Hiện nay tình trạng sản xuất, kinh doanh tràn lan mặt hàng phân bón giả, kém chất lượng đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân. Hàng năm có hàng triệu người nông dân phải bỏ ra khoản tiền rất lớn để mua phân bón mà chính họ không thể xác định đó là phân bón giả hay thật.
Bà Bùi Thị Thanh Giang, Phó Ban Kế hoạch Kinh doanh - Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam cho biết, theo con số thống kê, chỉ tính riêng thiệt hại do phân bón giả và phân bón kém chất lượng, mỗi năm Việt Nam đã mất đi từ 2 - 2,5 tỷ USD. Đây mới chỉ tính thiệt hại do mất lượng tiền không cân xứng với lượng chất dinh dưỡng có trong phân bón.
Thực trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng hiện nay không chỉ gây ảnh hưởng nhiều đến uy tín của các đơn vị sản xuất phân bón mà còn làm cho suy kiệt “sức khỏe đất trồng trọt” dẫn đến cây trồng không đạt năng suất. Thêm vào đó, hàng năm Việt Nam sử dụng trên 11 triệu tấn phân bón, trong đó có từ 30-50% là phân bón giả, kém chất lượng. Điều này cũng gây ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ của các đơn vị sản xuất chân chính trên thị trường.
Theo bà Giang, một thực tế các doanh nghiệp sản xuất phân bón có uy tín lo ngại vấn đề phân bón nhái hơn là phân bón giả, vì hàm lượng chất dinh dưỡng trong các sản phẩm phân bón hàng nhái này rất ít.
“Các doanh nghiệp sản xuất phân bón nhái còn nhập nhèm trong công bố hàm lượng, trong mẫu mã bao bì, qua mặt người dân và cơ quan quản lý. Ví dụ đối với sản phẩm phân NPK, có rất nhiều doanh nghiệp làm nhái và cho rằng đó chỉ là tên họ đăng ký với hàm lượng chất dinh dưỡng thấp. Khi sản phẩm bán ra thị trường, các doanh nghiệp này lại bám sát giá với phân bón những đơn vị sản xuất uy tín, dẫn đến lợi nhuận của doanh nghiệp này rất cao và cạnh tranh giá với các doanh nghiệp chân chính”, bà Giang dẫn chứng.
Được biết, thủ đoạn làm giả phân bón của một số đối tượng rất công khai thông qua việc các cơ sở sản xuất dùng 2 loại bột là Dolomite, thực chất là một dạng bột đá chỉ có giá từ 400 đến 500 ngàn đồng/tấn trộn với bột Caolanh (thực chất là đất sét) sau đó se lại thành viên và sấy khô rồi đóng bao ghi rõ là phân bón rồi bán ra thị trường. Trong khi đó giá phân bón bán ra trên thị trường hiện nay từ 17.500 đến 18.000 đồng/kg. Do lợi nhuận từ phân bón giả mang lại là rất lớn, nên một số đối tượng tìm mọi cách để sản xuất, kinh doanh mặt hàng này.
Cùng với đó là công nghệ làm bao bì giả rất giống với vỏ bao bì thật của doanh nghiệp lớn có đăng ký sở hữu nhãn mác. Việc sản xuất phân bón giả quá dễ dàng, thậm chí có trường hợp theo phản ánh ngay thời điểm lực lượng chức năng kiểm tra lấy mẫu kiểm tra chất lượng thì lô hàng vẫn được mang đi tiêu thụ.
Hậu quả do nạn phân bón giả gây ra là rất lớn, làm cho hàng triệu người dân lâm vào cảnh nợ nần chồng chất vì cây trồng bị thiệt hại, năng suất thấp không có tiền thanh toán mua vật tư nông nghiệp, cuối cùng phải bán đất trả nợ. Theo đánh giá của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, chỉ riêng ngành nông nghiệp, mỗi năm thiệt hại 2,5 tỷ USD do sử dụng phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng.
Nguyên nhân khiến cho việc sản xuất, kinh doanh phân bón giả hiện nay vẫn tồn tại đó là khâu quản lý nhà nước về lĩnh vực này thiếu chặt chẽ, bộc lộ nhiều bất cập; các quy định pháp luật về xử lý hành chính và hình sự đối với hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả còn nhiều kẽ hở, nên khi có vụ việc xảy ra, quá trình xử lý rất phức tạp; công tác phối hợp giữa lực lượng chức năng của địa phương trong hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực này thiếu chặt chẽ, chưa kịp thời. Quá trình thu hồi, xử lý phân bón giả rất phức tạp, thậm chí khi phát hiện được thì hàng hóa đã tiêu thụ hết.