Vì sao Doji và Chứng khoán Tiên Phong hủy mua cổ phiếu TPB?
Ngày 23/11, tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji đăng ký mua hơn 11,6 triệu cổ phiếu TPB của TPBank từ ngày 26/11 đến ngày 25/12 theo phương thức thoả thuận trên sàn chứng khoán. Nếu giao dịch thành công, Doji sẽ tăng tỷ lệ sở hữu từ 6,64% lên 8%, tương ứng hơn 68,5 triệu cổ phiếu TPB.
Được biết, ông Đỗ Minh Phú – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Doji cũng đồng thời là Chủ tịch HĐQT TPBank. Hiện cá nhân ông Phú không sở hữu cổ phiếu của Ngân hàng này.
Tuy nhiên, ngày 25/11, Doji đã có công văn đề nghị UBCKNN/HOSE chấp thuận việc hủy giao dịch mua kể trên. Lý do DOJI đưa ra là bởi thay đổi định hướng đầu tư nên chưa muốn thực hiện giao dịch tại thời điểm này.
Như vậy, Tập đoàn này vẫn giữ nguyên lượng nắm giữ 56,9 triệu cổ phiếu TPB, tương đương tỷ lệ 6,64% vốn. Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank đồng thời là người đại diện phần vốn góp của Doji tại chính ngân hàng này.
Đáng nói, sau khi Doji công bố mua vào số cổ phiếu này, cổ phiếu TPB bất ngờ tăng mạnh.
Chốt phiên giao dịch 23/11, cổ phiếu TPB có giá 24.500 đồng/cp, tăng 46% so với mức thấp nhất một năm qua. Chốt phiên giao dịch ngày 24/11, khối lượng giao dịch cũng đột biến lên gần 6 triệu đơn vị với mức giá 25.300 đồng/cp.
Tuy nhiên, chốt phiên ngày 25/11, sau khi công bố hủy giao dịch, cổ phiếu TPB lại nhuốm trong sắc đỏ trở lại khi đóng cửa giao dịch ở mức giá 25.150 đồng/cp. Trong phiên chiều 26/11, TPB đang dược giao dịch quanh mức 24.900 đồng/cp.
Đầu năm 2012, Tập đoàn Doji chính thức mở rộng hoạt động kinh doanh sang lĩnh vực tài chính ngân hàng và đã trở thành cổ đông chiến lược của TPBank.
Hiện nay, ngoài Tập đoàn Doji, TPBank còn có các cổ đông chiến lược là các Tập đoàn FPT, Mobifone,Vinare, SBI Holding (Nhật Bản). Tập đoàn Doji do ông Đỗ Minh Phú làm đại diện và cùng với các cổ đông tiềm năng liên quan khác nắm giữ 20% tổng số cổ phần của TPBank.
Vào đầu tháng 11/2020 CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS, UPCoM: ORS) cũng đề nghị hủy giao dịch mua 5.1 triệu cp TPB từ ngày 02/11-01/12, nhằm nắm 0,58% vốn. Phía TPS cho biết đã kịp thời thấy rằng TPB hiện đang là cổ đông sở hữu hơn 9 triệu cp ORS và giả định nếu giao dịch mua hoàn tất thì dẫn đến việc TPB sở hữu cổ phiếu TPS không còn phù hợp với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng. TPS hiện không sở hữu bất kỳ cổ phiếu TPB nào.
Loạt lãnh đạo TPB đăng ký mua cổ phiếu ESOP
Giữa tháng 11, loạt lãnh đạo TPB đã đăng ký mua cổ phiếu ESOP. Cụ thể, 3 Phó Tổng là ông Đinh Văn Chiến, ông Khúc Văn Họa và ông Nguyễn Hồng Quân cùng đăng ký mua 200.000 cp TPB, tỷ lệ 0,018%. Trong đó, ông Đinh Văn Chiến và ông Nguyễn Hồng Quân hiện chưa nắm giữ cổ phiếu của TPB. Còn ông Khúc Văn Họa sẽ nâng sở hữu tại TPB từ 6.952 cp (0.01%) lên mức 206,952 cp (0,02%).
Hai Phó Tổng nữa gồm ông Lê Hồng Nam và ông Phạm Đông Anh cùng đăng ký mua 225,000 cp TPB, tỷ lệ 0,02%. Cả 2 ông hiện chưa nắm giữ cổ phiếu TPB. Riêng Phó Tổng Nguyễn Việt Anh đăng ký mua 250.000 cp, tỷ lệ 0,023%. Hiện ông Việt Anh chưa phải là cổ đông của TPB. Bên cạnh đó, bà Lê Cẩm Tú - Kế toán trưởng đăng ký mua 175.000 cp, tỷ lệ 0,016%. Bà Tú cũng chưa sở hữu cp TPB nào.
Cũng vào giữa tháng 11, HĐQT TPB đã thông qua việc phát hành thêm 181.12 triệu cp cho cổ đông hiện hữu. Ngày đăng ký cuối cùng vào 01/12/2020. Dự kiến sau các đợt phát hành, vốn điều lệ của TPB sẽ tăng từ 8.565 tỷ đồng lên mức 10.716 tỷ đồng.
Về hoạt động kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý III/2020 của TPBank cho thấy, tổng nợ xấu tính đến 30/9 là hơn 1.970 tỷ đồng, tăng 60% so với thời điểm cuối 2019 (hơn 1.235 tỷ đồng). Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 76% lên mức 846 tỷ đồng; nợ nghi ngờ tăng 82% lên mức 555 tỷ đồng; nợ có khả năng mất vốn tăng 27% lên mức 569 tỷ đồng. Do đó, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của TPBank tăng từ mức 1,29% đầu năm lên 1,79%.
Về dư nợ theo thời gian, nợ ngắn hạn lên đến gần 32.918 tỷ đồng; nợ trung hạn hơn 27.344 tỷ đồng và nợ dài hạn là hơn 50.077 tỷ đồng.
|
|
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2020 tại TPbank. |
Chất lượng sử dụng nguồn tiền của TPBank cũng kém sáng khi ghi nhận nhiều con số âm.
Cụ thể, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh ghi nhận âm 3.600 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đạt 8.711 tỷ đồng; lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm hơn 287 tỷ đồng; trong khi cùng kỳ 2019 âm gần 248 tỷ đồng; lưu chuyển tiền thuần trong kỳ ghi nhận âm hơn 2.600 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2019 đạt 7.828 tỷ đồng.
Vẫn theo báo cáo 9 tháng đầu năm, TPBank ghi nhận lợi nhuận trước và sau thuế tăng 26% so cùng kỳ, lần lượt đạt hơn 3.023 tỷ đồng và gần 2.420 tỷ đồng. Tính riêng quý III, ngân hàng đạt lợi nhuận sau thuế hơn 791 tỷ đồng, tăng 26% so cùng kỳ. Điểm đáng lưu ý là tuy TPBank ghi nhận lợi nhuận tăng song chi phí dự phòng rủi ro lại giảm 7% trong quý III và giảm 23% trong 9 tháng đầu năm.