Trước khi bước vào kỳ nghỉ lễ, VN-Index đã có phiên tăng điểm mạnh khi tăng tới 9,49 điểm và kết phiên tại mốc 1.049,12 điểm. Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước kỳ nghỉ bất ngờ tan biến khi thanh khoản tăng mạnh.
Tuần trước nghỉ lễ là thời điểm chốt danh mục của các quỹ ETF. Nhóm phân tích của Chứng khoán SSI nhận định, khả năng “trả điểm” của một số trụ cột sau phiên cơ cấu ETF có thể diễn ra, tuy nhiên đà hồi phục của VN-Index có khả năng tiếp diễn trong ngắn hạn, với vùng kháng cự gần là 1.052 – 1.057 điểm.
Còn theo Chứng khoán VNDirect, trong tháng 5, loạt chính sách hỗ trợ được ban hành gần đây như Thông tư 02, 03 của NHNN hay Nghị định 12 về gia hạn thời hạn nộp thuế cũng sẽ giúp cải thiện tâm lý của nhà đầu tư và dòng tiền trên thị trường chứng khoán.
VNDirect nhận định, động lực tăng điểm cho thị trường tháng 5 là tín hiệu chính sách tiền tệ từ Fed và các chính sách hỗ trợ sớm được ban hành như Thông tư 16 sửa đổi hay Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế VAT,...
Ông Nguyễn Văn Giáp, Trưởng phòng tư vấn đầu tư, CTCP Chứng khoán VPS, và ông Nguyễn Trọng Minh, Trưởng phòng môi giới, CTCK Yuanta Việt Nam – Co-Founder BigStock, Quản lý tài sản đều chung quan điểm rằng về dài hạn, nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam có thể tăng trưởng hơn nữa.
|
|
Biểu đồ phân tích kỹ thuật của VN-Index. |
Người Đưa Tin (NĐT): Thời gian gần đây, một số chính sách được ban hành nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế và các doanh nghiệp như giảm lãi suất, thúc đẩy đầu tư công, thúc đẩy nhà ở xã hội, giảm thuế… Tuy nhiên, dòng tiền chưa thực sự cải thiện trên thị trường, thậm chí còn tăng/giảm không ổn định, theo ông nguyên nhân là gì?
Ông Nguyễn Văn Giáp: Báo cáo tài chính quý I ghi nhận sự tụt giảm lớn về lợi nhuận của hầu hết các nhóm ngành trên thị trường, thêm vào đó đã có rất nhiều chính sách được ban hành để hỗ trợ thúc đẩy cho nền kinh tế, cá nhân tôi đánh giá đây chính là động thái thúc đẩy GDP cũng như để tăng cung tiền ra bên ngoài thị trường. Tuy nhiên, thị trường sẽ cần thời gian để hấp thụ, vì vậy yếu tố thanh khoản chưa thể cải thiện được ngay.
Giai đoạn sideway (đi ngang) vừa qua cũng là thanh lọc nhà đầu tư trên thị trường. Khi những người muốn bán đều đã bán, muốn giữ thì vẫn giữ, lý do là bởi dư địa tăng của cổ phiếu chưa đáng kể trong giai đoạn vừa qua.
Ông Nguyễn Trọng Minh: Mức độ tác động của các chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa lên vĩ mô nền kinh tế, cũng như dòng tiền vào thị trường chứng khoán sẽ khác nhau trong mỗi giai đoạn của chu kỳ kinh tế. Tại giai đoạn kinh tế ổn đinh và tăng trưởng thì các chính sách chỉ cần có sự thay đổi nhỏ cũng sẽ tác động ngay vào dòng tiền.
Tuy nhiên, hiện tại tôi cho rằng, kinh tế đang trong một giai đoạn suy thoái ngắn hạn, vì vậy, các chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa sẽ rất khó có hiệu quả và tác động chậm vào vĩ mô. Ngoài ra, các chính sách này luôn là con dao hai lưỡi, nếu "sử dụng" không cẩn thận có thể làm trầm trọng hơn các vấn đề kinh tế hiện tại.
Như vậy, theo tôi nguyên nhân dòng tiền trên thị trường còn thiếu ổn định là vì nền kinh tế đang trong một giai đoạn suy thoái ngắn hạn, cần thời gian để cân bằng thị trường. Chỉ khi thị trường thoát được giai đoạn suy thoái này, sẽ có rất nhiều tài sản giá rẻ, cũng như cơ hội cho nhà đầu tư.
NĐT: Chính sách nào cũng có độ trễ nhất định, vậy thì thời gian tới nền kinh tế sẽ ra sao và dòng tiền trên thị trường sẽ có sự cải thiện như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Giáp: Tôi đánh giá rất nhiều doanh nghiệp đang ở vùng đáy lợi nhuận, do đó dòng tiền sẽ có một vài nhịp thanh lọc và tiến dần lên. Ngoài ra, việc triển khai hệ thống mới sẽ cải thiện tính thanh khoản trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Cùng với đó, việc "rã đông" thị trường bất động sản, xử lý trái phiếu sẽ kích thích được dòng tiền trên thị trường vốn.
Ông Nguyễn Trọng Minh: Theo tôi nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn suy thoái ngắn hạn và cần thời gian để các vấn đề được xử lý và thiết lập lại cân bằng.
