Chiều 24/8, WB tại Việt Nam tổ chức buổi công bố trực tuyến Báo cáo Điểm lại ấn phẩm tháng 8/2021 với tựa đề Việt Nam Số hóa - Con đường tới tương lai.

Bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB cho biết, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với đợt dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 4 đến nay vẫn chưa kiểm soát. Vì vậy, WB ước tính tăng trưởng GDP đạt khoảng 4,8% giảm 2,0 điểm phần trăm so với dự báo của WB trong Báo cáo Điểm lại tháng 12/2020.

Tăng trưởng GDP đạt khoảng 4,8% trong năm 2021.
Tăng trưởng GDP đạt khoảng 4,8% trong năm 2021.

Đặc biệt, theo bà Madani, rủi ro theo hướng suy giảm vẫn tồn tại. Vì Covid-19 ảnh hưởng đến các hoạt động tác động kinh tế trong nước và làm cho vị thế kinh tế đối ngoại xấu đi. Thặng dư tài khoản vãng lai giảm từ 4,6% xuống 0,5% GDP do xuất khẩu chững lại gồm cả xuất khẩu hàng hóa dịch vụ.

Bội chi ngân sách tăng từ 4,9% lên 6,0% GDP. Trong điều kiện số thu từ thuế có thể giảm và Chính phủ dự kiến phải đẩy mạnh hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp và hộ gia đình, nghĩa là tăng chi tiêu.

“Chúng tôi tự tin khi bội chi ngân sách sau đó sẽ theo xu hướng giảm. Nợ vẫn ở mức bền vững. Chính phủ có kỷ cương và trách nhiệm rất cao trong những năm vừa qua”, bà Dorsati Madani nói.

Trong giai đoạn 2022 – 2023, Chuyên gia kinh tế cao cấp WB cho rằng, nền kinh tế Việt nam vẫn thể hiện khả năng chống chịu và sẽ đạt mức tăng trưởng 6,5% vào năm 2022. Sau đó cân đối tài khoản vãng lai sẽ được củng cố, bội chi ngân sách giảm.

Tuy nhiên, viễn cảnh và dự báo trên vẫn có rủi ro theo hướng suy giảm tương tự như nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Ngân hàng thế giới cho rằng, Chính phủ có thể giảm rủi ro với việc thực hiện 3 chính sách ưu tiên.

Thứ nhất, xử lý hệ quả xã hội của khủng hoảng. Covid-19 ảnh hưởng tác động khác nhau với từng nhóm làm tăng bất bình đẳng. Vì vậy, cần cân nhắc tăng cường phạm vi bao phủ, lựa chọn đối tượng và mức hỗ trợ trong các chương trình an sinh xã hội của quốc gia.

Thứ hai, cảnh giác với rủi ro trong khu vực tài chính do khủng hoảng gây nên. Dịch sẽ khiến nợ xấu gia tăng, rủi ro chuyển từ khu vực kinh tế thực sang khu vực tài chính. Vì vậy, cần thận trọng với rủi ro gia tăng liên quan đến nợ xấu, nhất là ở các ngân hàng chưa đảm bảo an toàn vốn trước đại dịch.

Thứ ba cảnh giác với rủi ro tài khóa. Theo WB, trong giai đoạn này rủi ro tài khóa dường như vẫn được kiểm soát, nợ vẫn bền vững trong trung hạn. Nhưng rủi ro vẫn đang tồn tại. Vì vậy Chính phủ cần phải tiếp tục theo dõi chặt chẽ rủi ro tài khóa, nhất là liên quan đến sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp nhà nước và các nghĩa vụ dự phòng có thể phát sinh.

“Tuy nhiên, dự báo trên cần nhìn nhận thận trọng vì vẫn còn những bất định nghiêm trọng về quy mô và thời gian diễn ra đại dịch, trong đó có sự xuất hiện của các biến thể mới và tốc độ tiêm vắc-xin ở Việt Nam và ở các quốc gia khác trên thế giới. Nếu những rủi ro đó trở thành hiện thực, quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam sẽ chậm lại, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 sẽ thấp hơn mức dự báo 4,8%. Thời gian để quay lại xu hướng tăng trưởng như trước đại dịch và thực hiện củng cố tài khóa trong trung hạn cũng sẽ kéo dài hơn so với dự kiến”, Báo cáo của WB nhận định.

 

T. Phương

 

 


Nguồn Taichinhdoanhnghiep
Link bài gốc

https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/wb-du-bao-gdp-viet-nam-chi-dat-48-trong-nam-2021-d23559.html