Vào ngày 07/10 tới đây, Ngân hàng Sacombank thông báo sẽ đấu giá khoản nợ có tài sản đảm bảo là cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Bản Việt (UPCoM: BVB).
Tính tới ngày 19/7/2021, tổng nợ phải trả của món nợ này lên tới hơn 1.005 tỷ đồng; trong đó gồm hơn 424 tỷ đồng nợ gốc và gần 581 tỷ đồng nợ lãi.
Vào cuối năm 2018, Sacombank từng bán lại khoản nợ cho VAMC, tuy nhiên sau đó VAMC lại uỷ quyền cho Sacombank xử lý nợ.
Khoản nợ hiện đang được Sacombank chào bán với giá khởi điểm 905,4 tỷ đồng. Mức giá này thấp hơn khoảng 100 tỷ đồng so với tổng nợ phải trả 1.005 tỷ đồng.
Tài sản bảo đảm của khoản nợ này là gần 41 triệu cổ phiếu BVB của Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) thuộc sở hữu của CTCP Đầu tư Khu đô thị mới Sài Gòn (Saigon NIC).
Được biết, số cổ phiếu BVB được thế chấp ở trên đúng bằng toàn bộ số cổ phần mà Saigon NIC sở hữu tại BVB. Hiện, Saigon NIC là cổ đông lớn duy nhất của Ngân hàng Bản Việt với tỷ lệ sở hữu 12,89% (tính đến 31/12/2020).
Tại báo cáo thường niên năm 2020 của BVB cũng thể hiện, trong tổng số 317,1 triệu cổ u đang lưu hành, có gần 40.9 triệu cp (chiếm 12,89%) bị phong toả và hơn 42.4 triệu cổ phiếu (chiếm 13.38%) bị hạn chế chuyển nhượng.
Trước đó, vào năm 2012, toàn bộ số cổ phần BVB này đã được thế chấp tại Sacombank và được định giá 515 tỷ đồng, tương đương 12.600 đồng/cp. Song, đến cuối năm 2015, Sacombank định giá hạ số lô cổ phần này xuống còn 450 tỷ đồng, tức chỉ còn khoảng 11.000 đồng/cổ phiếu
Trên thị trường chứng khoán, hiện cổ phiếu BVB đang được giao dịch quanh mức 20.800 đồng/cổ phiếu (kết phiên ngày 28/09). Như vậy, giá trị lô cổ phần hiện chỉ khoảng gần 900 tỷ đồng, vẫn thấp hơn nhiều so với mức giá khởi điểm được đưa ra là 905,4 tỷ đồng.
Cuối quý 2/2021 vừa qua, Ngân hàng Bản Việt đã khóa giảm tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa từ 30% xuống còn 5%.
Theo ý kiến của HĐQT ngân hàng, việc duy trì room ngoại ở mức 30% là khá lớn so với quy mô giao dịch, tình hình cơ cấu cổ đông động khi đó và định hướng của ngân hàng trong tương lại.
Ngoài Sacombank, mới đây Saigonbank (Mã: SGB) cũng đã đấu giá toàn bộ 8,3 triệu cổ phiếu BVB với giá chào bán là 22.800 đồng/cổ phiếu, nhưng vẫn chưa thể thoái vốn khỏi Ngân hàng Bản Việt khi trải qua hai lần đấu giá bất thành do không có nhà đầu tư nào tham gia.
Nửa đầu năm 2021, Sacombank gây bất ngờ khi ghi nhận 1.914 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng gần 70% so với cùng kỳ 2020.
Về nợ xấu của Sacombank tính đến 30/6/2021 chỉ giảm nhẹ 3% xuống còn 5.609 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,7% xuống còn 1,55%. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) chỉ giảm 3% so với đầu năm, mở mức 4.430 tỷ đồng; nợ nghi ngờ (nhóm 4) giảm 55% xuống còn 431 tỷ đồng. Đặc biệt, nợ dưới tiêu chuẩn của Sacombank (nợ nhóm 3) lại tăng lên rất mạnh (tăng từ hơn 277 tỷ đồng lên gần 748 tỷ đồng, tương đương tăng vọt 170% so với đầu năm).
Đáng chú ý, nợ cần chú ý (nợ nhóm 2 - với khoản vay quá hạn 10-90 ngày) cũng tăng 14% lên hơn 894 tỷ đồng. Nhóm nợ 2 và 3 đều tăng có thể xuất phát từ việc các khách hàng gặp khó khăn do dịch Covid-19 đã bắt đầu tăng lên, tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu trong tương lai của ngân hàng.
Tuy nhiên, những con số về nợ xấu thể hiện trên báo cáo tài chính của Sacombank vẫn chưa phản ánh đúng thực trạng, bởi hệ thống ngân hàng đang được phép cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19. Hơn nữa, nhiều năm nay, Sacombank luôn góp mặt trong top ngân hàng có nhiều nợ xấu nhất hệ thống.
Tại thời điểm 30/6/2021, tổng nghĩa vụ nợ tiềm ẩn của Sacombank ghi nhận hơn 18.270 tỷ đồng. Trong đó, bảo lãnh vay vốn tăng vọt 135%, bảo lãnh khác cũng tăng 21% lên hơn 11.918 tỷ đồng; chỉ có cam kết trong nghiệp vụ thư tín dụng giảm 30% còn 6.252 tỷ đồng.
Tuy chỉ nằm ở ngoại bảng và chưa được coi là nợ xấu, nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát kéo dài hơn 2 năm qua đã khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Vì vậy, trong tương lai các khoản nợ này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Hà Phương