Hết quý 1/2021, ngân hàng nào không lên sàn sẽ bị áp dụng biện pháp kỷ luật
Tháng 1/2021, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) – ông Trần Văn Dũng cho biết, nguồn cung đầu năm 2021 của thị trường sẽ dồi dào thêm ở 1 số ngân hàng thương mại. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thống nhất với UBCKNN sẽ kiên quyết yêu cầu các ngân hàng phải lên sàn, muộn nhất là trong quý 1/2021. Nếu ngân hàng nào không tuân thủ sẽ áp dụng biện pháp kỷ luật.
Trước đó, tại Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” của Thủ tướng Chính phủ ban hành yêu cầu thực hiện việc niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần theo hướng đến hết năm 2020, toàn bộ các ngân hàng thương mại niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức hoặc sàn UPCoM.
Yêu cầu niêm yết đối với các cổ phiếu ngân hàng cũng được đề ra tại Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 8/2018.
Tuần qua, Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) chính thức được chấp thuận đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM từ ngày 20/7 với mã VAB với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 13.500 đồng/CP. Có thể thấy, việc được chấp thuận đăng ký lên sàn cho thấy nỗ lực của VietABank.
Như vậy, đến thời điểm này, nếu loại trừ các ngân hàng yếu kém bị mua lại bắt buộc hoặc đang bị kiểm soát đặc biệt là CBBank, OceaBank, GPBank, DongABank chưa thể đưa cổ phiếu lên sàn trong thời gian ngắn, vẫn còn một số ngân hàng dường như “phớt lờ” quy định và chưa niêm yết cổ phiếu trên các sàn giao dịch chứng khoán như SCB, BaoVietBank.
Ngân hàng là ngành kinh doanh đặc thù, dựa phần lớn vào niềm tin của người gửi tiền. Đó cũng là lý do vì sao việc đòi hỏi tính công khai, minh bạch của hệ thống ngân hàng là rất cao. Việc yêu cầu tất cả các ngân hàng đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán từ phía cơ quan quản lý, Thủ tướng Chính phủ cũng là nhằm phục vụ mục tiêu này.
Vẫn chưa lên sàn, BaoVietBank và SCB ngại công khai minh bạch thông tin?
Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế từng khẳng định, việc ngân hàng lên sàn không chỉ giúp ngân hàng tiếp cận dễ dàng hơn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước để huy động vốn, mà còn giúp ngân hàng tăng độ minh bạch.
Cụ thể, một khi lên sàn, các ngân hàng sẽ phải công bố kịp thời, minh bạch hơn trong cung cấp thông tin về tình hình tài chính, đồng thời bị “soi” cặn kẽ hơn về kết quả kinh doanh, sở hữu chéo, vốn ảo…
Đặc biệt, những ngân hàng có nợ xấu lớn chưa được xử lý - chủ yếu là hậu quả tồn đọng trong thời gian dài để lại - nếu lên sàn tại thời điểm này thì định giá cổ phiếu chưa tối ưu, nên lãnh đạo muốn chọn thời điểm thuận lợi hơn,...
Tại BaoVietBank, tình hình kinh doanh lẫn hoạt động tài chính thường công khai khá chậm trễ và báo cáo tài chính (BCTC) năm 2020 hiện cũng chưa được công bố.
Giai đoạn 2016 – 2019, lợi nhuận sau thuế tại BaoVietBank tăng giảm thất thường: Năm 2016 đạt 93 tỷ đồng, năm 2017 đạt 145 tỷ đồng đến năm 2018 giảm xuống còn 80 tỷ đồng và năm 2019 đạt 82 tỷ đồng. Kèm theo đó, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng từ 215 tỷ đồng (năm 2016) lên 374 tỷ đồng (năm 2019).
Đáng lo nhất phải kể tới tình hình nợ xấu tại BaoVietBank, trước năm 2018, BCTC tại nhà băng này thường không có phần thuyết minh do đó tình hình nợ xấu không được để cập chi tiết. Từ năm 2018 đến nay, thuyết minh báo cáo tài chính đầy đủ do đó con số nợ xấu thực sự đáng báo động.
Theo BCTC gần đây nhất, tính đến 31/3/2020, BaoVietBank vẫn chỉ có vốn điều lệ 3.150 tỷ đồng; tổng tài sản giảm 20% so với đầu năm, xuống còn 47.690 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế quý 1/2020 chỉ đạt 2,2 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2019 đạt hơn gần 6,9 tỷ đồng. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh cũng đang âm hơn 5.149 tỷ đồng (cùng kỳ âm gần 3.886 tỷ đồng); dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư cũng âm gần 24 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2019 chỉ âm gần 16 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tính đến 31/3/2020, tổng nợ xấu tại BaoVietBank ở mức 1.158 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 5,1%.
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng phải kiểm soát tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay dưới 3% để đảm bảo an toàn hoạt động. Thế nhưng, tỷ lệ nợ xấu tại BaoVietBank tính đến 31/3/2020 đã vượt quá chỉ tiêu đề ra.
Với SCB, mới đây ngân hàng vừa công bố lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2021 đạt 456 tỷ đồng, trong đó, thu ngoài lãi hơn 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu so với tổng tài sản tại nhà băng này sở hữu có thể thấy sự “lệch pha” quá lớn giữa lợi nhuận và tổng tài sản.
Theo BCTC hợp nhất quý 1/2021, nợ xấu tại SCB tính đến 31/3/2021 tăng nhẹ 1% so với đầu năm, tỷ lệ nợ xấu cũng giảm về mức 0,79%.
Khác với BaoVietBank, SCB là ngân hàng đã có lộ trình lên sàn. Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường tổ chức cuối năm 2020 của ngân hàng này đã thông qua chủ trương tăng vốn và lộ trình niêm yết cổ phiếu SCB trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), chậm nhất là năm 2025.