Tăng vốn điều lệ tiếp tục là tâm điểm của đại hội đồng cổ đông các nhà băng trong năm nay. Với nguồn lợi nhuận để lại khá cao từ những năm trước, các ngân hàng đều muốn chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn thay vì chia cổ tức bằng tiền mặt.

Năm 2020, BIDV là nhà băng có vốn điều lệ cao nhất ngành với hơn 40.200 tỷ đồng,  theo sau lần lượt là VietinBank (37.234 tỷ), Vietcombank (37.089 tỷ), Techcombank (35.049 tỷ) và Agribank (30.496 tỷ đồng). Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn, thứ hạng vốn điều lệ nhóm big4 ngân hàng đã có sự ‘soán ngôi’ ngoạn mục.

Cụ thể, tháng 7/2021, vốn điều lệ của ngân hàng Vietinbank tăng từ 37.234 tỷ đồng lên 48.058 tỷ đồng, vượt BIDV (hơn 40.200 tỷ) để trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống.

Tiếp đến, ngày 13/7 ngân hàng MBBank chốt danh sách trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 35%, nâng vốn điều lệ lên 37.783 tỷ đồng. Với mức này, MBBank chính thức vượt lên trước Vietcombank (37.089 tỷ), Agribank (khoảng 34.000 tỷ) và Techcombank (hơn 35.000 tỷ) để trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn thứ 3 hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa thông báo chấp thuận cho VPBank tăng vốn điều lệ thêm tối đa gần 19.758 tỷ đồng lên gần 45.058 tỷ đồng, tăng 80% so với hiện tại. Như vậy, VPBank trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao thứ hai hệ thống, chỉ đứng sau VietinBank, vị trí thứ 3 là BIDV, tiếp đến là MBBank, Vietcombank, Techcombank và Agribank.

Thứ hạng vốn điều lệ nhóm big4 ngân hàng đang bị 'vượt mặt' - Ảnh 1

Đáng lưu ý, vị trí quán quân và vị trí thứ 3 của VietinBank và MB sẽ khó duy trì lâu khi những ‘ông lớn’ ngân hàng còn lại cũng có kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ như Vietcombank, BIDV đều có kế hoạch tăng vốn “khủng” và đầy tham vọng trong năm 2021.

Đơn cử ở Vietcombank, tại phiên họp thường niên 2021, Vietcombank được cổ đông chấp thuận kế hoạch tăng vốn từ 37.088 tỷ đồng lên 47.325 tỷ đồng, thông qua 2 cấu phần. Thứ nhất, ngân hàng sẽ phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 27,6% từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối còn lại sau khi chia cổ tức 2019 (tỷ lệ 8% bằng tiền mặt). 

Phần thứ hai, ngân hàng sẽ chào bán riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ, tương đương phát hành hơn 307 triệu cổ phiếu cho tối đa 99 nhà đầu tư. Giá phát hành không thấp hơn định giá của tổ chức định giá và bình quân số học giá đóng cửa 10 phiên giao dịch trên HoSE, liền kề trước ngày nhà đầu tư thông báo mua. Thời gian thực hiện chào bán trong năm 2021 và tiếp tục trong năm 2022 nếu chưa hoàn thành.

Như vậy, sau VietinBank và Agribank, đến lượt Vietcombank có được sự chấp thuận của Chính phủ được chấp thuận bổ sung thêm vốn. 

Còn tại BIDV, năm 2021 muốn tăng vốn điều lệ thêm 8.304 tỷ đồng lên 48.524 tỷ đồng, tương đương tăng 20,6%. Phương án tăng vốn gồm phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 5,2%), phát hành 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ 7%). Thời gian thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến trong quý III và quý IV/2021.

Đáng chú ý, BIDV dự kiến phát hành thêm 341,5 triệu cổ phần mới bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ, tương đương 8,5% vốn điều lệ. Thời gian dự kiến trong giai đoạn 2021-2022 sau khi được chấp thuận từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Một trường hợp khá đặc biệt là Techcombank dù năm nay không có kế hoạch tăng vốn nhưng vốn điều lệ của ngân hàng này vẫn khá cao là hơn 35.000 tỷ đồng.

Thực tế, nếu thực hiện thành công kế hoạch đề ra, 5 ngân hàng sẽ dẫn đầu hệ thống về vốn điều lệ, lần lượt là: Vietcombank (50.401 tỷ đồng), BIDV (48.524 tỷ đồng), Vietinbank (48.057 tỷ đồng), VPBank (45.057 tỷ đồng), MB (37.782 tỷ đồng).

Tuy vậy, cuộc đua về vốn điều lệ cũng không phản ánh toàn diện về tiềm lực của các nhà băng. Nhiều lãnh đạo ngân hàng cho biết, vốn chủ sở hữu mới thực sự quan trọng. Chia cổ tức để tăng vốn điều lệ vào thời điểm nào và sử dụng vốn ra sao cho hiệu quả mới là điều cần chú trọng.

 

Hà Phương


Nguồn SHTT
Link bài gốc

https://sohuutritue.net.vn/thu-hang-von-dieu-le-nhom-big4-ngan-hang-dang-bi-vuot-mat-d111686.html