CPI trung bình 3 tháng đầu năm ở mức thấp
Trung bình 3 tháng đầu năm, chỉ số CPI so với cùng kỳ năm ngoái hiện đang ở mức 0,29%. Đây là mức tăng thấp nhất của Quý I, kể từ năm 2007 tới nay. Mức tăng trưởng chỉ số giá tiêu dùng thấp trong thời điểm đầu năm tạo điều kiện cho NHNN tiếp tục duy trì trạng thái nới lỏng tiền tệ và lãi suất ở mặt bằng thấp.
Chỉ số CPI trong QI/2021 tăng chủ yếu do giá lương thực thực phẩm tăng so với cùng kỳ, đặc biệt là giá gạo tăng theo giá gạo xuất khẩu, và giá dịch vụ giáo dục tăng do ảnh hưởng từ đợt tăng học phí năm học 2020-2021 theo lộ trình của Nghị định 86/NĐ-CP (ngày 2/10/2015 do Chính phủ phát hành). Tuy nhiên, việc giảm điểm của chỉ số giá nhóm giao thông và nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD đã giúp giảm áp lực lên đà tăng của chỉ số giá tiêu dùng CPI. Theo đó, giá điện sinh hoạt bình quân trong QI/2021 giảm 7,28% so với cùng kỳ, nhờ gói hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN, và giá xăng dầu Q1 giảm 9,54% so với cùng kỳ năm ngoái (xăng 95 trung bình trong QI giảm 1,32% so với cùng kỳ năm ngoái).
Nền giá thấp của nhiều mặt hàng trong quý II và III năm 2020 sẽ tạo áp lực lên lạm phát trong các tháng tới
Về diễn biến của thị trường dầu thế giới, cầu dầu được dự báo sẽ tăng trở lại, với khả năng kinh tế thế giới mở cửa trở lại, nhiều nền kinh tế bước vào giai đoạn tăng tốc, khôi phục sản xuất, giao thông… Với kỳ vọng về phục hồi kinh tế, sự hồi phục của nhiều ngành cũng được chờ đón, bao gồm các ngành sử dụng nguyên liệu đầu vào là dầu, như giao thông vận tải và du lịch, đặc biệt là ngành hàng không..
Bên cạnh đó, trong năm 2021, giá điện cũng không còn được hỗ trợ và giá dịch vụ giáo dục cũng tăng theo lộ trình của Chính phủ, khi dịch Covid-19 vẫn đang được kiểm soát tốt và việc tiêm ngừa Covid vẫn đang được triển khai. Diễn biến này cũng được kỳ vọng sẽ kích thích cầu du lịch, qua đó, nhóm ngành văn hoá du lịch nhiều khả năng cũng sẽ ghi nhận hồi phục, tăng giá so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, BVSC vẫn cho rằng trong các quý tiếp theo trong năm 2021, chỉ số CPI nhiều khả năng sẽ tăng trở lại, do mức nền thấp của CPI quý II và III năm 2020 và nhờ dịch Covid-19 được kiểm soát nên nhu cầu của nhiều mặt hàng trở lại nhịp bình thường. Như trong năm 2020, chỉ số giá nhóm ngành giao thông giảm mạnh 19,57% do giá xăng dầu giảm mạnh. Giá xăng 95 đóng cửa tháng 4/2020 tại đáy 11.631 VND/lit. Hiện tại, kết thúc quý I/2021, giá xăng 95 đã tăng lên mức 19.045 VND/lit, cao hơn 38,12% so với mức đáy hồi tháng 4/2020.
Do đó, công ty chứng khoán này cho rằng mức dự báo tăng trung bình 23% của giá xăng 95 cũng sẽ có tác động đẩy CPI trung bình năm 2021 tăng lên so với cùng kỳ (khiến chỉ số giá xăng dầu tăng khoảng 5,12%, tác động làm CPI tăng lên 0,18 điểm phần trăm).
Do vậy, mặc dù chỉ số CPI hiện tại vẫn đang ở mức thấp, BVSC duy trì quan điểm cho rằng chỉ số này sẽ tăng trong các quý tiếp theo, đạt đỉnh vào khoảng QII-QIII và đạt mức trung bình 3-3,5% trong năm 2021.
Thảo Nguyên