Những "cú đấm" liên hoàn từ các đợt dịch, lượng khách giảm do các đợt giãn cách xã hội khiến các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn chưa kịp hồi phục thì tiếp tục bị thua lỗ.
Kinh doanh khách sạn gặp khó khăn chồng chất
Dịch bệnh kéo dài khiến tâm lý lạc quan của các chủ khách sạn gần như đã không còn. Do Covid-19, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế bị ảnh hưởng nặng nề.
Hiện nay, ngành kinh doanh khách sạn của tỉnh gần như đóng băng hoàn toàn, lượng khách hiện tại bằng không do đa số các tỉnh thành trên toàn quốc bị phong tỏa và các đợt giãn cách xã hội liên tiếp.
Ngành du lịch khách sạn, nhà hàng gặp khó khăn chồng chất. Gần như 100% doanh nghiệp rơi vào tình trạng không có khách, các hoạt động dịch vụ bị tê liệt khiến doanh thu của các doanh nghiệp dịch vụ du lịch bằng không trong cả năm 2020 và 9 tháng đầu năm 2021.
Chịu tác động nặng nề của đại dịch là vậy nhưng doanh nghiệp kinh doanh khách sạn Thanh Lịch của ông Lê Quang Bình (ở TP. Huế) vẫn phải duy trì hoạt động để bảo trì, bảo dưỡng, chống xuống cấp để sẵn sàng phục vụ, đón nhận khách khi đại dịch qua đi.
Do đó, khách sạn vẫn phải duy trì một lực lượng nhân viên nên chỉ cắt giảm thời gian làm việc, như cho nhân viên nghỉ luân phiên để giảm thiểu tối đa chi phí là giải pháp duy nhất khách sạn Thanh Lịch có thể thực hiện lúc này. Bộ phận kinh doanh và một số bộ phận như lễ tân, an ninh, bảo trì, bảo vệ, hành chính, kế toán của doanh nghiệp vẫn phải làm việc đầy đủ để duy trì hoạt động của khách sạn.
Theo ông Bình chia sẻ: “Toàn bộ chi phí điện nước, vật tư, nguyên nhiên vật liệu thiết yếu, lương của cán bộ nhân viên đều phải chi trả hàng tháng đầy đủ bằng nguồn vốn vay ngân hàng”.
Cùng trong tình cảnh này, anh Quang Tuấn, Quản lý của một khách sạn trong TP.HCM tỏ ra lo ngại khi chứng kiến các đợt giãn cách xã hội liên tiếp làm thị trường kinh doanh dịch vụ khách sạn tê liệt.
Anh Tuấn chia sẻ: “Tôi rất buồn về tình trạng kinh doanh của khách sạn trong thời buổi dịch bệnh, khó khăn chồng chất khó khăn. Các chi phí để duy trì cuộc sống trong mùa dịch vốn đã khó, nay lại phải đèo bồng thêm cả một hệ thống khách sạn lớn là một điều không dễ dàng cho các doanh nghiệp trong khoảng thời gian này. Tôi không biết khách sạn phải cầm sự đến khi nào, khi nào tình hình dịch bệnh mới được kiểm soát để mở cửa đón khách bù lỗ".
Thời buổi dịch bệnh, nguồn thu không có nhưng tất cả các chi phí đều tăng như phải xét nghiệm nhanh Covid-19 cho nhân viên và khách lưu trú, tiêm vaccine cho 100% nhân viên, tăng cường vệ sinh, phun khử khuẩn và các thiết bị phòng hộ.
Nguồn thu duy nhất của khách sạn thời điểm này là nhận khách sau khi hoàn thành cách ly hoặc khách muốn tránh dịch do khu vực khách ở không đảm bảo an toàn.
Anh Tuấn cũng cho biết do nguồn thu không đủ nên khách sạn phải tạm thời cho nghỉ tới 80% nhân sự. Các chi phí đều phải giảm xuống như giảm điện, nước, máy lạnh. Khó khăn chồng chất, nhiều bất tiện và hệ lụy đi kèm, ảnh hưởng tới đời sống và tinh thần của mọi người.
Giải pháp “cứu” doanh nghiệp kinh doanh khách sạn
Làn sóng Covid-19 thứ 4 một lần nữa đánh mạnh vào ngành du lich và các dịch vụ kinh doanh khách sạn. Các hoạt động bị đình trệ, các doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng khách sạn rơi vào cảnh khó khăn, thậm chí kiệt quệ do không có doanh thu.
Các đợt giãn cách xã hội liên tiếp từ nhiều tháng nay đã khiến nhu cầu lưu trú sụt giảm nghiêm trọng. Hầu hết các doanh nghiệp đều muốn kích cầu du lịch nội địa để có thể duy trì việc làm cho bộ phận nhân sự chủ chốt. Tuy nhiên, điều này là không hề dễ dàng khi chính bản thân doanh nghiệp khách sạn cũng đang vùng vẫy trong đại dịch.
Anh Tuấn hy vọng trong thời gian tới, khi đại dịch Covid-19 tạm lắng, khách sạn có thể triển khai đón khách du lịch nội địa bằng cách truyền thông các điểm đến hấp dẫn và thường xuyên trên các kênh truyền thông đặc biệt trọng tâm đi theo nhóm (gia đình, bạn bè, công ty) và sự kiện. Hỗ trợ chi phí đi lại của người dân như trợ cấp giá xăng, dầu, vé máy bay, cầu đường, OTA địa phương với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”.
Khách sạn sẽ tập trung tạo ra nhiều gói khuyến khích lưu trú, sử dụng sản phẩm nhà hàng, đẩy mạnh và tăng cường hoạt động cho mảng sự kiện như hội thảo và đám cưới. Còn thời điểm này, khách sạn chỉ có thể tiếp tục duy trì chi phí ở mức thấp để ổn định dòng vốn, đợi sau dịch sẽ phát triển trở lại, anh Tuấn chia sẻ.
Trước những khó khăn lớn hiện nay, ông chủ khách sạn Thanh Lịch cho hay cũng đã có một số kiến nghị gửi tới cơ quan quản lý nhà nước để sớm có giải pháp giúp doanh nghiệp khách sạn tồn tại và hồi phục sau đại dịch.
Theo đó ông Bình đã đề nghị được tiếp tục giảm tiền điện, nước đến mức thấp nhất trong suốt thời gian dịch Covid-19 xảy ra, kèm với đó là việc giảm lãi vay của các ngân hàng.
Ông Bình cũng đề nghị giảm bớt các điều kiện trong quyết đinh số 23/2021/QĐ-TTg nhằm giúp người sử dụng lao động được hỗ trợ gói vay vốn để trả lương cho nhân viên và phục hồi sản xuất cho người lao động theo gói 26.000 tỷ đồng của Chính phủ.
Để tháo gỡ khó khăn cho ngành dịch vụ và du lịch khách sạn, ông Bình cho rằng, cần có sự đồng lòng, phối hợp chặt chẽ từ các cơ quan quản lý nhà nước đến các ban ngành Trung ương, Hiệp hội du lịch để có các phương án hỗ trợ doanh nghiệp sao cho phù hợp, chắc chắn và kịp thời, đúng thời điểm.