Theo BCTC hợp nhất quý 2/2021 tại BVH, trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, riêng quý 2 ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm gốc giảm mạnh 48% so với cùng kỳ, xuống còn gần 10.177 tỷ đồng. Trong khi đó, phí nhượng tái bảo hiểm cũng giảm 50%, còn gần 878 tỷ đồng. Do đó, doanh thu bảo hiểm thuần giảm 48% về mức 9.299 tỷ đồng.
Trong kỳ, tuy chi phí bảo hiểm giảm 47% còn 9.332 tỷ đồng nhưng lợi nhuận gộp hoạt động kinh doanh bảo hiểm vẫn giảm mạnh 97% so với cùng kỳ 2020, còn 182 tỷ đồng. Quý 1/2021, hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại BVH lỗ gộp gần 169 tỷ đồng.
Đáng chú ý, lãi từ hoạt động tài chính tại BVH giảm 48% vể mức 2.101 tỷ đồng. Kết quả, Tập đoàn Bảo Việt báo lợi nhuận sau thuế chỉ đạt gần 443 tỷ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại BVH lỗ gộp hơn 471 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2021 chỉ lỗ gộp gần 101 tỷ đồng. Đồng thời, hoạt động tài chính cũng giảm 33% ,ở mức gần 2.579 tỷ đồng; lợi nhuận khác cũng giảm 43% về mức 3.983 tỷ đồng. Do đó, lãi sau thuế tại tại BVH giảm 17% so với cùng kỳ, chỉ đạt gần 542 tỷ đồng.
Bên cạnh kết quả kinh doanh thảm hại, tình hình tài chính tại BVH cũng kém khả quan.
Tính đến 30/6/2021, tổng tài sản của BVH đạt hơn 149.047 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong đó, giảm mạnh nhất là 'kho tiền mặt' (tiền và các khoản tương đương tiền) giảm 58% chỉ còn 2.860 tỷ đồng.
Nợ phải trả tại BVH tính tới cuối quý 2/2021 ghi nhận hơn 127.385 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Như vậy, tỷ số nợ phải trả trên tổng tài sản của BVH là 85%; hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu gấp gần 6 lần. Các con số trên cho thấy BVH đang sử dụng đòn bẩy nợ khá cao, hầu hết tài sản của doanh nghiệp này được tài trợ bởi nợ.
Đáng chú ý, trong tổng nợ phải trả, dư nợ đi vay ngắn hạn tại BVH tăng vọt 109% so với đầu năm, lên mức hơn 1.868 tỷ đồng. Nợ đi vay dài hạn ngân hàng ghi nhận hơn 206 tỷ đồng và phát hành trái phiếu ở mức 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, phần thuyết minh báo cáo tài chính không nêu cụ thể các khoản vay từ ngân hàng nào.
Tại bảng cân đối kế toán, nợ dài hạn tại BVH lại tiếp tục vượt qua tài sản dài hạn.
Cụ thể, tại ngày 30/6/2021, nợ dài hạn ghi nhận hơn 115.272 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Trong khi đó, chủ yếu là dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm (114.681 tỷ đồng) và phải trả dài hạn khác (gần 281 tỷ đồng). Trong khi đó, tài sản dài hạn tại thời điểm này chỉ có 59.564 tỷ đồng. Như vậy, nợ dài hạn cao gấp 2 lần tài sản dài hạn tại BVH.
Thông thường, tình hình nợ dài hạn của doanh nghiệp thường được quan tâm nhiều hơn là tình hình nợ ngắn hạn bởi vì các khoản nợ ngắn hạn hay thay đổi nên không phản ánh chính xác tình hình nợ của doanh nghiệp.
Nếu phần tài sản dài hạn liên tục nhỏ hơn nợ dài hạn chứng tỏ một phần nợ dài hạn đã chuyển vào tài trợ tài sản ngắn hạn. Hiện tượng này vừa làm lãng phí chi phí lãi vay nợ dài hạn vừa thể hiện sử dụng sai mục đích nợ dài hạn. Điều này tiếp diễn liên tục khiến lợi nhuận kinh doanh giảm hoặc xảy ra những rối loạn tài chính doanh nghiệp.
Liên quan tới quản trị dòng tiền tại BVH, 6 tháng đầu năm, dòng tiền thuần trong kỳ đang âm hơn 3.920 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 chỉ âm hơn 2.848 tỷ đồng.