SSI: Các ngân hàng sẽ giảm đầu tư trái phiếu trong năm 2021
Cập nhật lúc 16:32, Thứ năm, 04/03/2021 (GMT+7)
SSI cho rằng, dù các ngân hàng gia tăng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2020 nhưng tỷ trọng sở hữu trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng nhiều khả năng sẽ giảm xuống trong năm 2021.
Trung tâm phân tích của chứng khoán SSI (SSI Research) vừa có báo cáo phân tích thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Theo SSI Research, lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành đã giảm mạnh trong quý 4/2020 nhưng năm 2020 vẫn là một năm tăng trưởng bùng nổ với 455 nghìn tỷ đồng TPDN được phát hành (tăng 48,4% so với năm 2019); quy mô thị trường TPDN tăng thêm gần 40% và hiện chiếm khoảng 12% GDP của Việt Nam.
Lượng vốn huy động cho các dự án điện mặt trời tăng vọt từ 8,4 nghìn tỷ đồng (2019) lên 30 nghìn tỷ đồng (2020) trong đó tập trung nhiều vào các dự án ở Ninh Thuận, Đăk Lăk. Kế hoạch cắt giảm năng lượng tái tạo của Tập đoàn Điện lực do dư thừa nguồn cung có thể làm gia tăng rủi ro với trái phiếu điện mặt trời.
Trái phiếu Bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất (40,1%) trong tổng phát hành toàn thị trường dù là nhóm chịu ảnh hưởng mạnh nhất bởi các quy định chặt chẽ về điều kiện phát hành tại Nghị định 81. Tổng lượng trái phiếu BĐS không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu phát hành năm 2020 là gần 63 nghìn tỷ đồng.
Các ngân hàng gia tăng đầu tư TPDN trong năm qua, với số TPDN mà các NHTM nắm giữ tăng 47% so với cuối 2019.
Khung pháp lý có nhiều thay đổi quan trọng trong đó nổi bật nhất là yêu cầu nhà đầu tư TPDN phát hành riêng lẻ phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. SSI cho rằng, lượng phát hành TPDN năm 2021 ra công chúng sẽ cải thiện so với 2020. Tỷ trọng phát hành ra công chúng có thể tăng so với mức chỉ 5,2% của năm 2020.
Phát hành riêng lẻ sẽ tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn. Chưa tính đến yêu cầu tổ chức phát hành hoặc trái phiếu chào bán phải được xếp hạng tín nhiệm sẽ có hiệu lực sau 2 năm nữa, các điều kiện phát hành ra công chúng khác cũng khắt khe hơn nhiều so với phát hành riêng lẻ. Bởi vậy, những doanh nghiệp không đáp ứng được sẽ vẫn phải tìm đến kênh phát hành riêng lẻ. Ngoài ra, các yêu cầu về công bố thông tin và niêm yết trái phiếu khi phát hành ra công chúng cũng khiến nhiều doanh nghiệp kể cả các doanh nghiệp lớn ưa thích phát hành riêng lẻ hơn.
Dù các ngân hàng gia tăng đầu tư TPDN trong năm 2020 nhưng tỷ trọng sở hữu TPDN của các ngân hàng nhiều khả năng sẽ giảm xuống khi Ngân hàng Nhà nước chính thức ban hành dự thảo Thông tư quy định việc tổ chức tín dụng (TCTD) mua, bán TPDN, hiện đã được công bố để lấy ý kiến. Dự thảo quy định TCTD không được mua trái phiếu của tổ chức phát hành có phát sinh nợ xấu trong 12 tháng gần nhất (tại tất cả các TCTD); không được mua lại trái phiếu đã bán và/hoặc trái phiếu phát hành cùng lô/đợt với trái phiếu đã bán trong vòng 12 tháng; không được bán TPDN cho các công ty con.
Theo định hướng, các ngân hàng sẽ tập trung vào kênh tín dụng ngắn hạn và TPDN sẽ là kênh huy động vốn vay trung và dài hạn của doanh nghiệp; việc các ngân hàng cấp tín dụng cho doanh nghiệp thông qua đầu tư TPDN cũng sẽ hạn chế hơn.
Nhìn chung, thị trường TPDN 2021 vẫn sẽ sôi động nhưng sức nóng sẽ giảm so với 2020. So với năm 2020, sức mua của các nhà đầu tư đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân sẽ giảm bớt do không đáp ứng yêu cầu là NĐT chứng khoán chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất tiền gửi thấp (chỉ từ 4,5%-5,5%/năm với kỳ hạn 12 tháng) dự kiến vẫn tiếp tục duy trì ít nhất là trong nửa đầu năm 2021 và có thể chỉ nhích nhẹ vào nửa cuối năm. Ở mức lãi suất này, đầu tư TPDN đang mang lại tỷ suất sinh lời cao hơn từ 2-5%/năm so với tiền gửi nên vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn. Môi trường lãi suất thấp vẫn là động lực cơ bản thúc đẩy cả thị trường sơ cấp và thứ cấp TPDN tăng trưởng.
Thu Thủy
Nguồn DoanhnghieptiepthiLink bài gốchttps://doanhnghieptiepthi.vn/ssi-cac-ngan-hang-se-giam-dau-tu-trai-phieu-trong-nam-2021-161210403161055151.htm