Tuần vừa qua, thị trường đã chứng kiến khá nhiều thông tin trái chiều được công bố, điều này dẫn đến chỉ số liên tục chịu áp lực điều chỉnh, đặc biệt là thông tin ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) tại Mỹ sụp đổ. Tâm lý thận trọng bao trùm kéo chỉ số VN-Index lùi về vùng hỗ trợ 1.030-1.040 điểm.

Tuy nhiên, điểm tích cực là trong tuần qua khối ngoại đã quay đầu mua ròng với giá trị trên sàn HoSE đạt 2.163 tỷ đồng, tăng 136% so với tuần trước nhờ hoạt động giải ngân của các quỹ ETF như VNM ETF, Fubon ETF. Thanh khoản thị trường cũng tiếp tục được cải thiện trong tuần qua với giá trị giao dịch bình quân ba sàn tăng 18,2% lên mức 11.713 tỷ đồng/phiên.

Ông Thuận Tĩnh, Chuyên viên tư vấn, CTCK Mirae Asset Việt Nam và ông Nguyễn Trọng Minh, Trưởng phòng môi giới, CTCK Yuanta Việt Nam – Co-Founder BigStock, Quản lý tài sản đều chung quan điểm rằng những tác động từ tin tức vĩ mô thế giới đến thị trường chỉ là trong ngắn hạn, và VN-Index cũng sẽ sớm hồi phục với mức hỗ trợ quanh vùng 1.040 điểm.

leftcenterrightdel
Biểu đồ định giá thị trường trong vòng 1 năm qua (Nguồn: Fiintrade). 

Người Đưa Tin: Thời gian qua, thị trường liên tục xuất hiện những diễn biến khó lường. Theo ông, áp lực từ sự kiện Credit Suisse (CS) liệu có ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam?

Ông Thuận Tĩnh: Tôi nhớ phiên đầu tuần, khi sự kiện SVB xảy ra, VN-Index mở cửa nhảy GAP giảm mạnh, nhưng sau đó hồi phục trở lại, để rồi đóng cửa gần mức tham chiếu. Thời gian qua, dòng tiền thị trường đã cải thiện khá nhiều, điều này chính là lực đỡ và lực đẩy cho VN-Index trong tuần tới, bất chấp các tin xấu ồ ạt đến từ thị trường thế giới (Mỹ và châu Âu).

Tuy nhiên, tôi lưu ý riêng về trường hợp Credit Suisse, ngân hàng này có đứng ra huy động vốn cho một số doanh nghiệp Việt Nam, vì vậy trong trung-dài hạn, sức ảnh hưởng của sự kiện Credit Suisse sẽ lớn hơn so với SVB, khi mà các doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc huy động vốn.

Ông Nguyễn Trọng Minh: Sự việc ngân hàng SVB tuyên bố phá sản, cũng như những lo ngại về ngân hàng Credit Suisse có nguy cơ phá sản chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trước tiên là ảnh hưởng về mặt tâm lý, hiện tại VN-Index đang trong nhịp điều chỉnh từ đầu tháng 2 tới nay và vẫn chưa có tín hiệu kết thúc điều chỉnh, những thông tin tiêu cực liên tục xuất hiện sẽ làm cho tâm lí nhà đầu tư chán nản thêm và dẫn đến các đợt bán tháo do tâm lý bi quan.

Về khía cạnh kinh tế, cả Credit Sussie và SVB đều là những ngân hàng đầu tư và có danh mục đầu tư trái phiếu rất lớn. Nếu Credit Sussie tuyên bố phá sản sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị trường trái phiếu quốc tế, các quỹ đầu tư trái phiếu cũng sẽ chịu áp lực rút tiền rất lớn của nhà đầu tư (tương tự thị trường trái phiếu của Việt Nam giai đoạn vừa qua).

Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân của tôi, Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ sẽ có các phương án hỗ trợ để tránh cho Credit Suisse bị phá sản. Và thị trường chứng khoán nếu có thì cũng chỉ bị tác động ngắn hạn, nhà đầu tư cần xác định rõ xu hướng thị trường, nội tại của cổ phiếu mình đang đầu tư để đưa ra quyết đinh đúng đắn nhất.

leftcenterrightdel
Biểu đồ phân tích kĩ thuật của VN-Index. 

