Tại Việt Nam, hầu hết ngân hàng vẫn đang ở giai đoạn đầu của chuyển đổi số, nghĩa là tích hợp nhiều quy trình số khác nhau để mang đến cho khách hàng những trải nghiệm có tính cá thể hóa. Hiện 94% ngân hàng trong nước đang tiến hành chuyển đổi số, trong đó, có khoảng 42% TCTD coi ngân hàng số là chiến lược kinh doanh.

Năm 2021 được dự báo là năm bùng nổ về chuyển đổi số, sẽ có các chuyển biến tích cực trong việc cải thiện trải nghiệm khách hàng và nâng cao năng suất thông qua tự động hoá, các nền tảng gắn kết mới.

leftcenterrightdel
 Ngày càng 'nóng' cuộc đua chuyển đổi số giữa các ngân hàng

Nhiều ngân hàng nhanh chóng cho ra mắt các dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ hiện đại, thúc đẩy cuộc đua số trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Mỗi ngân hàng có một chiến lược phát triển ngân hàng số khác nhau, có thể là từ hoàn thiện cơ sở hạ tầng, mở rộng hệ sinh thái hay giá phí hấp dẫn,...

Cụ thể, Vietcombank ra mắt dịch vụ ngân hàng số VCB Digibank, trên cơ sở hợp nhất các nền tảng giao dịch trực tuyến và thay thế các dịch vụ Internet Banking và Mobile Banking trước đây. Theo Vietcombank, thay đổi này nhằm cung cấp các trải nghiệm liền mạch, thống nhất cho khách hàng trên máy tính cũng như thiết bị di động.

Theo giới thiệu của ngân hàng này, khi sử dụng VCB Digibank, khách hàng sẽ được trải nghiệm dịch vụ ngân hàng số theo cách thức hoàn toàn mới với việc đồng nhất tên đăng nhập và mật khẩu, theo đó, sẽ chỉ còn 1 tên đăng nhập và 1 mật khẩu cho 1 dịch vụ VCB Digibank duy nhất.

Được biết, VCB Digibank được giới thiệu kế thừa các phương thức bảo mật đã được áp dụng cho khách hàng trên các dịch vụ trước đây bao gồm bảo mật đăng nhập, bảo mật giao dịch và đặc biệt là Smart OTP.

Trong khi đó, BIDV phát động chiến dịch chuyển đổi số nền khách hàng "BIDV Digi Up", công bố nhiều dự án chuyển đổi số. VietinBank thì có kế hoạch xây dựng ứng dụng "chatbot" (robot tự động nói chuyện, tương tác với khách hàng);

Tại nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân cũng tập trung vào chuyển đổi số để nâng cao chất lượng dịch vụ và mang lại sự thuận lợi hơn cho khách hàng.

Chẳng hạn, Nam A Bank đã ứng dụng robot vào việc hỗ trợ giao dịch (Robot OPBA). TPBank triển khai thành công LiveBank 24/7. Tháng 8/2020 HDBank triển khai eKYC giúp khách hàng tiết kiệm thời gian đến quầy giao dịch. ABBANK đang ứng dụng nhiều công nghệ mới như nhận diện (Facial Pay) và Big Data nhằm xây dựng hệ sinh thái công nghệ. LienVietPostBank với công nghệ LienViet24h,...

Rủi ro bảo mật, 'đói' nhân sự trong cuộc đua chuyển đổi số

Trong quá trình triển khai chuyển đổi số, các chuyên gia đều nhận thấy các ngân hàng cũng gặp phải không ít thách thức. Đó là sự tham gia của các công ty công nghệ tài chính (Fintech) trong hợp tác với ngân hàng, đặt ra các vấn đề như: an ninh an toàn, bảo mật thông tin...

Xu hướng gia tăng tội phạm công nghệ cao với nhiều thủ đoạn mới và ngày càng tinh vi. Cụ thể, rủi ro lộ SMS OTP, rủi ro từ người thân, rủi ro từ tài khoản giả mạo, mua bán dùng chứng minh thư giả để mở tài khoản. Khi khách hàng bị lừa tiền, tiền chuyển rất nhanh qua các tài khoản giả mạo.

