Màn ngược dòng trỗi dậy từ một ‘lending bank’
“Những năm 2010, cho vay tín chấp là một sự liều lĩnh, bởi nợ xấu luôn là bóng ma thường trực đe dọa hệ thống ngân hàng”, TS Trần Trí Thiện (TT Chiến lược và Phát triển thương hiệu) nhìn nhận lại bối cảnh Việt Nam khi đó mới thoát ra khỏi vòng xoáy lạm phát hai chữ số. Sự bùng nổ tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán những năm trước đó đã dẫn đến hậu quả nhiều ngân hàng phải đối mặt với tình trạng nợ xấu tăng cao, mất thanh khoản, đẩy lãi suất huy động lên cao chưa từng có. Rủi ro lớn, các nhà băng tỏ ra e dè với các sản phẩm vay tín chấp dù biết lựa chọn này có thể mang lại khoản lợi nhuận lớn.
Nhưng giữa bối cảnh cả thị trường “ghẻ lạnh” với mô hình vay tín chấp, thì đây lại là công thức cho sự thành công của ngân hàng bán lẻ có tốc độ phát triển nhanh nhất Việt Nam trong 10 năm qua - VPBank. Ngược dòng với thị trường, VPBank chọn chiến lược “lấy nhỏ vây lớn” - trở thành một ngân hàng ‘lending bank’, tập trung vào phân khúc bán lẻ, với các sản phẩm cho vay tín chấp làm chủ đạo.
Đơn vị tư vấn chiến lược quốc tế McKinsey nhận định, việc VPBank đi vào bán lẻ sẽ hạn chế rủi ro đến từ những khoản vay lớn, lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Thay vào đó, nguồn vốn huy động được sẽ được phân ra thành những gói nhỏ cho khách hàng cá nhân, cho vay tiêu dùng, và các doanh nghiệp nhỏ hoặc thậm chí siêu nhỏ vay. "Hành động vì những ước mơ" là tuyên ngôn được VPBank lựa chọn để tiếp cận chính xác nhất tập khách hàng mục tiêu này.
“Đây là chiến lược biết mình, biết người của VPBank”, TS Trần Trí Thiện nhận định. “Vị thế vẫn bị xếp ở ‘chiếu dưới’ trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, VPBank khi đó gặp bất lợi trong cuộc đua huy động tiền gửi, nên cần ưu tiên những sản phẩm cho vay với lãi suất cao và NIM cao để tối ưu hóa lợi nhuận”, vị chuyên gia nói.
Tuy nhiên dù gói vay lớn hay nhỏ thì vẫn luôn tiềm ẩn rủi ro. Nhưng như lãnh đạo VPBank từng chia sẻ, “nếu sợ không làm thì đơn giản quá”, VPBank đã bảo vệ chiến lược bán lẻ của mình bằng một khung quản trị rủi ro chặt chẽ. Những con số biết nói cho thấy chiến lược dấn thân của nhà băng này đã mang lại “trái ngọt”. Cuối năm 2009, tổng tài sản của VPBank mới đạt 27.543 tỷ đồng còn lợi nhuận hợp nhất trước thuế chỉ ở mức ít ỏi là 383 tỷ đồng. Nhưng chỉ trong hai năm, lợi nhuận của ngân hàng đã tăng hơn 2,7 lần, lên 1.064 tỷ đồng cuối năm 2011; tổng tài sản tăng lên gấp ba lần. Đến hết năm 2021, VPBank là một trong những ngân hàng tư nhân có lợi nhuận hợp nhất lớn nhất, đạt hơn 14.300 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 547.409 tỉ đồng. Từ một ngân hàng tầm trung, VPBank trở thành một trong những Ngân hàng TMCP có giá trị thương hiệu lớn nhất Việt Nam khi được Brand Finance định giá 871 triệu USD (2022) – tăng tới 15 lần chỉ trong 6 năm qua.
