Nhà máy điện mặt trời gặp khó và áp lực từ khoản vay hàng chục nghìn tỷ đồng
Trong khoảng vài năm trở lại đây, Trung Nam Group nổi lên như một hiện tượng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Trên thực tế, tập đoàn này là một công ty đa ngành, ngoài năng lượng tái tạo, Trung Nam Group còn là nhà phát triển, đầu tư bất động sản, xây dựng…
Để phục vụ tham vọng “ông lớn” năng lượng tái tạo và đầu tư, phát triển loạt dự án điện mặt trời, điện gió, các dự án bất động sản… Trung Nam Group đã huy động vốn từ nhiều kênh như vay trái phiếu, vay ngân hàng… khiến khối nợ của doanh nghiệp lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.
Theo đó, từ khi “lấn sân” sang mảng năng lượng, Trung Nam Group liên tục huy động vốn qua hình thức phát hành trái phiếu. Theo công bố của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, Trung Nam Group hiện là nhóm doanh nghiệp năng lượng tái tạo phát hành trái phiếu nhiều nhất thị trường.
|
|
Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam |
Cụ thể, năm 2021, nhóm Trung Nam Group đã huy động 9.500 tỷ đồng trái phiếu, hầu hết các lô trái phiếu đều có kỳ tính lãi 3 hoặc 6 tháng/lần, lãi suất 9,5 - 11%/năm. Nếu chỉ tính riêng số lượng trái phiếu huy động trong năm 2021, mỗi lần trả lãi của Trung Nam Group sẽ rơi vào khoảng 500 tỷ đồng.
Tính trong 2 năm 2020 và 2021, Trung Nam Group đã huy động khoảng 23.000 tỷ đồng từ trái phiếu, với lãi suất trung bình từ 9,5%/năm, kỳ tính lãi trung bình 3 - 6 tháng/lần. Trong khi đó, tổng tài sản của Trung Nam hiện nay khoảng 77.000 tỷ đồng, có thể thấy Trung Nam Group đang sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức cao.
Trong khi đó, mới đây, doanh nghiệp đã bị dừng khai thác phần công suất không được hưởng ưu đãi giá FIT khiến Trungnam Group đối diện với áp lực trong việc thu xếp tài chính để trả nợ vay, cũng như bố trí kinh phí để vận hành...
Cụ thể, Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN mới đây đã thông báo dừng khai thác phần công suất không được hưởng ưu đãi giá FIT của 3 nhà máy điện thuộc sở hữu của Trung Nam Group.
Các nhà máy này gồm có: Nhà máy điện mặt trời tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận kết hợp với đầu tư Trạm biến áp 500kV Thuận Nam và các đường dây 500kV, 220kV (gọi tắt là Dự án 450MW) của Trung Nam Group là dự án đầu tiên do doanh nghiệp tư nhân đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng.
Dự án có 277,88MW được hưởng giá điện 9,35 UScent/kWh, do nằm trong phạm vi 2.000MW công suất điện mặt trời tích lũy trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Phần công suất còn lại hơn 172MW chưa được xác định cơ chế giá.
2 nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1.2 và Thiên Tân 1.3 cũng dừng khai thác một phần công suất chưa có cơ chế giá, cho đến khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế giá điện cho phần công suất nằm ngoài 2.000MW tại tỉnh Ninh Thuận.
Ngay sau đó, Trung Nam Group cũng đã có công văn gửi Thủ tướng, cho rằng “dừng khai thác hoàn toàn phần công suất chưa xác định giá của dự án sẽ phá vỡ cam kết của nhà đầu tư đối với các tổ chức tài trợ vốn, gia tăng áp lực việc trả nợ vay” của công ty.
“Chật vật” trong lĩnh vực bất động sản
Trong lĩnh vực bất động sản, Trong Nam Group sở hữu công ty thành viên là CTCP Trung Nam (Trung Nam Land). Tên tuổi doanh nghiệp gắn liền với ba siêu dự án lớn, bao gồm: Dự án khu công viên văn hóa đô thị Đà Lạt có vốn đầu tư 150 triệu USD tại Đà Lạt, Dự án Dự án Golden Hills có tổng vốn đầu tư 1,67 tỉ USD và Dự án tháp đôi cao nhất Miền Trung 180 triệu USD tại Đà Nẵng.
