Mặc dù nhóm ngân hàng, bảo hiểm kéo trụ với sắc xanh toàn phiên, nhưng VN-Index chưa thể bứt phá mạnh bởi bất động sản đi lùi và thanh khoản mất hút trên thị trường.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/1, VN-Index tăng 6,51 điểm, tương đương 0,26% lên 1.066,68 điểm. Toàn sàn có 175 mã tăng, 215 mã giảm và 62 mã đứng giá.

HNX-Index giảm 0,38 điểm, tương đương 0,18% xuống 210,88 điểm, UPCoM-Index tăng 0,13 điểm, tương đương 0,18% đạt 72,22 điểm. Chỉ số đại diện nhóm VN30 ghi nhận mức tăng cao nhất 5,85 điểm với 15 mã tăng giá.

Thanh khoản ghi nhận mức giảm rõ rệt. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 10.444 tỷ đồng, giảm 23% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh sàn HoSE đạt 9.372 tỷ đồng, giảm 24% so với phiên hôm trước. Nhóm VN30 được sang tay 4.217 tỷ đồng.
leftcenterrightdel
 

Top cổ phiếu ảnh hưởng đến VN-Index (Nguồn: Smart Invest).


Rủi ro giảm sâu sẽ không cao

Chứng khoán BVSC: Tuần này, thị trường sẽ bước vào mùa cao điểm công bố KQKD quý IV của các doanh nghiệp niêm yết. Ngoài ra, phiên đáo hạn HĐTL tháng 1 diễn ra vào thứ 5 cũng sẽ là sự kiến có thể khiến thị trường biến động mạnh. Dòng tiền yếu khi nhà đầu tư thận trọng và hạn chế giao dịch trước kỳ nghỉ lễ dài ngày sẽ là yếu tố khiến cho thị trường khó bứt phá được ngay ở thời điểm hiện tại.

Dù vậy, BVSC cho rằng với sự nâng đỡ của khối ngoại trong bối cảnh định giá của thị trường đang ở mức hấp dẫn sẽ giúp cho thị trường tránh được áp lực giảm sâu trước Tết. BVSC cho rằng, rủi ro giảm sâu của thị trường sẽ không cao khi thị trường dao động dưới vùng 1.080-1.100 điểm. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc khi thị trường điều chỉnh, rung lắc mạnh ở giai đoạn hiện tại sẽ tạo ra cơ hội tham gia thị trường cho các nhà đầu tư mua trading ngắn hạn hoặc mua gom tích lũy các cổ phiếu có định giá thấp.

Trạng thái tranh chấp, thăm dò có khả năng còn tiếp diễn

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC): Sau nhiều phiên bị cản tại ngưỡng 1.065 điểm của VN-Index, thị trường đã vượt qua được ngưỡng này. Tuy nhiên, nhìn chung dòng tiền vẫn còn tương đối thận trọng, thể hiện qua thanh khoản giảm, đồng thời diễn biến tăng giá chưa được lan tỏa đến nhiều nhóm cổ phiếu.

Thị trường có thể tiếp tục tăng điểm trong phiên giao dịch tiếp theo nhưng trạng thái tranh chấp và thăm dò có khả năng vẫn còn tiếp diễn, vùng cản cần lưu ý sắp tới là vùng 1.080 điểm của VN-Index. Do vậy, nhà đầu tư có thể kỳ vọng khả năng tăng điểm của thị trường nhưng vẫn cần lưu ý áp lực bán tại vùng cản và cần đánh giá mối tương quan cung cầu trong thời gian gần tới.

Thống kê cho thấy chỉ số sẽ giảm điểm vào phiên tới

Chứng khoán Smart Invest: VN-Index đóng cửa giao dịch tạo thành mẫu hình giao dịch “White Candle”. Khối lượng giao dịch giảm và nằm dưới mức trung bình 20 ngày – Tín hiệu giao dịch thường thấy trong tuần giao dịch trước nghỉ Tết Âm Lịch ở Việt Nam.

Theo thống kê định lượng, với mẫu hình 16/1 thì phiên giao dịch tiếp theo, VN-Index có xác suất tăng điểm là 49% và 50% giá đóng cửa cao hơn giá mở cửa. Thống kê cho thấy chỉ số sẽ giảm điểm vào phiên giao dịch ngày mai. Nhóm phân tích cho rằng lựa chọn cổ phiếu quan trọng hơn nhìn điểm số lúc này. Kháng cự là 1.100 điểm. Hỗ trợ vùng 970 điểm.

Vẫn trong xu hướng giảm

Chứng khoán TPS: Mặc dù kết phiên với sắc xanh nhưng VN-Index vẫn chưa thoát khỏi kênh giá giảm bắt đầu từ tháng 4/2022. Cùng với đó, khối lượng giao dịch khớp lệnh sụt giảm và duy trì ở mức thấp (dưới mức trung bình 20 phiên) phản ánh tâm lý dè chừng của nhà đầu tư vì kỳ nghỉ lễ đến gần khiến nhà đầu tư hạn chế mua mới cổ phiếu, chỉ số vẫn đang ở vùng giá nhạy cảm khi áp sát đường trendline giảm bắt đầu từ tháng 4/2022 và áp lực bán không đủ hấp dẫn để thu hút dòng tiền mới tham gia.

Hiện tại, trendline giảm trên vẫn là kháng cự quan trọng mà chỉ số cần chinh phục. Nếu có thể thành công vượt ngưỡng cản mạnh này, chỉ số sẽ có cơ hội hướng đến mức cao mới.
Phạm Hồng Nhung
Nguồn Người đưa tin Pháp luật
Link bài gốc

https://www.nguoiduatin.vn/lang-kinh-chung-khoan-171-thi-truong-kho-thoat-khoi-xu-huong-giam-a590401.html