“Thay một chiếc áo đã chật” để bứt phá
Sau hơn 10 năm "Hành động vì ước mơ" với những bước tiến vượt trội, mới đây, VPBank đã công bố tái định vị thương hiệu, tuyên bố một tuyên ngôn hoàn toàn mới: "Vì một Việt Nam thịnh vượng". Sự tham vọng và hoài bão của tuyên ngôn này cho thấy vị thế mới của VPBank – một ngân hàng đã vượt ra khỏi giới hạn của các chỉ số kinh doanh đơn thuần, mà bắt đầu hướng tới tầm nhìn, sứ mệnh lớn lao hơn là mang lại sự thịnh vượng toàn diện cho mỗi cá nhân, cho xã hội và cho đất nước. Sự "thịnh vượng" này được VPBank định nghĩa với 4 giá trị: Tài chính, Thể chất, Tinh thần và Cộng đồng.
|
|
VPBank tái định vị thương hiệu
|
Chuyên gia thương hiệu Lê Thái Bình cho rằng, việc VPBank thay đổi slogan giống như “thay một chiếc áo đã chật” để sẵn sàng bứt phá với những mục tiêu cao cả hơn.
“VPBank định vị sứ mệnh của họ không chỉ hiện thực hóa những ước mơ riêng của khách hàng nữa, mà đã vươn tầm tới giấc mơ chung, qua việc phụng sự đất nước - đúng với tầm vóc mà họ đang có”, ông Bình nói.
Vị chuyên gia phân tích, đây là thời điểm “chín muồi” để VPBank khẳng định tầm vóc mới của mình. Trước tiên phải kể đến sự thịnh vượng về tài chính. Sau thương vụ M&A lớn nhất trong lịch sử lĩnh vực tài chính Việt Nam - bán 49% cổ phần FE Credit, VPBank thu về hơn 20.000 tỷ đồng và đưa vốn chủ sở hữu lên hơn 86.000 tỷ đồng vào cuối năm 2021. Điều này giúp hệ số an toàn vốn (CAR) của ngân hàng đạt 14.3%, là một trong những ngân hàng có mức CAR cao nhất.
Trong khi đó, việc sớm đầu tư cho số hóa cũng là bàn đạp để VPBank thực hiện những tham vọng lớn. Ngân hàng này không tiếc tiền nâng cấp công nghệ, ứng dụng AI, tự động hóa, xây dựng nền tảng số… để trở thành ngân hàng số toàn năng hàng đầu, đón đầu thời cuộc.
|
|
VPBank thay đổi mặt tiền chi nhánh theo định vị mới |
Bên cạnh đó, VPBank cũng đang giữ “ngôi vương” trong thị trường khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ với hơn 20 triệu khách hàng. Đây là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngân hàng, cũng như thu hút thêm các tập khách hàng từ mọi tầng lớp và phân khúc khác. Nhìn vào các dịch vụ và giải pháp tài chính toàn diện đã và đang được VPBank triển khai, có thể thấy ngân hàng không ngừng củng cố vị thế là điểm tựa tin cậy giúp khách hàng cá nhân và doanh nghiệp đạt được những mục tiêu tham vọng trong cuộc sống.
|
|
VPBank nâng cao chất lượng dịch vụ |
Hướng tới cộng đồng, VPBank cũng đã “kích hoạt” chuỗi hành động thiện nguyện như chi hơn 600 tỷ đồng trong hai năm qua cho các hoạt động cứu trợ giàu ý nghĩa; cam kết tiếp tục dành 300 tỷ cho các hoạt động từ thiện trong lĩnh vực giáo dục và y tế; duy trì giải chạy có tính biểu tượng VPBank Hanoi Marathon, và sắp tới là tổ chức đại nhạc hội Light Up Vietnam tại Thành phố Hồ Chí Minh, làm giàu thêm chuỗi âm nhạc đỉnh cao bên cạnh VPBank Private Concert, VPBank Legend…
"VPBank đang mang một vị thế của những người có thể thay đổi thị trường, thông qua những giải pháp, kế hoạch cụ thể, từng bước hiện thực hóa lời hứa về một Việt Nam thịnh vượng", Chuyên gia thương hiệu Lê Thái Bình nhận định.