Người Đưa Tin: Với diễn biến như hiện nay, ngưỡng hỗ trợ của VN-Index sẽ là bao nhiêu, thưa ông. Nhà đầu tư nên lựa chọn những nhóm ngành nào để bảo vệ danh mục đầu tư?

Ông Thuận Tĩnh:
Ngưỡng hỗ trợ cứng của VN-Index sẽ là vùng 1.000-1.020. Với việc các ngân hàng lớn (Big4) ở Mỹ đồng loạt hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng nhỏ (giải pháp cho "bank run" đang xảy ra), Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bơm 300 tỷ USD ra thị trường hỗ trợ nền kinh tế, FED tung gói 25 tỷ USD bảo vệ các ngân hàng trước rủi ro phán sản.

Cộng thêm tại Việt Nam, NHNN vừa quyết định hạ 1% lãi suất điều hành từ chiều 14/3, và thậm chí còn khẳng định xu hướng giảm lãi suất trong thời gian tới. Ngay lập tức lãi suất liên ngân hàng và lãi suất huy động tại các Ngân hàng Thương mại cũng đồng loạt giảm.

Đây là hai yếu tố vĩ mô quan trọng khiến tôi chọn dòng ngân hàng để tư vấn cho nhà đầu tư vào thời điểm này. Kết hợp với yếu tố đặc thù của ngành này, đó là dòng ngân hàng ở Việt Nam có những câu chuyện rất riêng như chia cổ tức cao (bằng tiền và bằng cổ phiếu), câu chuyện tăng vốn - bán vốn cho đối tác, câu chuyện M&A,...khiến cho dòng ngân hàng luôn có những con sóng tăng cho dòng thị trường có trong xu hướng nào.

Theo tôi, nhà đầu tư nên chọn dòng ngân hàng và những cổ phiếu của dòng này mà đang sở hữu những "câu chuyện" tôi vừa nêu ở trên để đầu tư.

Ông Nguyễn Trọng Minh: Về xu hướng ngắn hạn, VN-Index vẫn đang trong nhịp điều chỉnh. Quỹ Fubon có khả năng sẽ tiếp tục giải ngân mua cổ phiếu nhóm VNX50 nên đây sẽ là dòng tiền hỗ trợ cho VN-Index trong ngắn hạn. Theo tôi, vùng điểm số 1.040 sẽ là hỗ trợ ngắn hạn cho VN-Index, xa hơn sẽ là vùng 990-1.000 hỗ trợ rất mạnh, nếu VN-Index có suy yếu và giảm về mức này thì lực cầu sẽ vào rất mạnh.

Kết luận, VN-Index vẫn đang trong xu hướng đi xuống ngắn hạn, chưa có tín hiệu quay trở lại xu hướng tăng, vì vậy, nhà đầu tư lưu ý, về danh mục cần giữ tỉ trọng cổ phiếu vừa phải, tránh dùng margin. Chuẩn bị các kịch bản biến động của thị trường và sẵn sàng sức mua để giải ngân theo từng kịch bản đã đưa ra. Giai đoạn thị trường biến động khó, cần tuân thủ kỉ luật, mua/bán theo đúng kịch bản đã vạch ra trước.

Đồng thời, nhà đầu tư cần tránh tâm lí hưng phấn hoặc bi quan thái quá. Nếu lướt sóng ngắn hạn của thị trường thì cần chọn các mã có tính thị trường cao và có chiết khấu mạnh như nhóm chứng khoán: VCI SSI HCM… và nhóm thép: HPG HSG NKG…; đầu tư theo xu hướng thì có thể chọn cổ phiếu VNM, BVH.

Phạm Hồng Nhung
Nguồn Người đưa tin Pháp luật
Link bài gốc

https://www.nguoiduatin.vn/lang-kinh-chung-khoan-203trien-vong-dau-tu-o-nhom-ngan-hang-thep-a598698.html