Ngấm đòn Covid-19, loạt khách sạn hạng sang lỗ nặng

Công ty CP Biệt thự và Khách sạn biển Đông Phương (mã CK: BDP) - chủ sở hữu, vận hành khách sạn Sheraton Đà Nẵng vừa công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý II/2020.

Theo đó, chủ sở hữu, vận hành khách sạn Sheraton Đà Nẵng chỉ ghi nhận doanh thu vỏn vẹn 2,3 tỷ đồng. Trong khi cùng kỳ năm trước vẫn đạt 106 tỷ đồng, giảm tới 98%. Đây là mức doanh thu thấp kỷ lục từ khi khách sạn hạng sang này bắt đầu đón khách vào năm 2017.

Doanh thu giảm mạnh trong khi giá vốn hàng bán vẫn chiếm tới 33 tỷ đồng khiến chủ sở hữu, vận hành Khách sạn Sheraton Đà Nẵng lỗ gộp gần 31 tỷ đồng.

Lý giải về nguyên nhân lỗ kỷ lục, lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, do ảnh hưởng và diễn biến của dịch Covid-19 ngày càng phức tạp nên tình hình kinh doanh của lĩnh vực dịch vụ lưu trú nói chung và khách sạn Sheraton Grand Đà Nẵng nói riêng đều chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.

Từ ngày 11/4/2020 đến 15/6/2020, khách sạn đóng cửa và ngưng hoạt động nên doanh thu quý II/2020 của khách sạn chỉ đạt 2% so với cùng kỳ năm 2019, giảm 103,8 tỷ đồng trong khi các chi phí cố định gần như không thay đổi dẫn đến lợi nhuận gộp kỳ này giảm mạnh.

Trước thực tế kể trên, trong báo cáo thường niên 2019, ban lãnh đạo BDP cho biết, năm 2020, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động quản lý khách sạn và phát triển du lịch toàn cầu trong đó có khách sạn Sheraton Grand Danang Resort. Dự báo các chỉ tiêu hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm nay của công ty sẽ giảm, tiếp tục lỗ.

Dù không đưa ra kế hoạch lỗ do ảnh hưởng của Covid-19 nhưng Công ty Quốc tế Hoàng Gia (HoSE: RIC) cũng phải điều chỉnh giảm phân nửa chỉ tiêu lợi nhuận trong năm 2020.

Công ty Quốc tế Hoàng Gia (HoSE: RIC) là chủ sở hữu khách sạn Royal HaLong, khu biệt thự Hoàng Gia, nhà hàng Long Ký, Phúc Viên, Bar Piano, câu lạc bộ Quốc tế Hoàng Gia (khu vui chơi có thưởng dành cho người nước ngoài - casino).

Theo đó, tổng doanh thu kế hoạch 2020 điều chỉnh giảm 12,3% xuống 12,65 triệu USD (295 tỷ đồng). Trong đó, doanh thu khách sạn – biệt thự giảm 18% và doanh thu câu lạc bộ giảm 9%, doanh thu câu lạc bộ vẫn đóng góp chủ yếu với 64,3% tổng doanh thu. Lợi nhuận sau thuế 404.300 USD (9,3 tỷ đồng), giảm 50%.

Tuy nhiên, tại báo cáo tài chính mới nhất do chủ sở hữu khách sạn Royal HaLong vừa công bố cho thấy, doanh thu thuần của đơn vị này chỉ đạt gần 49,5 tỷ đồng, bằng 63% so với cùng kỳ.

Do giá vốn hàng bán vượt doanh thu nên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này âm 27 tỷ đồng. Nhờ tiết giảm chi phí so với cùng kỳ, chủ sở hữu khách sạn Royal HaLong lỗ sau thuế 54 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước lỗ tới 78 tỷ đồng).

Mặc dù vậy, nếu xét về cơ cấu nguồn thu và lợi nhuận, câu lạc bộ ghi nhận 21,8 tỷ đồng doanh thu nhưng lỗ tới 42 tỷ đồng; Khách sạn và biệt thự lỗ 11,6 tỷ với gần 28 tỷ đồng doanh thu.

Trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái, doanh thu thuần của 2 mảng này lần lượt là 19 tỷ và 59 tỷ đồng, lợi nhuận mang về âm 76,6 tỷ và 834 triệu đồng.

Như vậy có thể thấy, trong bối cảnh Covid-19, mảng khách sạn và biệt thự của chủ sở hữu khách sạn Royal HaLong đã chuyển từ lãi sang lỗ trong nửa đầu năm nay.

leftcenterrightdel
Khách sạn Royal HaLong. 

Là một trong những khách sạn lâu đời của thành phố HCM, được khánh thành từ năm 1968 với tên gọi ban đầu là Peninsula Hotel. Khách sạn Sài Gòn không thoát khỏi cảnh "hụt hơi" doanh thu và lợi nhuận do ảnh hưởng của Covid-19 tới ngành khách sạn, dịch vụ và du lịch.

Báo cáo tài chính quý II/2020 của CTCP Khách sạn Sài Gòn (SGH) cho thấy, doanh thu thuần và cung cấp dịch vụ của Khách sạn Sài Gòn giảm mạnh từ mức 23,7 tỷ đồng cùng kỳ năm trước, xuống chỉ còn xấp xỉ 9,5 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2020. Lợi nhuận gộp chỉ bằng 14% so với cùng kỳ, mang về 1,7 tỷ đồng.

Chốt 2 quý, Khách sạn Sài Gòn báo lãi 3,5 tỷ đồng sau thuế. Trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái lãi trên 11 tỷ đồng.

Theo tài liệu phục vụ đại hội đồng cổ đông của Khách sạn Sài Gòn vào ngày 30/7 tới đây, doanh nghiệp này có đề cập, hoạt động kinh doanh của ngành đến nay đã và đang tiếp tục chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 xảy ra trên phạm vi toàn cầu làm sụt giảm nghiêm trọng đến khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và đến khách hàng nội địa và gây thiệt hại lớn đến nguồn thu từ ngành dịch vụ và du lịch. Việc Việt nam đang tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam bắt đầu từ giữa tháng 3 đến nay đã đưa lượng khách quốc tế đến Việt Nam trở lại gần như bằng không.

Từ đó, Khách sạn Sài Gòn đề ra mục tiêu doanh thu "khiêm tốn" 15 tỷ đồng năm 2020, bằng 29,8% so với thực hiện năm 2019. Lỗ gộp 1,5 tỷ đồng và tỷ lệ lợi nhuận gôp trên tổng doanh thu là âm 9,9%.

Tương lai không mấy sáng sủa

Nhìn vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trên, nhiều chuyên gia đều đánh giá những khó khăn của hoạt động kinh doanh du lịch, khách sạn không chỉ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong nửa đầu năm 2020 mà vẫn "đeo bám" các doanh nghiệp trong nửa cuối năm.

Dù vậy, việc Việt Nam khống chế được dịch Covid-19 như thời gian vừa qua sẽ phần nào cải thiện được hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này trong quý III/2020 khi du lịch nội địa đang dần phục hồi.

Tuy nhiên, kỳ vọng đó đã tan biến nhanh chóng vào cuối tuần trước xuất hiện thêm ca nhiễm mới Covid-19. Tính đến 18h20 ngày 27/7, Việt Nam ghi nhận thêm 11 ca Covid-19 ngoài cộng đồng. 11 ca bệnh bao gồm 7 bệnh nhân và 4 nhân viên y tế thuộc Bệnh viện Đà Nẵng.

Dù chưa lan rộng nhưng sự việc sẽ giáng đòn nặng nề đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này trong thời gian tới bởi tâm lý e dè của người dân đối với hoạt động du lịch, giải trí.

Với tình hình kinh doanh u ám trong 2 quý đầu năm và triển vọng không mấy khả quan thì việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh hay lên kế hoạch lỗ trong năm 2020 của các doanh nghiệp là điều khó tránh khỏi.

Theo Huyền Anh/Dân Việt
Nguồn
Link bài gốc

https://danviet.vn/lien-tiep-nhan-tin-du-covid-19-loat-khach-san-hang-sang-dieu-dung-20200728120558078.htm