Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần từ 12-16/7, VN-Index đứng ở mức 1.299,31 điểm, tương ứng giảm 48,83 điểm (-3,55%) so với tuần trước đó. Tương tự, UPCoM-Index cũng giảm 1,75 điểm (-2,01%) xuống 85,33 điểm. Trong khi đó, HNX-Index tăng nhẹ trở lại 1,03 điểm (0,34%) lên 307,76 điểm.

Thanh khoản thị trường giảm mạnh so với tuần trước đó, khối lượng khớp lệnh bình quân phiên chỉ đạt 720 triệu cổ phiếu/phiên (giảm 21%), giá trị khớp lệnh ở mức 20.900 tỷ đồng (giảm 26,5%).

Theo Công ty Chứng khoán Asean – AseanSC, đồ thị ngày VN-Index xuất hiện cây nến xanh nhỏ dạng ‘Doji’ với giá đóng cửa nằm trên đường MA5 ngày, là tín hiệu khá tích cực. Điều này cho thấy bên mua đang mạnh lên, và đà giảm bắt đầu chững lại.

leftcenterrightdel
 

Do đó, AseanSC cho rằng, trong kịch bản tích cực, VN-Index sẽ kiểm tra vùng kháng cự gần 1.300 – 1.310 điểm, vùng kháng cự tiếp theo dự báo ở mức 1.320 – 1.330 điểm. Trong kịch bản tiêu cực, vùng hỗ trợ gần của VN-Index dự báo ở mức 1.280 – 1.290 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 1.260 – 1.270 điểm.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam – KBSV nhận định, VN-Index vận động giằng co trên ngưỡng tham chiếu với biên độ hẹp trong cả phiên giao dịch. Mặc dù được xem là 1 phiên trung tính nhưng chỉ số đã phần nào phản ánh diễn biến rung lắc khi tiếp cận vùng cản gần quanh 1.310. Thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp cho thấy tâm lý thận trọng của cả 2 bên mua bán.

Tuy thị trường có thể còn trải qua nhịp rung lắc vào đầu tuần tới nhưng nếu bảo vệ thành công vùng hỗ trợ gần quanh 1.285, cơ hội mở rộng nhịp hồi phục ngắn hạn vẫn chiếm ưu thế.

Cùng nhận định đó, theo Công ty Chứng khoán Phú Hưng – PHS, VN-Index có phiên tăng điểm thứ hai liên tiếp. Khối lượng giao dịch tiếp tục suy giảm và ở dưới mức bình quân 10 và 20 phiên, hàm ý dòng tiền thận trọng. Không những vậy, xu hướng giảm ngắn hạn vẫn chi phối chính, khi chỉ số đóng cửa dưới MA20, cùng với chùm MA5, 10, 20 ở trạng thái phân kỳ âm tiêu cực, phiên tăng điểm mới dừng ở một nhịp hồi kỹ thuật.

Thêm vào đó, phiên tăng điểm tuy đã lấy lại được mức đóng cửa trên MA5 nhưng nến tăng đã thu hẹp so với phiên trước đó, cho thấy đà phục hồi đang hạ nhiệt và áp lực bán có dấu hiệu quay lại, do đó, trong trường hợp chỉ số không thể giữ được mức đóng cửa trên 1,293 điểm (MA5) thì áp lực thoát hàng sẽ gia tăng và chỉ số có thể quay trở lại xu hướng giảm chính, với hỗ trợ gần quanh 1,271 điểm (MA100) hoặc xa hơn là hỗ trợ tâm lý 1,200 điểm.

Công ty Chứng khoán Bản Việt – VCSC lại cho rằng, tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn (tiêu cực) và trung hạn (trung tính) chưa có sự thay đổi ở tất cả các chỉ số. Tuy nhiên, việc VN-Index vẫn chưa vượt qua được kháng cự MA5 tại 1.300 điểm khiến cho thị trường chưa thực sự chắc chắn về khả năng hồi phục kỹ thuật.

Dự báo trong phiên giao dịch tới, VN-Index và VN30 sẽ tiếp tục có nhịp kiểm định kháng cự MA5 tại 1.300 điểm và 1.440 điểm. Nếu có thể vượt qua các mốc này vào cuối ngày với KLGD gia tăng hơn mức hiện tại, hai chỉ số có thể sẽ hướng lên kiểm định các kháng cự MA10 tại vùng 1.325 điểm và 1.460 điểm, thậm chí là MA20 tại 1.340 điểm và 1.475 điểm.

Ngược lại, nếu áp lực bán gia tăng trở lại khiến VN-Index đảo chiều từ vùng 1.300 điểm, chỉ số này sẽ kiểm định lại hỗ trợ tại 1.270 điểm và nhiều khả năng sẽ phá vỡ hỗ trợ ở nhịp giảm lần này nếu KLGD tăng cao trở lại. Ở kịch bản này, VN-Index có thể sẽ thoái lui xuống các hỗ trợ trung hạn thấp hơn tại vùng 1.150-1.210 điểm.

Tuấn Kiệt

 

Nguồn Taichinhdoanhnghiep
Link bài gốc

https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/tuan-moi-vn-index-giang-co-nguy-co-giam-diem-d22659.html