Có thể thấy, sức hấp dẫn của hình thức livestream như một dạng truyền hình trực tiếp mang tính tương tác cao giữa người bán với người xem. Qua đó, giúp người mua có thể chủ động thắc mắc về sản phẩm và được trả lời. Chỉ cần để lại số điện thoại, ngay lập tức sẽ có người liên hệ chốt đơn hàng.
Thao tác mua bán diễn ra rất nhanh cùng mức giá “ưu đãi” chỉ có trong giờ livestream. Tuy nhiên, bên cạnh các trang thương mại điện tử, các địa chỉ Facebook, Zalo… làm ăn nghiêm chỉnh, tạo dựng độ tin tưởng ở người dùng thì nhiều đối tượng đã lợi dụng sự sôi động của không gian này để kiếm lời bằng cách tuồn số lượng lớn hàng giả, hàng lậu vào tiêu thụ.
Vào tháng 4/2022, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa cũng đã thu giữ số lượng lớn hàng hóa bán qua livestream, nghi giả mạo nhãn hiệu.
Cụ thể, sau hơn 2 tháng trinh sát, nắm bắt vụ việc, các dấu hiệu vi phạm trên các livestream mà cơ sở đăng tải, ngày 27/4, dưới sự chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hoá đã phối hợp với PC03, Công an tỉnh Thanh Hoá bất ngờ kiểm tra 05 kho hàng tại đường Tô Vĩnh Diễn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Kho hàng thuộc sở hữu của bà Trương Thị Liên (sinh năm 1971), hộ khẩu thường trú tại tỉnh Thanh Hoá.
Tại đây, lực lượng chức năng ghi nhận mỗi kho rộng từ 80-100m2, nằm sâu trong khu dân cư. Tại các kho hàng, chủ cơ sở đã phân chia thành từng lĩnh vực với các mặt hàng riêng biệt như khu phục vụ livestream, kho chứa các mặt hàng thời trang; gia dụng; giầy dép; hoá mỹ phẩm...
Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã ghi nhận trên 12.000 sản phẩm có nhiều dấu hiệu vi phạm. Trong đó phần lớn là các sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhiều nhãn hiệu nổi tiếng như Channel, Gucci, Louis Vuitton, Kenzo...
Ngoài ra còn có một lượng lớn sản phẩm là hàng hoá do nước ngoài sản xuất, chủ cơ sở chưa chứng minh được nguồn gốc hợp pháp.
Chủ cơ sở sử dụng 2 tài khoản Facebook chính là "Nguyễn Thảo" và "Ntthaolasortie" để đăng bán hàng và livestream sản phẩm. Mỗi tài khoản đều có trên 10.000 lượt follow. Tuy nhiên, sau khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, hai tài khoản trên đã tạm khoá.
Theo thông tin ghi nhận tại hiện trường, có những ngày cơ sở chốt hàng nghìn đơn hàng với nhiều giá trị khác nhau. Từ vài chục nghìn đến hàng triệu đồng/đơn. Doanh số hàng tỷ đồng mỗi tháng.
Cùng với đó, tại hiện trường, hàng trăm đơn hàng đã được đóng gói chờ vận chuyển cho thấy, hàng hoá tại cơ sở này được phân phối khắp mọi nơi từ miền Bắc đến miền thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh với đa dạng các mặt hàng từ thời trang như giầy dép, quần áo đến các mặt hàng gia dụng như nồi chiên không dầu, quạt điện…. Hàng trăm bao tải chứa các hàng hóa có dấu hiệu vi phạm đã được lực lượng chức năng tiến hành niêm phong, tạm giữ.
Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Cục QLTT Hà Nội cho biết, các cơ sở kinh doanh hàng giả hàng nhái hoạt động chủ yếu bằng hình thức online, livetream bán hàng qua mạng xã hội Facebook nhằm trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng, chủ cơ sở thường xuyên đóng cửa, chỉ khi có giao dịch hàng hóa, chủ hàng mới mở cửa, mang hàng đi giao cho khách.
Khó khăn cho các lực lượng chức năng là họ lập nhiều tài khoản Facebook, chạy quảng cáo, đăng ảnh chụp sản phẩm nhưng chỉ có số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung, khi khách hàng hỏi thì chỉ nhận nhắn tin riêng. Các đơn hàng được chuyển khắp cả nước qua hình thức chuyển phát nhanh.
Có những tài khoản livestream bán hàng ngoài người trực tiếp giới thiệu trước màn hình thì có đến hàng chục nhân viên khác làm nhiệm vụ kiểm tra tin nhắn và chốt đơn. Điều này cho thấy hình thức bán hàng mới này rất chuyên nghiệp và được thực hiện bởi một nhóm người chứ không chỉ một người.
Nhờ livestream mà các trang bán hàng thu hút được đông đảo người tiêu dùng tham gia trong một thời gian ngắn. Vì vậy, nhiều đối tượng đã lợi dụng hình thức này để lừa đảo người tiêu dùng bằng các mặt hàng cấm, hàng nhái, hàng giả. Chưa kể nhiều khách hàng còn bị sập bẫy lừa tiền khi mua hàng qua các hình thức livestream.
Trong khi đó, lợi nhuận từ việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái thông qua mạng xã hội là rất lớn. Các chuyên gia cho rằng, cần có những chế tài mạnh tay hơn để xử lý. Bởi nếu tiền phạt chỉ bằng một phần nhỏ so với lợi nhuận khủng họ thu được thì vẫn không thể dẹp triệt để được. Chặn trang này sẽ lại mọc lên trang khác, làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp kinh doanh chân chính khác.