Một số vấn đề lớn vẫn chưa có lời giải như BĐS đã và sẽ tiếp tục đóng băng; các khoản trái phiếu doanh nghiệp BĐS đến hạn vẫn đang “hoãn binh” chưa có dòng tiền để thanh toán.
Ngoài ra, dư nợ bđs của các ngân hàng là rất lớn, đây là quả bom nổ chậm và bắt buộc phải nổ trong thời gian tới, tuỳ thuộc vào các chính sách của NHNN. Theo tôi, chỉ khi quả bom này nổ thì kinh tế mới thực sự chạm đáy suy thoái và một chu kì kinh tế mới sẽ bắt đầu.
Còn về dòng tiền trên thị trường, tôi cho rằng dòng tiền sẽ suy yếu dần theo thời gian và bắt đầu được cải thiện khi nền kinh tế kết thúc suy thoái. Trong 1 năm tới, dòng tiền vẫn sẽ lựa chọn một số ngành được lợi trong giai đoạn suy thoái kinh tế chứ không lan tỏa ra toàn thị trường.
|
|
Ông Nguyễn Trọng Minh, Trưởng phòng môi giới, CTCK Yuanta Việt Nam – Co-Founder BigStock, Quản lý tài sản. |
NĐT: Thị trường sẽ duy trì diễn biến sideway đến khi nào? Về trung-dài hạn, VN-Index có thể đạt tới mốc bao nhiêu điểm, theo ông?
Ông Nguyễn Văn Giáp: Theo tôi, thị trường sẽ duy trì xu hướng sideway đến nửa sau quý 2 năm nay. Việc lợi nhuận đã tạo đáy hay chưa sẽ phụ thuộc lớn vào mùa BCTC quý sau, có thể lúc đó sẽ xuất hiện những nhịp tăng/giảm kéo dài cả tháng.
Về trung và dài hạn, tôi vẫn kỳ vọng vào việc VN-Index sẽ lên đến 1.600, dự kiến 2-3 năm. Nhưng hiện tại, thị trườg vẫn sẽ vẫn duy trì trạng thái sideway đến hết năm nay; câu chuyện tăng trưởng của VN-Index có lẽ đến từ việc cải thiện các vấn đề về dòng vốn, yếu tố hệ thống và câu chuyện nâng hạng thị trường.
Ông Nguyễn Trọng Minh: Đến thời điểm hiện tại, VN-Index đã đi xuống/sideway được hơn 1 năm. Thông thường chu kì đi xuống của thị trường sẽ phải ít nhất là 2 năm. Vì vậy, tôi cho rằng, VN-Index sẽ biến động sideway trong vòng 1 năm nữa.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là không có cơ hội bởi luôn có các cổ phiếu hưởng lợi đặc biệt từ bối cảnh vĩ mô và có những nhịp điều chỉnh của thị trường làm cổ phiếu chiết khấu quá rẻ.
Trong dài hạn, nền kinh tế Việt Nam còn rất nhiều dư địa phát triển và thị trường chứng khoán sẽ ngày càng tăng trưởng. Theo tôi, thị trường vẫn còn rất nhiều cơ hội và nhà đầu tư sẽ phải nâng cao tư duy, kĩ năng đầu tư để kiếm được nhiều tiền từ thị trường trong tương lai.
NĐT: Theo ông, nhóm ngành nào sẽ có mức tăng trưởng tốt trong quý II ? Nhà đầu tư nên có phương án như thế nào ?
Ông Nguyễn Văn Giáp: Tôi cho rằng quý này sẽ có sự tăng trưởng tốt ở nhóm BĐS KCN – Chứng khoán – BĐS (có chọn lọc). Trong đầu tư chứng khoán, phương án tốt nhất nhà đầu tư nên làm là luôn là chờ đợi và có những lệnh mua/bán dứt khoát. Đó là lúc không quá FOMO khi thị trường tăng, không quá vội mua khi chưa giảm đủ. Bởi khi thị trường trong trạng thái đi ngang thì sẽ luôn có sự FOMO ở đỉnh và đáy.
Thị trường sẽ ko lên ngay, và ko giảm ngay, do đó nhà đầu tư hãy lấy vị thế ở những vùng thực sự an toàn. Nếu có những nhịp washout (bán tháo), nhà đầu tư hãy tận dụng để mua vào thay vì lo sợ một chu kì suy thoái tiếp diễn, bởi những gì tệ nhất đã qua đi.
Ông Nguyễn Trọng Minh: Theo tôi, ngành có thiên thời, địa lợi tốt nhất hiện tại là ngành mía đường khi kết quả kinh doanh quý I đã phần nào thể hiện điều đó. Giá đường thế giới đang chạm đỉnh mọi thời đại.
Trong điều kiện một chu kì khí hậu El-Nino đang bắt đầu (thường kéo dài 2-3 năm) thì giá mía đường sẽ tiếp tục có xu hướng tăng mạnh. Ngoài ra, còn nhóm cổ phiếu hàng thiết yếu là ngành sữa cũng sẽ thu hút dòng tiền trong thời gian tới.
Nhà đầu tư cần lưu ý kỉ luật trong giao dịch và nhất quán trong đầu tư ở giai đoạn hiện tại. Hai phương án nhà đầu tư có thể lựa chọn là giao dịch theo từng nhịp của thị trường, lựa chọn thời điểm chiết khấu mạnh mới mua vào. Ngoài ra, nên lựa chọn những cổ phiếu đặc biệt được hưởng lợi để mua vào và nắm giữ.