Điều này dẫn đến không định danh được người thực hiện giao dịch, khó khăn trong điều tra thu hồi tiền cho khách.

Thực tế, có rất nhiều ngân hàng từng gặp rủi ro bảo mật. Chẳng hạn, vào tháng 10/2020, một tài khoản tại Ngân hàng Vietcombank đã 'bốc hơi' 406 triệu trong vài phút.

Khách hàng này khẳng định 4 giao dịch không phải mình thực hiện và cũng không biết đối tượng thụ hưởng là ai. Ông cho biết trước đó không cung cấp, chia sẻ tên truy cập dịch vụ hay mật khẩu VCB Digibank cho bất cứ ai.

Phía Vietcombank cho rằng đây là trường hợp nghi ngờ bị giả mạo giao dịch qua ứng dụng VCB Digibank dẫn đến bị rút tiền trong tài khoản.

leftcenterrightdel
 Ứng dụng VCB Digibank có thực sự như "bức tường" bảo mật kiên cố?

Ngoài ra, cuộc đua chuyển đổi số của các ngân đang thiếu liên kết. Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực, các ngân hàng đang thiếu liên kết, thiếu chia sẻ, gây lãng phí lớn về nguồn lực. Phụ trách mảng ngân hàng số của Ngân hàng Quân đội (MB), ông Vũ Thành Trung cũng thừa nhận điều này.

Điển hình như việc triển khai giải pháp định danh khách hàng điện tử (eKYC), ông Vũ Thành Trung cho hay, thời gian qua, ngân hàng nào cũng chạy đua triển khai, dẫn tới tốn kém không ít chi phí thay vì dùng nguồn lực này để hỗ trợ khách hàng. Từ thực tế đó, các ngân hàng cho rằng, cần có giải pháp để các ngân hàng có thể sử dụng kết quả định danh của nhau để mở tài khoản cho khách hàng.

Bên cạnh việc lãng phí nguồn lực do thiếu liên kết, chia sẻ, quá trình chuyển đổi số của các ngân hàng còn phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt nhân sự trầm trọng.

Thực tế, nhân sự chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng hiện không nhiều, đa phần đều chạy lòng vòng từ ngân hàng này qua ngân hàng khác. Mặc dù đội ngũ IT trong các ngân hàng không hề ít, nhưng số người có tư duy đầy đủ liên quan đến chuyển đổi số thì còn hạn chế.

Ông Phạm Anh Tuấn, Ủy viên HĐQT Vietcombank từng lo ngại việc các ngân hàng cạnh tranh lẫn nhau để thu hút nhân sự sẽ tự đẩy mình vào thế khó, bởi điều này vô tình đẩy mức lương ngày càng tăng cao.

Đáng chú ý, cạnh tranh về nhân sự chuyển đổi số không chỉ diễn ra giữa các ngân hàng mà còn giữa ngân hàng với các công ty fintech - những đối thủ chấp nhận trả rất nhiều tiền để lôi kéo được nhân sự tốt.

Lý do khiến nhân sự chuyển đổi số ngày càng khan hiếm xuất phát từ xu hướng chuyển đổi số diễn ra rầm rộ trong vài năm gần đây khiến nhu cầu nhân sự trong lĩnh vực này tăng cao, trong khi nguồn lực chưa đáp ứng kịp. Thậm chí có những vị trí mà người làm ngân hàng chưa từng tưởng tượng ra, như phân tích trải nghiệm khách hàng, phân tích dữ liệu…

Hà Phương

 


Nguồn SHTT
Link bài gốc

https://sohuutritue.net.vn/cuoc-dua-chuyen-doi-so-linh-vuc-ngan-hang-doi-nhan-luc-chuyen-doi-so-va-nhung-rui-ro-d23546.html