Sức mua vẫn còn chậm

Theo ghi nhận của báo Người Lao Động, thời điểm này, sức mua mặt hàng bia vẫn còn khá chậm, nhiều nhà kinh doanh phải đua nhau chạy khuyến mãi mới mong bán được hàng

Khuyến mãi rầm rộ nhất trong các nhà bán lẻ hiện nay là hệ thống cửa hàng Bách Hóa Xanh.Tại đây, hầu hết các loại bia (cả mẫu xuân và mẫu thường) đều giảm giá từ 4%-15%, như bia Tiger 330ml giảm còn 368.000 đồng/thùng, bia Sài Gòn Lager giảm còn 255.000 đồng/thùng, Heineken Sleek còn 425.000 đồng/thùng, Budweiser còn 290.000 đồng/thùng, Bia Việt còn 123.000 đồng/thùng, Sài Gòn Export còn 115.000 đồng/thùng…
leftcenterrightdel
 Khu vực bán bia Tết tại nhiều siêu thị bày trí rất đẹp nhưng lượng khách ghé mua chưa nhiều. Ảnh: Người Lao Động

Các hệ thống siêu thị MM Mega Market, Emart, Aeon… cũng áp dụng giá ưu đãi với một số mặt hàng bia Tết nhưng số lượng mặt hàng khuyến mãi rất hạn chế, mức giảm giá khoảng 3%-4%.

Tương tự, các sàn thương mại điện tử như Tiki, Sendo, Shopee, Lazada… cũng đang chào bán rất nhiều mặt hàng bia sản xuất trong nước và nhập khẩu với giá rất cạnh tranh nên cũng chưa có nhiều chương trình giảm giá, mức giảm dao động quanh 2%-11%, kèm quà tặng và miễn phí giao hàng. Riêng sàn Sendo, bia Tiger bạc Thái giảm đến 29%, còn 359.0000 đồng/thùng.

Trên thị trường, bia Tiger Platinum Wheat Lager dao động quanh mức 390.000 – 410.000 đồng/thùng, bia Tiger xanh 425.000 – 435.000 đồng/thùng, bia Sài Gòn Lager 75.000 đồng/thùng, bia Sài Gòn Special còn 281.000 đồng/thùng, bia Heineken 425.000 đồng/thùng, Tiger bạc Crystal 409.000 đồng/thùng, Heineken Silver 435.000 đồng/thùng… bia Budweiser Tết 400.000 – 410.000 đồng/thùng, bia Đại Việt 288.000 đồng 296.000 đồng/thùng. Riêng bia Sài Gòn Tết mẫu "63 trong 1" gồm 64 lon bia có bao bì khác nhau trong thùng 64 lon mới ra thị trường khoảng 2 tuần nay giá trung bình khoảng 675.000 - 680.000 đồng/thùng.

Một số đại lý bia đánh giá, năm nay thị trường bia đặc biệt chậm ở cả phân khúc khách sỉ lẫn khách lẻ. Tương tự, tiêu thụ bia tại các hệ thống phân phối bán lẻ cũng rất chậm so với cùng thời điểm Tết 2022.

"Tháng 10 và tháng 11 vừa qua, một số hãng bia điều chỉnh giá bán đối với vài sản phẩm do ảnh hưởng giá bao bì và nguyên liệu ngũ cốc tăng mạnh. Tính trung bình cả năm nay, thị trường bia đã điều chỉnh giá ít nhất 2 lần nên giá bia đã tăng khá nhiều so với năm 2021. Người tiêu dùng lại đang có xu hướng chi tiêu tiết kiệm, tiêu thụ bia tại các nhà hàng, khách sạn cũng giảm theo", đại diện một nhãn hàng bia lý giải nguyên nhân thị trường bia kém sôi động.

