Những khoản nợ “khủng”
Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 của Công ty cổ phần Tập đoàn Nagakawa (mã chứng khoán NAG) ghi nhận khoản lỗ sau thuế 1,6 tỷ đồng, tương ứng sụt giảm hơn 119% so với cùng kỳ (lãi 8,6 tỷ đồng).
Trong kỳ, NAG đạt doanh thu thuần hơn 489,2 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ. Dù vậy, giá vốn và chi phí tài chính tăng cao kéo tụt lợi nhuận sau thuế xuống còn 4,04 tỷ đồng, giảm 33%. Lũy kế cả năm 2022, NAG đạt lợi nhuận sau thuế hơn 22,7 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Nagakawa là 1.490 tỷ đồng. Trong đó, nợ phải trả của doanh nghiệp này là 1.097 tỷ đồng, gấp gần 2,8 lần vốn chủ sở hữu (393 tỷ đồng).
Nagakawa ghi nhận khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn phải trả các tổ chức và cá nhân khác là hơn 849 tỷ đồng, tăng gần 75 tỷ đồng so với đầu năm (774,5 tỷ đồng).
Trong đó, Nagakawa đang vay hơn 392 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) – Chi nhánh Hà Nội, theo hợp đồng hạn mức tín dụng ký ngày 30/8/2022.
Tài sản đảm bảo cho hợp đồng này là toàn bộ cổ phiếu NAG thuôc sở hữu của ông Nguyễn Đức Khả, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất thuộc sở hữu của ông Nguyễn Mạnh Cường và bà Nguyễn Thị Huyền Thương, hàng hoá luân chuyển của Nagakawa theo hợp đồng thế chấp tài sản đảm bảo bổ sung ngày 1/10/2019 và các hợp đồng tiền gửi khác, bất động sản HD03-16 tại KĐT Vinhome Reverside 2 ở quận Long Biên, đất nhà xưởng ở phường Phúc Yên, Vĩnh Phúc …
Ngoài ra, Nagakawa vay hơn 312 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) – Chi nhánh Thành An nhằm bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh.
Tài sản đảm bảo cho khoản vay này gồm nhiều quyền sử dụng đất, nhà và quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của ông Nguyễn Mạnh Cường, bà Nguyễn Thị Huyền Thương, bà Đào Thị Soi, ông Nguyễn Đức Khả, ông Nguyễn Đình Tấn, và Đào Thị Hoa.
Các tài sản khác như hai lô trái phiếu trị giá 25 tỷ đồng của Ngân hàng BIDV phát hành, xe ô tô Mercedes, hàng tồn kho thuộc sở hữu của Nagakawa,… cũng được công ty sử dụng nhằm thế chấp cho khoản tín dụng trên.
Bên cạnh đó, Nagakawa còn có khoản vay hơn 40 tỷ đồng của ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank) chi nhánh Điện Biên Phủ và khoản vay 54 tỷ đồng của ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Hà Nội.
|
|
Theo báo cáo tình quản trị năm 2022, tính đến cuối năm, Nagakawa có hai cổ đông lớn là ông Nguyễn Đức Khả (nắm 37,74% vốn điều lệ) và Công ty TNHH Phát triển Kinh tế Quốc tế Anh Vũ. |
Ai đang giữ “ghế nóng” của Nagakawa?
Được thành lập từ năm 2002, CTCP Tập đoàn Nagakawa là doanh nghiệp gắn liền với tên tuổi của ông Nguyễn Đức Khả - vị doanh nhân sinh năm 1959 từng giữ vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty trong 10 năm (từ năm 2002 đến 2020).
Đến tháng 2/2022, ông Khả rời ghế Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nagakawa để nhường chỗ cho ông Nguyễn Ngọc Quý.
Vào tháng 7/2020, Tập đoàn Nagakawa (NAG) đã bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Huyền Thương (con gái ông Nguyễn Đức Khả) giữ chức vụ Tổng giám đốc, người đại diện pháp luật của Tập đoàn.
Theo báo cáo tình quản trị năm 2022, tính đến cuối năm, Nagakawa có hai cổ đông lớn là ông Nguyễn Đức Khả (nắm 37,74% vốn điều lệ) và Công ty TNHH Phát triển Kinh tế Quốc tế Anh Vũ.
Theo tìm hiểu của PV, Công ty cổ phần Tập đoàn Nagakawa được thành lập vào năm 2002 tại Vĩnh Phúc. Ngành nghề kinh doanh của công ty này rất đa dạng từ sản xuất đồ điện tử dân dụng, đến xây dựng nhà ở, kinh doanh bất động sản…NAG hiện có 5 công ty con tại các tỉnh, thành phố lớn như:Hà Nội, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc và Hưng Yên.
Theo thông báo từ NAG, công ty này sẽ tiến hành đại hội cổ đông thường niên 2023 để chốt phương án phân phối lợi nhuận và kế hoạch kinh doanh của năm nay vào ngày 5/4 sắp tới.