 7. Đáng chú ý, con số này thấp hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát 4,0%.

WB: Việt Nam giữ ổn định lạm phát nhưng tỷ giá tiền tăng trong 8 tháng đầu năm - Ảnh 1.

Chỉ số CPI từ tháng 8/2019 - 8/2021 của Việt Nam. Nguồn: World Bank.

Tỷ giá VND/USD bình quân tăng 0,7% 

Dù tỷ giá trung tâm tương đối ổn định, tỷ giá VND/USD bình quân đã tăng 0,7% so với tháng trước trên thị trường chính thức trong nước. Điều này cho thấy nguồn cung đồng USD lớn hơn tương đối so với cầu. 

Trước đó, ngày 11/8/2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm tỷ giá mua USD từ các ngân hàng thương mại 225 VND (tương đương 1%). Sau đó, ngày 24/8/2021, NHNN quyết định giảm lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ của các ngân hàng thương mại tại NHNN từ mức 0,05% xuống còn 0% từ ngày 1/9/2021. 

Những việc này có thể đã hỗ trợ cho cung đồng USD trên thị trường. 2 nguyên nhân dẫn đến việc tiền đồng tăng giá danh nghĩa trong thời gian khủng hoảng, có thể là kiều hối đang hồi phục và dòng vốn FDI vẫn ổn định. Đây là hai nguồn cung USD quan trọng, có thể giúp bù đắp thâm hụt cán cân thương mại tại Việt Nam.

Tỷ giá hữu hiệu thực (REER) tháng 8 đã tăng 1% so với với tháng trước, sau khi tăng 1,2% trong tháng 7/2021. Xu hướng tăng giá thực của tiền đồng giống với biến động của đồng USD, phản ánh tầm quan trọng của thị trường Mỹ đối với thương mại của Việt Nam. 

Theo World Bank, REER tăng nghĩa là đồng tiền tăng giá thực, trong khi tỷ giá danh nghĩa (tỷ giá thị trường và tỷ giá trung tâm) giảm thể hiện đồng tiền tăng giá danh nghĩa. 

WB: Việt Nam giữ ổn định lạm phát nhưng tỷ giá tiền tăng trong 8 tháng đầu năm - Ảnh 2.

Tỷ giá tiền VND/USD từ tháng 8/2019 đến 8/2021. Nguồn: World Bank

Tín dụng tăng trưởng ổn định, thanh khoản vẫn dồi dào

Tháng 8 vẫn ghi nhận sự tăng trưởng dư nợ tín dụng mạnh, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng này cao hơn so với thời gian trước dịch, bởi các ngân hàng thực hiện chính sách cho vay ưu đãi và tái cơ cấu nợ để giúp đỡ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19. 

Cân đối ngân sách trong tháng 8 của Việt Nam ghi nhận bội chi 15,4 nghìn tỷ đồng. Trong 8 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách tăng 13,8% và tổng chi ngân sách giảm 5,9% so với cùng kỳ năm ngoài. 

WB: Việt Nam giữ ổn định lạm phát nhưng tỷ giá tiền tăng trong 8 tháng đầu năm - Ảnh 3.

Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng liên tục của tín dụng trong năm 2021. Nguồn: World Bank.

Theo đó, Chính phủ vay nợ 210,3 nghìn tỷ đồng trên thị trường trong nước từ đầu năm đến nay, tương đương 60% kế hoạch năm 2021. Tuy nhiên, việc thanh khoản dồi dào tiếp tục làm chi phí vay nợ giảm. Trong đó, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm trên thị trường sơ cấp giảm xuống mức kỷ lục 2,05% vào cuối tháng 8.

Theo đó, World Bank khuyến nghị Chính phủ cần sử chính sách tài khóa để tăng cầu trong nước trong ngắn hạn. Chính phủ có thể đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và tiếp tục hỗ trợ thu nhập cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng để giúp khôi phục tư nhân. 

Trong thời gian tới, Chính phủ cũng cần tiếp tục thận trọng theo dõi tình hình cân đối tài khóa vì chi ngân sách tăng lên trong khi thu ngân sách sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng trong ngắn hạn.

 
Đặng Sơn
 

Nguồn Doanhnghieptiepthi
Link bài gốc

https://doanhnghieptiepthi.vn/wb-viet-nam-giu-on-dinh-lam-phat-nhung-ty-gia-tien-tang-trong-8-thang-dau-nam-161211609094702824.htm