Đóng cửa tuần (17 – 21/10), VN-Index giảm 3,96% xuống 1.019,82 điểm. Lũy kế từ đầu năm chỉ số giảm 31,93%. Tiêu cực hơn, VN30-Index giảm 4,79% trong tuần đáo hạn phái sinh. HNX-Index và UPCoM cũng mất lần lượt 4,6% và 1,98%. Tính tới ngày 21/10, HNX-Index mất đến 54,13%, lọt nhóm những chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất trên thế giới.
Đà đi xuống của thị trường chứng khoán Việt Nam đi ngược diễn biến chung của chứng khoán toàn cầu. Tuần này một số thị trường châu Á tăng điểm như Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan. Chỉ số Dow Jones của Mỹ kết tuần trên ngưỡng 31.000 điểm, tương ứng mức tăng 4,85%.
Thanh khoản tuần này giảm sâu khi giao dịch khớp lệnh bình quân trong tuần đạt 9.707 tỷ đồng, giảm 16,7% so với tuần trước đó.
Theo xu hướng chung, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán và khối ngoại giao dịch dè dặt. Quy mô bán ròng cổ phiếu toàn thị trường thu hẹp còn 145,5 tỷ đồng, tuần trước đó là 1.618 tỷ đồng). Khối tự doanh bán ròng 3/5 phiên của tuần, tập trong vào phiên cuối tuần với quy mô bán ròng hơn 210 tỷ đồng cổ phiếu sàn HOSE.
Tính chung cả tuần, giá trị bán ròng trên HOSE giảm còn gần 183 tỷ đồng. Hoạt động bán ra chủ yếu qua kênh khớp lệnh. Song, quy mô bán khớp lệnh giảm sâu từ 2.045 tỷ đồng tuần trước xuống còn 652 tỷ đồng tuần này.
Theo công ty Chứng khoán MB - MBS, thị trường trong nước nằm trong Top các thị trường trên thế giới có mức giảm mạnh nhất trong tuần này. Phiên giảm này khiến chỉ số VN-Index đánh mất gần như toàn bộ thành quả trong nhịp hồi vừa qua kể từ ngưỡng tâm lý 1.000 điểm. Tâm lý nhà đầu tư trở nên bi quan khi kết thúc phiên vẫn có hàng trăm cổ phiếu giảm sàn.
Thanh khoản khớp lệnh sàn HOSE đạt 11.597 tỷ đồng so với mức 7.170 tỷ đồng ở phiên hôm qua và với mức bình quân 9.400 tỷ đồng của tuần trước. Tổng cộng có 642 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng thành công so với mức bình quân 507 triệu cổ phiếu 10 ngày trước đó.
Thị trường để mất 42 điểm, tương đương sụt 3,96% trong tuần này, nằm trong Top các thị trường có mức giảm mạnh nhất trên thế giới. Phiên giảm manh cuối tuần gần như đã lấy đi toàn bộ thành quả trong nhịp hồi vừa qua. Việc hàng trăm cổ phiếu đóng cửa ở mức giá sàn, không phân biệt tốt/xấu hay bắt đáy có lãi hay không có lãi là tín hiệu đáng lưu ý. Thị trường phái sinh đã phát tín hiệu ngay từ khi mở cửa và tiếp tục chiết khấu cho rủi ro ở phía trước.
Về kỹ thuật, tuy chỉ số VN-Index vẫn chưa để mất đáy ngắn hạn ở ngưỡng 1.000 điểm nhưng rất nhiều cổ phiếu đã thủng mức đáy ngắn hạn do vậy nguy cơ cắt lỗ vẫn còn tiếp diễn. Nhà đầu tư nên thận trọng, chưa vội bắt đáy, không dùng margin, ưu tiên bảo toàn vốn.
Còn Công ty chứng khoán Vietcombank - VCBD nhận định phiên giao dịch cuối tuần gần như đã lấy đi toàn bộ nỗ lực phục hồi, kéo chỉ số chung xuống khu vực điểm 1.015. Về góc nhìn kỹ thuật, khung đồ thị tuần, một trọng những chỉ báo quan trọng là MACD đã hướng xuống tiêu cực dưới đáy cũ, xóa đi cơ hội tạo phân kỳ dương đảo chiều cho thấy VN-Index hoàn toàn có thể tiếp tục giảm điểm mạnh trong trung hạn. Tại khung đồ thị ngày, với việc MACD và RSI đồng thuận tạo đáy tại khu vực 1.000 nên tạm thời vùng điểm này sẽ lại hỗ trợ mạnh của thị trường trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, tình hình tiêu cực của kinh tế vĩ mô sẽ tạo tác động đến tâm lý của nhà đầu tư nên xác suất VN-Index giảm dưới đáy 1.000 điểm trong ngắn hạn là cần được tính đến. VCBS giữ nguyên quan điểm, khuyến nghị các nhà đầu tư chủ động nâng cao tỉ trọng tiền mặt, kiên nhẫn chờ đợi thị trường tìm lại điểm cân bằng và hạn chế giải ngân bắt đáy sớm.