Dù vậy, con đường phát triển bất động sản của Trung Nam Group khá “chật vật” bởi các dự án được giới thiệu đình đám một thời nhưng triển khai không thuận lợi.
Điển hình nhất phải kể đến dự án Golden Hills Đà Nẵng quy mô 381 ha. Dự án được chia làm 5 phân khu, tổng mức đầu tư 1,67 tỉ USD, tương đương 38.000 tỉ đồng và được khởi công xây dựng từ năm 2011. Thế nhưng, sau khi xây dựng xong phần thô và đi vào hoàn thiện thì những hạng mục còn lại của dự án lại đình trệ suốt nhiều năm. Điều này khiến cho dự án Golden Hills City liên tục “đắp chiếu”, chậm tiến độ.
|
|
Phối cảnh dự án Golden Hills Đà Nẵng. |
Để “hồi sinh” dự án, vào giữa năm 2017, Trung Nam Land đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng và kinh doanh với Công ty TNHH Thịnh Phát Hà Nội (Thịnh Phát Hà Nội).
Tuy nhiên, đến tháng 7/2019, UBND quận Liên Chiểu đã ra quyết định xử phạt 40 triệu đồng đối với Trung Nam Land vì hành vi xây dựng dự án Golden Hills City (Khu D2) khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Cuối năm 2019, Bộ Xây dựng đã đề nghị UBND Tp. Đà Nẵng rà soát, kiểm tra cụ thể 800 lô đất tại khu vực có diện tích 12,77ha ở khu B và C thuộc dự án Golden Hills City của Trung Nam Group.
Được biết, tháng 2/2019, dự án Golden Hills City có thêm Kita Land (thuộc Kita Group) tham gia đồng đầu tư và Công ty Cổ phần Bất động sản Thế kỷ (CenLand) độc quyền phân phối.
Tại Đà Nẵng, vào năm 2008, Trung Nam Group và một số đối tác khác đã công bố sẽ xây dựng tòa tháp đôi với tổng mức đầu tư 180 triệu USD với tham vọng xây dựng theo mô hình “thung lũng silicon” của Mỹ, đạt tiêu chuẩn của một khu công nghệ thông tin mang tầm cỡ quốc tế.
Nhưng cho đến năm 2014, dự án này vẫn chỉ là bãi đất hoang, trong khi Trung Nam Group cho biết doanh nghiệp đã chuyển toàn bộ cổ phần của mình tại dự án này cho đối tác khác, bỏ lại sau lưng những lời hứa hẹn. Đến nay, dự án này đã “treo” hơn 10 năm. Phía UBND TP Đà Nẵng đang muốn thu hồi đất của siêu dự án để xây dựng khu vườn dạo.
Bên cạnh Trung Nam Land, một đơn vị thành viên khác của Trung Nam Group là CTCP Địa ốc Trung Nam Đà Lạt đang đầu tư, phát triển dự án Golf Valley tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Dự án có quy mô gần 20ha, tổng mức đầu tư 150 triệu USD.
Golf Valley được quy hoạch thành các phân khu chức năng: Khu nhà ở biệt lập và biệt thự có diện tích 25.783 m2, khu căn hộ có diện tích 7.647m2 và khu dịch vụ công cộng 30.667m2,… dự án được khởi công vào quý 3/2021.
Liên tục thế chấp tài sản để vay vốn
Về tình hình kinh doanh, năm 2020, Trung Nam Group ghi nhận doanh thu tăng vọt 58% so với cùng kỳ lên 10.285 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận thuần chỉ ở mức 133 tỷ đồng, tăng nhẹ 7% so với năm trước.
