Theo số liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố tại Hội nghị trực tuyến "Triển khai Nghị định 31 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh 2% lãi suất", tính đến ngày 30/6/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,4 triệu tỷ, tăng 9,35% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,47%) - mức tăng 6 tháng cao nhất trong vòng 10 năm qua.
Trước đó, tính đến ngày 9/6/2022, tín dụng toàn hệ thống tăng 8,15% so với cuối năm 2021. Như vậy, trong vòng 20 ngày, tăng trưởng tín dụng đã tăng thêm 1,2 điểm %, tương với quy mô khoảng 125.000 tỷ đồng.
So với số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/6/2022, tăng trưởng tín dụng đạt 8,51% thì ước trong 10 ngày cuối tháng, tín dụng đã tăng thêm 0,84 điểm %, tương đương gần 70.000 tỷ đồng được đẩy ra ngoài thị trường.
Ngoài ra cũng tính đến cuối tháng 6, NHNN cho biết huy động vốn đạt trên 11,8 triệu tỷ đồng, tăng 4,51% so với cuối năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 tăng 4,09%).
Sự mở rộng mạnh mẽ của hoạt động cho vay khiến hầu hết ngân hàng đều đã cạn hạn mức tín dụng được tạm cấp từ đầu năm. Thậm chí có nhà băng đã hết \'\'room\'\' từ ngay quý 2/2022. Tuy nhiên, phía NHNN vẫn chưa có động thái nới thêm room tín dụng. Vì vậy, một số ngân hàng đã chọn cách giảm bớt lượng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ để có thêm dư địa cho vay.
Điển hình tại ngân hàng Vietcombank, tính đến cuối tháng 6/2022, số dư trái phiếu doanh nghiệp đang nắm giữ hơn 11.608 tỷ đồng, giảm 2% so với hồi đầu năm và giảm 0,7% so với cuối tháng 3. Tỷ trọng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp trên tổng tín dụng của Vietcombank hiện chỉ ở mức 1%.
Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa cấp hạn mức tín dụng mới, Vietcombank với hạn mức tín dụng tạm cấp tương đối cao đã đẩy mạnh hoạt động cho vay và có mức tăng trưởng tín dụng tính đến cuối quý 2/2022 lên tới 14,4% so với cùng kỳ, tương ứng với mức tăng 6,9% so với quý trước đó.
Đối với Techcombank, tính đến cuối tháng 6/2022 còn nắm giữ hơn 49.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, giảm 21% so với thời điểm đầu năm là 62.608 tỷ đồng để có hạn mức tín dụng cho vay khách hàng. Trong khi đó, về cơ cấu cho vay cá nhân, tỷ trọng cho vay mua nhà có thế chấp tăng lên mức 82% với quy mô dư nợ tăng 31,2% so với đầu năm, đạt 167.000 tỷ đồng.
Cơ cấu ngành nghề cho vay của Techcombank không có sự thay đổi quá lớn khi cho vay bất động sản, xây dựng và VLXD đạt 266.000 tỷ VND, tăng 11,1% so với đầu năm, chiếm 68% tổng dư nợ; nhóm FCMG, bán lẻ, logistics và Viễn thông lần lượt duy trì tỷ lệ 17% và 6% trên tổng dư nợ.
Chia sẻ tại buổi họp nhà đầu tư gần đây, ông Ngô Hoàng Hà, Giám đốc cao cấp tài chính doanh nghiệp của Techcombank, cho biết ngân hàng đã tái phân bổ tín dụng bằng cách giảm phần trái phiếu doanh nghiệp lớn để chuyển sang cho vay mua nhà cá nhân.
|
|
Techcombank đã giảm mạnh giá trị nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp xuống còn hơn 49.000 tỷ đồng (Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2022 tại Techcombank) |
Chứng khoán SSI cũng ước tính ngân hàng TPBank đã chủ động giảm 4.300 tỷ đồng số dư trái phiếu doanh nghiệp trong 3 tháng vừa qua để dành \'\'room\'\' cho tăng trưởng tín dụng trong thời gian đầu quý 3/2022.
Thực tế, trong khoảng 3 năm trở lại đây, trái phiếu doanh nghiệp là một trong những cấu phần chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng. Tuy nhiên, khi nền kinh tế mở cửa trở lại và nhu cầu vay vốn tăng mạnh, việc nắm giữ nhiều trái phiếu doanh nghiệp khiến dư địa cho vay khách hàng của các nhà băng bị thu hẹp, đặc biệt là khi NHNN vẫn rất thận trọng trong việc nới \'\'room\'\' tín dụng.
Từ đầu năm nay, Thông tư 16 năm 2021 của NHNN đã chính thức có hiệu lực với nhiều quy định chặt chẽ về hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng thương mại. Chưa dừng lại ở đó, Bộ Tài chính cũng đang khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 153 năm 2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo hướng siết chặt hơn đối với cả nhà phát hành cũng như nhà đầu tư trái phiếu riêng lẻ.
Vì vậy, nhiều ngân hàng cũng chủ động giảm quy mô danh mục trái phiếu doanh nghiệp do xu hướng siết chặt quản lý của các cơ quan chức năng.