Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil - HoSE: OIL) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 với doanh thu thuần đạt 25.962 tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp của PV Oil giảm về mức 1,24%, cũng là mức thấp nhất trong 10 quý trở lại đây. Lãi gộp của công ty cũng giảm 37%.

Công ty còn phải chịu hơn 13,2 tỷ đồng lỗ trong công ty liên doanh, liên kết trong khi chỉ tiêu này cùng kỳ năm trước vẫn đem về hơn 4 tỷ đồng. Các chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp cũng lần lượt tăng 38% và 25% còn chi phí tài chính có giảm nhưng không đáng kể.

Theo giải trình về kết qủa kinh doanh trong quý III, PV Oil cho biết giá thế giới liên tục tăng, đặc biệt kể từ khi xảy ra chiến sự giữa Nga - Ukraine. Tuy nhiên từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 9/2022, giá thế giới đảo chiều giảm liên tục do lo ngại suy thoái kinh tế, lạm phát...

Phù hợp với diễn biến giá thế giới, Nhà nước đã liên tục điều chỉnh giảm giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu trong quý III làm cho lãi gộp của PV Oil giảm sâu, trong khi các chi phí gia tăng.

Kết quả, công ty lỗ sau thuế 373 tỷ đồng trong quý III/2022 - tương đương lỗ 4,05 tỷ mỗi ngày. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất của doanh nghiệp trong 10 quý gần đây.
leftcenterrightdel
 

Luỹ kế 9 tháng, PV Oil đạt 79.617 tỷ đồng doanh thu thuần, gấp 2,1 lần và lãi sau thuế 431 tỷ đồng, giảm 17,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2022, nhà bán lẻ xăng dầu lớn thứ 2 cả nước đề ra kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 45.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 400 tỷ đồng. Như vậy, sau ba quý, PV Oil đã vượt 77% chỉ tiêu doanh thu và vượt gần 8% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Về tình hình tài chính, tại thời điểm 30/9/2022, doanh nghiệp xăng dầu này sở hữu tổng tài sản ở mức 27.365 tỷ đồng. Chỉ tiêu chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản là khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn với 9.474 tỷ đồng. Tính riêng 3 quý đầu năm, PV Oil thu về 315 tỷ đồng lãi tiền gửi ngân hàng.

Chỉ tiêu hàng tồn kho ghi nhận 3.453 tỷ đồng cuối kỳ, tăng 34% so với đầu năm. Trong đó, doanh nghiệp đã trích lập dự phòng 150 tỷ giảm giá hàng tồn kho, tăng 133 tỷ so với cuối quý II/2022.

Trong cơ cấu nguồn vốn, tổng nợ phải trả tại ngày 30/9 của PV Oil là 16.192 tỷ đồng, trong đó nợ đi vay là 4.095 tỷ đồng, chủ yếu là ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu cuối kỳ là 11.173 tỷ đồng, trong đó khoản lỗ luỹ kế chưa phân phối gần 443 tỷ đồng.

Không chỉ PV Oil, Petrolimex mặc dù chưa công bố báo cáo tài chính quý III/2022 nhưng lãnh đạo Tập đoàn cho biết, mặc dù sản lượng nội địa tăng 20% so cùng kỳ, riêng bán lẻ tăng 26% so cùng kỳ nhưng lợi nhuận xăng dầu 9 tháng của Tập đoàn ước lỗ 780 tỷ đồng.

Để đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu tại thị trường trong nước, tại những thời điểm khó khăn về nguồn hàng thời gian qua, Petrolimex, PV Oil đã phải tăng cường nhập khẩu, cung ứng vượt kế hoạch để bù đắp cho thiếu hụt từ các cửa hàng bán lẻ ngoài hệ thống.

Trong 9 ngày đầu tháng 10, PV Oil đã cung cấp cho các đơn vị trong hệ thống trên toàn quốc vượt 7% so với kế hoạch, riêng mặt hàng xăng vượt 16%. Tại thị trường Tp.HCM, nơi xảy ra biến động mạnh buộc PV Oil cung cấp cho các đầu mối vượt mức 28% so với kế hoạch và riêng mặt hàng xăng vượt 35%.
Lê Thanh Hồng
Nguồn Người đưa tin Pháp luật
Link bài gốc

https://www.nguoiduatin.vn/ong-lon-xang-dau-pv-oil-bao-lo-hon-4-ty-dong-moi-ngay-a577520.html