Hàng loạt ngân hàng lên sàn và chốt chia cổ tức
Hiện nay, các ngân hàng đã và đang đưa hàng triệu cổ phiếu lên thị trường chứng khoán thông qua việc lên sàn và chia cổ tức để tăng vốn, nâng tổng số cổ phần đang lưu hành lên con số kỷ lục.
Cụ thể, trong năm 2021 có ba ngân hàng mới gia nhập thị trường chứng khoán là: Ngân hàng Phương Đông (OCB) đưa gần 1,1 tỷ cổ phần lên sàn HOSE, Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank - SSB) niêm yết hơn 1,2 tỷ cổ phần tại HOSE, và Ngân hàng Việt Á (VAB) đăng ký giao dịch gần 445 triệu cổ phần ở thị trường UPCoM.
Các ngân hàng khác cũng tăng số cổ phiếu lưu hành thông qua việc trả cổ tức bằng cổ phiếu như Vietinbank (CTG) đưa 1,1 tỷ cổ phiếu lên sàn chứng khoán, đây là số cồ phần phát hành để trả cổ tức các năm 2017, 2018 và 2019 với tổng tỷ lệ 29,07%. Ngân hàng Quân Đội (MBB) với gần 3,8 tỷ cổ phần niêm yết, tăng 980 triệu đơn vị so với đầu năm.
Tương tự, ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID) với 4,02 tỷ đơn vị đang lưu hành. Những tháng cuối năm, BIDV cũng có kế hoạch phát hành tổng cộng hơn 830 triệu đơn vị, bao gồm 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 5,2%), 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ 7%), 341,5 triệu cổ phần chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ (tỷ lệ 8,5%).
Ngoài ra, tháng 5/2021, ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đưa 175 triệu cổ phiếu lên sàn giao dịch và số cổ phiếu này đã về tài khoản nhà đầu tư. SHB cũng dự định sẽ chào bán gần 540 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 28% cho cổ đông hiện hữu với giá chào bán dự kiến là 12.500 đồng/cp.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng khác cũng đã hoàn tất phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông và số cổ phiếu này hiện đã hoặc sắp về tài khoản nhà đầu tư trong quý 3 và quý 4/2021. Chẳng hạn, tại ngân hàng Quốc tế (VIB) đã đưa hơn 440 triệu cổ phiếu VIB lên sàn thông qua phương án tăng vốn tối đa 43% vốn điều lệ.
Hay như ngân hàng ACB (ACB) đã đưa ra thị trường thêm 540 triệu cổ phiếu; Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) sẽ phát hành thêm 352,5 triệu cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu, nâng tổng số lượng lưu hành lên gần 1,53 tỷ cổ phiếu;...
Như vậy, trong 8 tháng qua, nhóm ngân hàng có hàng tỷ cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường chứng khoán như cổ phiếu VCB với hơn 3,7 tỷ đơn vị; cổ phiếu TCB với 3,5 tỷ; cổ phiếu ACB hơn 2, 7 tỷ đơn vị; cổ phiếu SHB hơn 1,9 tỷ đơn vị; cổ phiếu STB gần 1,9 tỷ đơn vị; cổ phiếu VIB hơn 1,5 tỷ đơn vị; cổ phiếu MSB gần 1,2 tỷ đơn vị;...
Lo ngại cổ phiếu ngân hàng bị loãng, vốn hóa 'xuống dốc'
Nhiều chuyên gia chứng khoán cho biết, lợi nhuận lớn cộng với chia cổ tức khủng là động lực khiến cổ phiếu ngân hàng thăng hoa trong 6 tháng đầu năm nay với mức tăng từ 50% tới hơn 100%.
Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm, với hàng tỷ cổ phiếu ngân hàng đã và sẽ đổ bộ lên sàn chứng khoán khiến nhà đầu tư lo ngại sự pha loãng mạnh của thị trường, khiến cổ phiếu "vua" đứng trước nguy cơ điều chỉnh.
Và thực tế, vốn hóa ngành ngân hàng trong tháng 5 và tháng 6 lên tới khoảng 1,9 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, khoảng 3 tháng gần đây, loạt cổ phiếu ngân hàng không còn tiếp nối đà tăng như các tháng đầu năm và đã điều chỉnh đáng kể. Trong đó, cổ phiếu VIB, STB, ACB, MBB,... là những mã giảm sâu nhất.
Cụ thể, giai đoạn từ 1/6 - 7/9, giá cổ phiếu VIB giảm 49%, xuống mức 36.500 đồng/cp; cổ phiếu STB giảm 14% về giá 27.900 đồng/cp; cổ phiếu ACB giảm 23% dừng ở mức 32.500 đồng/cp; cổ phiếu MBB giảm 25% xuống còn 28.600 đồng/cp; cổ phiếu BID giảm 17% dừng ở giá 39.700 đồng/cp;...
Trong báo cáo chiến lược được phát hành mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã điều chỉnh khoảng 20% - 30% so với đỉnh cũ vì vậy có thể thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư trung và dài hạn, trong đó công ty chứng khoán này vẫn đánh giá tích cực về triển vọng của một số ngân hàng như CTG, TCB, ACB, MBB trong năm 2022.