Dù doanh thu tăng mạnh nhưng quy mô tài sản của Trung Nam Group giảm mạnh từ 33.728 tỷ đồng cuối năm 2019 xuống mức 21.486 tỷ đồng vào cuối năm 2020. Tương tự, nợ phải trả cũng được tiết giảm đến 15.363 tỷ đồng (tương ứng 56%) trong khi vốn chủ sở hữu lại tăng mạnh lên gần 10.300 tỷ đồng.
|
|
Dự án Nhà máy Điện Gió Ea Nam của Trung Nam Group. |
Liên quan đến tình hình tài chính của tập đoàn này, mới đây, ngày 15/2, Trung Nam Group đã hợp tác với Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC Việt Nam (HSBC Việt Nam) để tìm kiếm nguồn tài chính triển khai các dự án năng lượng tái tạo.
Trước đó 1 tháng, Trung Nam Group cũng ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với Vietcombank, nâng tầm quan hệ giữa 2 bên trong huy động vốn. Vietcombank hiện đóng vai trò quan trọng trong cấp vốn và bảo lãnh phát hành trái phiếu để Trung Nam Group thực hiện nhiều dự án.
Trước đó 1 tháng, Trung Nam Group cũng ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với Vietcombank, nâng tầm quan hệ giữa 2 bên trong huy động vốn. Vietcombank hiện đóng vai trò quan trọng trong cấp vốn và bảo lãnh phát hành trái phiếu để Trung Nam Group thực hiện nhiều dự án.
Để đảm bảo cho các khoản vay, các công ty thuộc Trung Nam Group đã thế chấp hàng loạt tài sản gồm các dự án, các gói thầu, máy móc thiết bị, hợp đồng bảo hiểm… cho các nhà băng để huy động vốn.
Trong đó, vào tháng 6/2021, Công ty CP Điện gió Trung Nam Đắk Lắk đã thế chấp toàn bộ máy móc, thiết bị thuộc Dự án Nhà máy điện gió Ea Nam tại Xã Ea Nam, xã Ea Khal, xã Dlie Yang, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk tại Vietcombank để đảm bảo cho các khoản vay tại ngân hàng này.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng thế chấp loạt tài sản gồm: quyền tài sản phát sinh từ Hợp đồng mua bán điện của Dự án Nhà máy Điện Gió Ea Nam giữa Công Ty Cổ Phần Điện Gió Trung Nam Đắk Lắk 1 và Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN); quyền được nhận số tiền bảo hiểm từ tất cả các hợp đồng bảo hiểm của Dự Án Nhà máy Điện gió Ea Nam; quyền quyền khai thác, quản lý Dự Án Nhà máy Điện gió Ea Nam…
Tương tự, CTCP Điện gió Trung Nam cũng thế chấp các quyền tài sản phát sinh từ Hợp đồng bảo hiểm mọi rủi ro tài sản Dự án nhà máy điện gió Trung Nam – Giai đoạn 3 mà doanh nghiệp ký với công ty bảo hiểm tại Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Ba Đình.
CTCP Xây dựng Trung Nam 18 E&C cũng thế chấp loạt hợp đồng từ các gói thầu xây lắp như: quyền đòi nợ phát sinh từ Hợp đồng xây lắp số: 140/HĐ-BQL ngày 23/12/2020 giữa Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng sử dụng Nguồn vốn Hỗ trợ phát triển chính thức, TP Cần Thơ và Liên danh Công ty Cổ phần Xây dựng Trung Nam 18 E&C – Công ty Cổ phần Xây dựng và Lắp máy Trung Nam và Công ty TNHH Trường Phát về việc thi công Gói thầu “CT3-PW1.9: Xây dựng Âu thuyền Hàng Bàng” thuộc “Dự án phát triển Thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị”.
Quyền đòi nợ phát sinh từ Hợp đồng số NT-2.1: Xây dựng Đường và Kè dọc sông Cái thuộc Dự án Môi trường bền vững các thành phố Duyên Hải – Tiểu dự án Nha Trang giữa Liên danh Công ty cổ phần xây dựng Trung Nam 18 E&C – Công ty cổ phần xây dựng và lắp máy Trung Nam – Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xây dựng Khánh Vĩnh và Ban quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa…