Hiện nay, các ngân hàng đã công bố gần hết kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với con số lợi nhuận cao. Bất chấp dịch Covid-19 bùng phát, chưa một ngân hàng nào báo lãi giảm.
Đáng chú ý, mức tăng trưởng lợi nhuận cao ở một số nhà băng là nhờ… giảm mạnh trích lập dự phòng rủi ro so với cùng kỳ. Bởi theo số liệu công bố, mức lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh (trước trích lập dự phòng) của những nhà băng này trong 6 tháng đầu năm 2021 chỉ tăng chậm, thậm chí còn giảm.
SCB là ngân hàng có quy mô tổng tài sản lớn thứ 5 toàn hệ thống
Quý 2/2021, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của SCB thực tế giảm mạnh 81%, về mức 291 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ SCB tiết giảm 92% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, chỉ còn trích 124 tỷ đồng, do đó lãi trước thuế quý 2 tăng gấp 3,5 lần, đạt hơn 167 tỷ đồng.
Tính chung 6 tháng đầu năm, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của SCB tăng 17% so với cùng kỳ 2020. Lãi trước và sau thuế gấp 5,6 lần và 6,6 lần cùng kỳ, lần lượt đạt hơn 487 tỷ đồng và hơn 416 tỷ đồng.
Tại Viet A Bank (mck: VAB), riêng quý 2/2021, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 32%, đạt hơn 359 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ cắt giảm 62% chi phí dự phòng rủi ro đã giúp lợi nhuận trước và sau thuế quý 2 gấp 4 lần và gấp 5,3 lần cùng kỳ, đạt gần 282 tỷ đồng và hơn 200 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm, dự phòng rủi ro tại Viet A Bank cũng giảm 63%, chỉ trích gần 78 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận Viet A Bank gấp 2,7 lần cùng kỳ khi thu về 407 tỷ đồng lãi trước thuế và gần 326 tỷ đồng lãi sau thuế.
Một trường hợp "đảo chiều" ngoạn mục nữa nhờ giảm mạnh chi phí dự phòng là tại PGBank (MCK: PGB).
Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của PGB quý 2/2021 giảm 7% xuống 128 tỷ. Song chi phí dự phòng giảm tới 66% xuống còn 35 tỷ đồng. Theo đó, PGB thu về lãi trước và sau thuế gấp 2,7 lần cùng kỳ, ghi nhận hơn 93 tỷ đồng và gần 75 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 19%, nhờ chi phí dự phòng tại PGB giảm 17% về mức gần 98 tỷ đồng. Kết quả, ngân hàng báo lãi trước và sau thuế nửa đầu năm tăng 59% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 175 tỷ đồng và hơn 140 tỷ đồng.
Ngoài ra, tại OCB cũng ghi nhận lãi trước và sau thuế 6 tháng đầu năm tăng lần lượt 43% và 42% so với cùng kỳ, đạt hơn 2.661 tỷ đồng và gần 2.120 tỷ đồng. Có được con số ấn tượng này là nhờ OCB giảm 40% chi phí dự phòng rủi ro, về mức 393 tỷ đồng và nhờ một số nguồn thu phi tín dụng tăng mạnh.
Chuyện thay đổi tăng giảm trích lập dự phòng các năm về trước của ngân hàng là chuyện diễn ra bình thường. Việc giảm trích lập cũng có thể là do tình hình nợ xấu của ngân hàng đó diễn biến thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, hơn 1 năm trở lại đây, dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến nợ xấu ngân hàng đang dần quay trở lại. Theo các chuyên gia, nợ xấu tại nhiều ngân hàng sẽ tiếp tục tăng mạnh khi hết thời hạn giữ nguyên nhóm nợ của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Lưu ý, việc lợi nhuận các ngân hàng có sự thay đổi lớn sau việc cắt giảm trích lập dự phòng cũng phần nào cho thấy, dù lợi nhuận trước thuế được công bố vẫn tăng trưởng tốt, song về bản chất hoạt động kinh doanh nhiều ngân hàng đang chậm đi hoặc thậm chí là kém khả quan hơn.