Vốn đổ mạnh cho bất động sản
Số liệu từ Ngân hàng nhà nước (NHNN) cho biết, trong năm 2021, tín dụng vào bất động sản vẫn tăng 12% so với năm trước, trong đó cho vay mua nhà, sửa nhà, chữa nhà tăng khoảng 15 - 16% còn cho vay kinh doanh bất động sản tăng khoảng 6 - 7%. Có thể thấy, dù được kiểm soát trong nhiều năm trở lại đây nhưng tín dụng bất động sản vẫn tăng trưởng qua các năm.
Đáng nói, theo số liệu tại báo cáo tài chính, kinh doanh bất động sản chỉ là một phần trong tổng dư nợ các ngân hàng cho vay có liên quan lĩnh vực bất động sản. Ngoài ra, số này bao gồm cả xây dựng, kinh doanh khách sạn, nhà hàng, khu du lịch, cho vay cá nhân để mua nhà ở, nhận quyền sử dụng đất để xây nhà ở khác…
Nếu tính cả dư nợ các lĩnh vực này, tỷ trọng cho vay liên quan đến bất động sản tại các nhà băng còn lớn hơn rất nhiều so với con số trên báo cáo tài chính.
Là ngân hàng cho vay khách hàng đứng thứ 2 toàn ngành (đạt 1,314 triệu tỷ đồng), Agribank cũng đang đổ mạnh vốn vào bất động sản.
Theo báo cáo tài chính riêng kiểm toán năm 2021, tính đến 31/12/2021 dư nợ cho vay doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, xây dựng đạt 96.114 tỷ đồng, tăng 6% so với năm trước và chiếm khoảng 9% tổng dư nợ cho vay doanh nghiệp của ngân hàng.
|
|
Nguồn: BCTC riêng năm 2021 tại Agribank. |
Nếu so với các ngân hàng khác, dư nợ cho vay lĩnh vực bất động sản tại Agribank chưa đáng kể gì. Đơn cử tại Techcombank, một trong những nhà băng có tỷ trọng cho vay bất động sản lớn, dư nợ cho vay doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng trong năm 2021 đạt gần 128.000 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước và chiếm đến 69% tổng dư nợ cho vay doanh nghiệp của ngân hàng.
Song dư nợ cho vay bất động sản của Techcombank có thể lên tới 74% tổng dư nợ nếu tính cả các khoản vay cá nhân mua nhà. Tính đến 31/12, cho vay mua nhà của ngân hàng (chiếm 78% cơ cấu cho vay cá nhân) đạt hơn 126.000 tỷ đồng, chiếm 36% tổng dư nợ của ngân hàng.
Hay tại ngân hàng VIB, dư nợ cho vay lĩnh vực này tăng 25% so với năm trước, đạt 85.000 tỷ đồng, chiếm 42% tổng dư nợ của ngân hàng.
Đáng nói, năm 2021 Agribank đang sở hữu khối tài sản thế chấp là bất động sản lớn nhất hệ thống.
Cụ thể, tại báo cáo tài chính riêng ngân hàng mẹ, đến cuối năm 2021, giá trị sổ sách các tài sản thế chấp Agribank đạt tới 2,327 triệu tỷ, tăng thêm hơn 262.000 tỷ đồng, tương đương 13% so với cuối năm 2020. Tổng giá trị tài sản thế chấp tại Agribank hiện cao hơn 77% so với số dư cho vay khách hàng cùng thời điểm.
Trong đó, tài sản thế chấp là bất động sản đạt mức hơn 2,018 triệu tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước, chiếm đến 87% tổng giá trị tài sản thế chấp.
Còn lại, tài sản thế chấp là động sản ghi nhận hơn 139.218 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với đầu năm; tài sản thế chấp là giấy tờ có giá ghi nhận hơn 57.524 tỷ đồng, tăng thêm 35.953 tỷ đồng, tương đương tăng vọt 167% và các tài sản đảm bảo khác cũng tăng thêm 32.412 tỷ đồng, lên mức hơn 70.184 tỷ đồng, tương đương tăng 86%.
|
|
Nguồn: BCTC riêng năm 2021 tại Agribank. |
Miệt mài rao bán nợ
Thời gian gần đây, Agribank là một trong những nhà băng rất sôi nổi trong việc xử lý nợ và thanh lý tài sản đảm bảo. Trong đó, phần lớn các khoản nợ, tài sản mà ngân hàng này rao bán đều là bất động sản hoặc có tài sản đảm bảo bằng bất động sản.
Chẳng hạn, cuối tháng 3/2022, Agribank rao bán lô đất hơn 3.700 m2 tại TP HCM để thu hồi nợ. Giá rao bán khởi điểm gần 167 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mức giá ngân hàng đưa ra trong lần chào bán trước đó vào tháng 4/2021.
Trước đó không lâu, Agribank cũng thông báo đấu giá bán khoản nợ của Doanh Nghiệp Tư Nhân Thanh Tùng để xử lí nợ xấu.
Trong đó, tài sản đảm bảo của khoản nợ bao gồm quyền sử dụng đất sản xuất kinh doanh tại huyện Bình Chánh, TP HCM có diện tích gần 7.000m2 và tài sản hình thành trong tương lai là toàn bộ giá trị xây dựng của công trình cao ốc căn hộ Hạnh Phúc.
Giá khởi điểm ngân hàng đưa ra là 352,5 tỷ đồng, giảm hơn 52 tỷ đồng so với giá rao bán lần đầu tiên.
Mới đây nhất, Agribank thông báo bán đấu giá tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất tọa lạc tại Tân Xuân – Hóc Môn – TP. Hồ Chí Minh với giá khởi điểm 79 tỷ đồng; Ngày 8/4, Agribank AMC LTD thông báo bán đấu giá khoản nợ của Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi và thủy sản Thăng Long. Tài sản đảm bảo là các Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, toàn bộ các công trình xây dựng trên đất và hệ thống máy móc thiết bị của công ty. Giá khởi điểm hơn 20 tỷ đồng;...
Ngoài các lô đất trên, từ tháng 3 đến giữa tháng 4/2022, Agribank đã phát đi gần trăm thông báo về việc bán đấu giá các lô đất và khoản nợ được đảm bảo từ hàng chục m2 đến hàng chục nghìn m2 đất tại các thành phố lớn để xử lý nợ.
Theo báo cáo tài chính riêng năm 2021 tại Agribank, đến 31/12/2021, nợ xấu của Agribank ghi nhận hơn 24.553 tỷ đồng - cao nhất hệ thống ngân hàng, tăng đến 14% so với năm 2021. Trong đó, các nhóm nợ xấu đều tăng mạnh.
|
|
Nguồn: BCTC riêng năm 2021 tại Agribank. |
Cụ thể, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 14% so với đầu năm, lên mức 3.141 tỷ đồng; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng đến 39% lên mức hơn 3.379 tỷ đồng và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 10% lên đến 18.033 tỷ đồng. Kéo theo tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,78% lên 1,87%.