Nhiều tín hiệu tích cực, doanh nghiệp kỳ vọng lợi nhuận tăng

Thực tế, những năm gần đây, ngành bia Việt Nam liên tiếp gặp khó khăn. Năm 2020, thị trường bia đã chịu tác động kép từ quy định phòng chống tác hại của rượu bia theo Nghị định 100 và dịch Covid-19. Cùng với các mặt hàng trong ngành F&B, ngành bia chịu ảnh hưởng tiêu cực với sản lượng tiêu thụ 3 quý đầu năm giảm lần lượt 3,6%, 22,9% và 11,9% so với cùng kỳ năm trước.

Đến năm 2021, tính riêng quý III khi Covid-19 đạt đỉnh, Tổng cục Thống kê cho biết tổng lượng sản xuất bia đã giảm 33% so với cùng kỳ, với gần 100% lượng bia bị hạn chế phân phối trong tháng 8-9 tại Tp.HCM, Hà Nội và các tỉnh phía Nam. Trong khi đó, Nielsen ước tính nhu cầu tiêu thụ bia đã giảm 42% trong quý này so với cùng kỳ.

Phải đến quý IV/2021, khi dịch bệnh cơ bản được khống chế và các hoạt động tiêu dùng trong nước dần được khôi phục, ngành bia mới ghi nhận tăng trưởng dương trở lại.

Theo số liệu Tổng cục thống kê, trong 11 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 514.200 tỷ đồng, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, sản lượng sản xuất bia của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm tăng 68% so với cùng kỳ, lên 1.700 triệu lít.

Với sự hồi phục rõ rệt trên, hàng loạt doanh nghiệp ngành bia đã công bố kết quả kinh doanh khả quan trong những quý vừa qua. Thậm chí, kết quả kinh doanh của nhiều nhà sản xuất bia đã tăng vượt cả giai đoạn trước dịch.

Trong đó, Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) ghi nhận doanh thu đạt 8.635 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.395 tỷ đồng quý III năm nay, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm 2021. Lũy kế trong 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp này mang về 4.424 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cho các ông chủ, tăng 75% so với cùng kỳ và hoàn thành 97% kế hoạch lợi nhuận năm.

Hay như Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), trong quý gần nhất, nhà sản xuất bia này cũng ghi nhận 2.440 tỷ đồng doanh thu thuần và lãi sau thuế 236 tỷ, tăng lần lượt 44% và 72% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 9 tháng, cả doanh thu thuần và lãi sau thuế của Habeco đều tăng trưởng dương hai con số.

Tuy nhiên, theo Zing, báo cáo mới nhất của Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) cho thấy, trong quý IV, sản lượng ngành F&B sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong môi trường lạm phát và thu nhập của người tiêu dùng tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên, doanh thu của ngành F&B có thể duy trì nhờ giá bán trung bình (ASP) tăng. Đơn cử, Sabeco đã tăng ASP trên 8% so với cùng kỳ trong môi trường lạm phát và nhu cầu phục hồi mạnh mẽ.

Hơn nữa, lợi nhuận cũng có thể ổn định nhờ biên lợi nhuận gộp được cải thiện. Do đó, đơn vị này kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của các công ty bia sẽ cải thiện trong quý IV nhờ việc hưởng lợi nhiều hơn từ giá nguyên liệu đầu vào đã hạ nhiệt.

Công ty Chứng khoán SSI đánh giá, trong nửa cuối năm 2022, ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) là một lựa chọn đầu tư trong bối cảnh lạm phát tăng cao. Nhu cầu sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong nửa cuối năm nay và trở lại bình thường từ năm 2023.

Ngoài ra, giá các nguyên vật liệu đầu vào chính có xu hướng giảm trong thời gian tới giúp tỉ suất lợi nhuận của doanh nghiệp ngành bia có cơ hội tăng lên hoặc duy trì khả năng phục hồi vào năm 2023.
Minh Hoa
Nguồn Người đưa tin Pháp luật
Link bài gốc

https://www.nguoiduatin.vn/thi-truong-bia-tet-2023-suc-mua-van-tram-lang-a587371.html