Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ của Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà (Sơn Hà, mã chứng khoán: SHI) ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ nửa đầu năm 2023 đạt 4.761 tỷ đồng, tăng gần 25% so với cùng kỳ. Dù vậy, giá vốn hàng bán tăng nhanh hơn tốc độ tăng của doanh thu, khiến lợi nhuận gộp của SHI chỉ đạt 415,5 tỷ đồng, giảm 7,5%.
Trong kỳ, hoạt động tài chính đem về cho Sơn Hà 43 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ, chủ yếu do khoản lãi phát sinh từ tiền gửi, tiền cho vay và lãi chênh lệch tỷ giá phát sinh.
Chi phí tài chính tăng 30,05%, lên mức 185,2 tỷ đồng. Các khoản chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt ghi nhận mức 132,8 tỷ đồng và 84,5 tỷ đồng, lần lượt giảm 23,64% và 6,62%. Trừ đi các chi phí, Sơn Hà báo lãi sau thuế nửa đầu năm 2023 đạt 34,5 tỷ đồng; giảm 34% so với cùng kỳ năm trước.
Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản của Sơn Hà ở mức 7.170 tỷ đồng, giảm 160 tỷ đồng so với số đầu năm, trong đó chủ yếu là tài sản ngắn hạn (5.323 tỷ đồng). Chiếm trọng lớn trong tài sản ngắn hạn là các khoản phải thu (3.395 tỷ đồng). Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của Sơn Hà ở mức 5.188 tỷ đồng, tương ứng gấp 2,6 lần vốn chủ sở hữu 1.981 tỷ đồng.
|
|
Nợ phải trả của Sơn Hà ở mức 5.188 tỷ đồng, tương ứng gấp 2,6 lần vốn chủ sở hữu 1.981 tỷ đồng. |
Ngày 13/9 vừa qua, Sơn Hà đã công bố thông tin bất thường về việc bị Tổng cục Thuế xử phạt, truy thu do hành vi vi phạm về thuế. Cụ thể, Sơn Hà đã có hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hoá đơn.
Trong đó, phạt về hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế là 274,63 triệu đồng; buộc nộp đủ số tiền thuế thiếu vào ngân sách nhà nước là 1.373,16 triệu đồng (bao gồm 29,14 triệu đồng thuế giá trị gia tăng năm 2022 và 1.344,03 triệu đồng thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022); tiền chậm nộp là 61,56 triệu đồng. Như vậy, tổng số tiền thuế bị truy thu, phạt là hơn 1,7 tỷ đồng.
“Ông lớn” bồn nước lấn sân bất động sản công nghiệp, xe máy điện
Được thành lập vào năm 1998, Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà (tiền thân là Công ty TNHH Cơ Kim Khí Sơn Hà) khởi đầu là một doanh nghiệp chuyên kinh doanh mặt hàng gia dụng – bao gồm các sản phẩm khá quen thuộc như bồn nước inox, bồn nhựa Sơn Hà.
Cũng giống như nhiều ông lớn khác trong ngành đồ gia dụng, nội thất, nhiều năm trở lại đây, Sơn Hà dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch HĐQT Lê Vĩnh Sơn đã bắt đầu định vị và đặt mục tiêu lấn sân sang mảng bất động sản và hạ tầng công nghiệp, xe máy điện.
Phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, ông Lê Vĩnh Sơn – Chủ tịch HĐQT Sơn Hà cho biết SHI đã lên kế hoạch làm bất động sản công nghiệp từ “5 năm trước chứ không phải bây giờ mới làm”, vì thế mới có được dự án Tam Dương vừa khởi công tháng 4/2023.
Dự án có quy mô hơn 162ha và đã giải phóng mặt bằng được 100ha, tỉnh Vĩnh Phúc đã giao đất cho SHI 81ha, cấp giấy phép đầu tư để SHI triển khai xây dựng hạ tầng. “Tinh thần của SHI là làm cuốn chiếu, vừa giải phóng mặt bằng, vừa triển khai hạ tầng, vừa mời gọi khách thuê”, ông Lê Vĩnh Sơn cho biết.
Theo tìm hiểu của PV, khu công nghiệp SHI IP Tam Dương (tỉnh Vĩnh Phúc) có quy mô 162,33ha, tổng diện tích cho thuê là 116,03 ha và 5,59 ha là khu thương mại dịch vụ, điều hành phục vụ tiện ích cho khu công nghiệp. Với tổng vốn đầu tư 1.576 tỷ đồng, dự án dự kiến sẽ bàn giao mặt bằng lần 1 vào quý IV/2023 và bắt đầu đi vào hoạt động vào quý III/2024. Trong đó, vốn góp thực hiện dự án của Tập đoàn Sơn Hà là 504,5 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 32% tổng vốn đầu tư.
Ngoài bất động sản và hạ tầng công nghiệp, Sơn Hà cũng được coi là một “tân binh” trogn mảng xe máy điện với thương hiệu EVGo. Tháng 4/2023, EVGo đã ra mắt 4 mẫu xe điện Evgo VS125, EVGO EX100, EVgo A và Ecooter EH2. Về lĩnh vực này, Chủ tịch HĐQT Sơn Hà Lê Vĩnh Sơn khẳng định xe điện là xu hướng của tương lai, có thể chưa bùng nổ ngay nhưng “đến một lúc nào đó chắc chắn sẽ thành công”.