Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power, MCK: POW, sàn HoSE) mới đây đã công bố Báo cáo tài chính riêng quý III/2022 với kết quả không mấy lạc quan.

Theo đó, trong kỳ, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt 3.407 tỷ đồng, giảm 13,42% so với cùng kỳ năm trước, trong khi tổng chi phí là hơn 3.706 tỷ đồng. Điều này dẫn đến lợi nhuận trước thuế của công ty mẹ âm gần 300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ở mức âm 290 tỷ đồng, giảm 209,6% so với cùng kỳ năm trước.
leftcenterrightdel
 Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ PV Power âm gần 290 tỷ đồng, nợ xấu tăng hơn 3,3 lần. Ảnh minh họa: PV Power

Lý giải việc tổng doanh thu công ty mẹ giảm, PV Power cho biết, do doanh thu Nhà máy điện Cà Mau 1,2 giảm gần 311 tỷ đồng, nguyên nhân chu yếu do sản lượng điện của các nhà máy điện này giảm. Cùng với đó, doanh thu Nhà máy điện Nhơn Trạch 1 giảm hơn 401 tỷ đồng cũng vì lý do sụt giảm sản lượng điện. Trong khi đó, doanh thu từ nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 lại tăng hơn 167 tỷ đồng.

Ngoài việc một số dự án sụt giảm sản lượng khiến doanh thu công ty mẹ giảm thì các chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cũng khiến kết quả kinh doanh của công ty mẹ trong quý III/2022 trở nên ảm đạm.

Việc công ty mẹ kinh doanh kém hiệu quả khiến báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 của PV Power kém lạc quan.

Cụ thể, trong quý III/2022, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 6.041,68 tỷ đồng, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước nhờ sản lượng và giá bán điện tăng.

Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán tăng cao hơn mức tăng của doanh thu thuần; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 150% chủ yếu vì phải trích lập dự phòng các khoản phải thu cho công ty con; chi phí tài chính tăng 50,8% khiến lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 201,28 tỷ đồng, giảm 66,6% so với cùng kỳ.

Lũy kế trong 9 tháng đầu năm 2022, PV Power ghi nhận doanh thu ở mức gần 20.566 tỷ đồng, giảm 1,9% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 1.591 tỷ đồng, giảm 21,7% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, nợ xấu của PV Power trong quý III/2022 tăng gấp 3,3 lần, từ 133,5 tỷ đồng con số đầu năm lên mức 448,6 tỷ đồng. Nợ xấu chủ yếu đến từ công ty mua bán điện.

Trong năm 2022, PV Power đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 24.242 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 743 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả đã đạt được trong 9 tháng đầu năm, công ty hoàn thành 214,2% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tính tới cuối tháng 9/2022, tổng tài sản của PV Power tăng 3.526 tỷ so với đầu năm lên 56.502 tỷ. Trong đó chủ yếu là tài sản cố định hơn 31.868 tỷ đồng (chiếm 56%).

Tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng của PV Power tính đến cuối kỳ hơn 9.106 tỷ đồng. Doanh nghiệp cũng đang đầu tư 850 tỷ đồng vào các công ty khác, chủ yếu trong mảng năng lượng.

Các khoản phải thu ngắn hạn tăng 101,6% so với đầu năm, lên mức 11.693,2 tỷ đồng; chủ yếu do phải thu của Công ty mua bán Điện tăng từ 5.263,9 tỷ đồng lên 9.223,8 tỷ đồng.

Tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của PV Power tăng 17,6% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.493tỷ đồng lên 9.950 tỷ đồng.

Tại thuyết minh báo cáo tài chính quý III/2022 của POW, tính tới ngày 30/9/2022, doanh nghiệp có dư nợ 2.701,96 tỷ đồng bằng USD trong khi thời điểm đầu năm, dư nợ này ở mức 2.090,4 tỷ đồng. Như vậy, việc USD tăng giá sẽ tăng thêm chi phí và áp lực tài chính đối với Công ty trong các kỳ báo cáo sắp tới.

Cuối quý III/2022, tổng nguồn vốn của PV Power đạt 56.502 tỷ đồng, tăng 3.525 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, vốn chủ sở hữu ở mức 32.402 tỷ đồng với vốn góp chủ sở hữu là 23.418 tỷ; quỹ đầu tư phát triển 3.643 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (tính đến cuối tháng 9/2022) là 2.570 tỷ đồng; lợi ích cổ đông không kiểm soát 2.736 tỷ đồng;...

Trong những phiên gần đây, giá cổ phiếu POW của PV Power giảm mạnh. Đáng chú ý, trong phiên giao dịch ngày 15/11, cổ phiếu POW giảm sàn xuống mức 9.580 đồng/cp, thấp hơn thị giá. Điều này đồng nghĩa, PV Power bị loại khỏi danh sách doanh nghiệp tỷ USD.

Bạch Hiền
Nguồn Đời sống & Pháp luật
Link bài gốc

https://www.doisongphapluat.com/pv-power-loi-nhuan-cong-ty-me-am-no-xau-tang-hon-3-lan-a557455.html