Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái mới ký Quyết định 02/2023 về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân.

Theo đó, quyết định quy định cụ thể về mức giá tối đa và tối thiểu của mức giá bán lẻ điện bình quân, áp dụng với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực và sử dụng điện. Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 3/2.

Cụ thể, khung giá mức giá bán lẻ điện bình quân (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) quy định mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu 1.826,22 đồng/kWh, mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa 2.444,09 đồng/kWh.

Quyết định của Thủ tướng yêu cầu khi có biến động lớn về các thông số tính toán khung giá, chi phí sản xuất kinh doanh điện và yêu cầu phân bổ các khoản chi phí chưa được tính vào giá bán lẻ điện bình quân, Bộ Công Thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính tính toán, điều chỉnh khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm theo dõi, báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính khi có biến động lớn về các thông số tính toán khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, chi phí sản xuất kinh doanh điện, cần phân bổ các khoản chi phí chưa được tính vào giá bán lẻ điện bình quân.

Quyết định này được ban hành sẽ thay thế cho quyết định 34/2017 của Thủ tướng về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2016 - 2020.
leftcenterrightdel
Từ ngày 3/2, khung giá bán lẻ điện bình quân thay đổi với mức tối thiểu là 1.826,22 đồng và tối đa là 2.444,09 đồng/kWh (Ảnh: Phạm Tùng).   

Tại một hội nghị cuối tuần trước, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý Bộ Công Thương tính toán kỹ để dung hòa các mục tiêu bởi tăng giá điện quá cao với thu nhập sẽ khiến "người dân, doanh nghiệp không chịu được".

Trước đó, khung giá bán lẻ điện bình quân ở mức tối thiểu là 1.606,19 đồng/kWh và mức tối đa là 1.906,42 đồng/kWh. Hiện nay, giá bán lẻ điện bình quân đang ở mức 1.864,44 đồng/kWh (chưa gồm VAT), vốn được áp dụng kể từ lần điều chỉnh vào hồi tháng 3/2019.

Trong năm qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay giá thành sản xuất kinh doanh điện đã tăng cao do biến động tăng từ các yếu tố đầu vào, đã làm cho EVN bị lỗ lớn trong năm 2022 và dự kiến tiếp tục lỗ cho năm 2023.

Cụ thể, mức lỗ của EVN năm 2022 lên tới 31.300 tỷ đồng. Các chi phí đầu vào, đặc biệt là chi phí nguyên nhiên liệu tăng mạnh trong năm 2022 đã đẩy chi phí giá thành của EVN tăng cao.

EVN cho biết nếu giá điện giữ nguyên như hiện nay thì đến hết tháng 5/2023, Công ty mẹ EVN sẽ không còn tiền trong tài khoản và số lỗ lũy kế năm 2022 - 2023 sẽ lên tới hơn 93.000 tỷ đồng.

Gần đây nhất, sau cuộc họp do Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An chủ trì với đại diện EVN cùng các đơn vị của Bộ Công Thương ngày 1/2, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi EVN yêu cầu tập đoàn này khẩn trương xây dựng phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2023.

Đồng thời xây dựng lộ trình, mức độ điều chỉnh phù hợp trong trường hợp cần điều chỉnh tăng giá điện.

Trong đó, EVN phải hoàn thành báo cáo quyết toán chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022, báo cáo tài chính của công ty mẹ tập đoàn và các đơn vị thành viên. EVN cũng được yêu cầu làm việc với các đơn vị kiểm toán độc lập có uy tín để kiểm toán các báo cáo trên theo đúng quy định.

Trên cơ sở báo cáo quyết toán chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022, báo cáo tài chính năm 2022 của công ty mẹ và các đơn vị thành viên, EVN khẩn trương báo cáo về Bộ Công Thương để phối hợp Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan kiểm tra, công bố công khai kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022.

Được biết, hiện nay EVN đang trong quá trình xây dựng báo cáo về phương án giá điện năm 2023 tại Quyết định số 24, theo chỉ đạo của Bộ Công Thương.
Nguyễn Thu Huyền
Nguồn Người đưa tin Pháp luật
Link bài gốc

https://www.nguoiduatin.vn/tang-khung-gia-ban-le-dien-binh-quan-cao-nhat-2-444-09-dong-a592472.html