Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas, mã chứng khoán: GAS) công bố báo cáo tài chính quý I/2022 với doanh thu và lợi nhuận tăng cao so với cùng kỳ.

Cụ thể, PV Gas ghi nhận doanh thu thuần đạt 26.689 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ, giá vốn hàng bán cũng tăng tương ứng nên lãi gộp đạt 5.136 tỷ đồng tăng 57% so với quý I/2021. Biên lãi gộp được cải thiện từ 18,6% lên 19,3%.

Trong kỳ, công ty thu về 261,5 tỷ đồng doanh thu tài chính giảm nhẹ so với cùng kỳ, chi phí lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng cao hơn cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí và ghi nhận 39 tỷ đồng lãi từ hoạt động khác, PV Gas lãi sau thuế 3.495 tỷ đồng tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế thuộc về công ty mẹ là 3.429 tỷ đồng.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 15/4 vừa qua, lãnh đạo PV Gas cho biết, quý I/2022, sản lượng sản xuất khí của tổng công ty là 1,9 tỷ m3, khí khô thực hiện được 83% kế hoạch. Sản xuất khí condensate vượt 90% kế hoạch. Còn khí LPG đạt 140% chỉ tiêu quý được giao.

Kết quả khả quan được ghi nhận trong bối cảnh giá dầu cũng như giá khí trên thế giới tăng cao. Ông Hoàng Văn Quang – Tổng Giám đốc PV Gas cho biết, trung bình cứ giá dầu Brent tăng/giảm 5 USD/thùng thì doanh thu của tổng công ty sẽ tăng/giảm tương ứng là 1.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế tương ứng tăng/giảm 500 tỷ đồng.

Từ đầu năm đến cuối tháng 3, giá dầu Brent leo thang từ vùng 80 USD/thùng và có lúc lên tới 128 USD/thùng do những căng thẳng trên thế giới. Đây cũng là động lực giúp PV Gas báo lãi tăng trưởng khả quan trong quý I/2022.

Năm nay, PV Gas đặt doanh thu đi ngang so với năm ngoái là 80.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm hơn 20% xuống 7.039 tỷ đồng. Kế hoạch này đề ra dựa trên phương án giá dầu 60 USD/thùng. Như vậy, với kết quả trên, kết thúc quý I, công ty đã hoàn thành được 33,4% mục tiêu về doanh thu và 50% mục tiêu lợi nhuận.

leftcenterrightdel
 

PV Gas cho biết, hoạt động của doanh nghiệp dự báo sẽ gặp không ít khó khăn trong năm nay do tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Ngoài ra, thách thức đối mặt còn đến từ xu thế chuyển dịch năng lượng, biến động giá các sản phẩm dầu mỏ, gia tăng nguồn năng lượng tái tạo và giảm huy động khí cho sản xuất điện; xuất hiện đơn vị kinh doanh cạnh tranh trực tiếp sản phẩm khí (LNG); dự kiến giá LNG nhập khẩu ở mức cao.

Cùng với đó, thị trường kinh doanh LPG trong nước có sự cạnh tranh quyết liệt về nguồn cung, khách hàng. Việc triển khai các dự án phát triển hạ tầng kinh doanh LNG, LPG (các kho quy mô) tiếp tục gặp khó khăn do bị ràng buộc bởi nhiều quy định đối với doanh nghiệp cổ phần nhà nước chi phối…

Tại ngày 31/3/2022, tổng tài sản của PV Gas ở mức 85.170 tỷ đồng, tăng 6.400 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Trong đó lượng tiền và tương đương lên hơn 8.600 tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với đầu năm. Bên cạnh đó là khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn hơn 25.000 tỷ đồng.

Khoản phải thu ngắn hạn đạt trên 20.600 tỷ đồng, tăng hơn 3.600 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó phải thu từ khách hàng hơn 12.800 tỷ.

PV Gas ghi nhận khoản nợ xấu hơn 1.364 tỷ đồng, trong đó Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) nợ hơn 1.007 tỷ đồng với giá trị có thể thu hồi gần 630 tỷ đồng. Khoản nợ lớn thứ hai thuộc về Tổng Công ty tư vấn thiết kế Dầu khí (PVE) với khoản nợ hơn 121 tỷ đồng với giá trị có thể thu hồi là 41 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý I/2022.

 

Nguyễn Thu Huyền
Nguồn Người đưa tin Pháp luật
Link bài gốc

https://www.nguoiduatin.vn/pv-gas-co-hon-1000-ty-dong-no-xau-tu-pv-power-a551791.html