Trong báo cáo tài chính, phần báo cáo lưu chuyển tiền tệ có thể coi là báo cáo quan trọng nhất của một doanh nghiệp. Bởi lẽ, báo cáo này chỉ ra được tiền của doanh nghiệp đi đâu về đâu, tại sao làm ăn có lãi mà thường xuyên thiếu tiền, trên cơ sở đó giúp đánh giá về khả năng trang trải công nợ, chi trả cổ tức trong tương lai của doanh nghiệp.

Nhiều trường hợp, doanh nghiệp có lợi nhuận cao, nhưng hoạt động kinh doanh không tạo ra dòng tiền dương, bị chôn vốn, nguồn tiền thu về chậm, dẫn tới sự nguy hiểm trong hoạt động tài chính.

Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm 2021, nhiều doanh nghiệp ngành thép đạt kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng so với năm trước. Tuy nhiên, dòng tiền kinh doanh lại đang âm rất lớn do chỉ ghi nhận lợi nhuận trên sổ sách chứ chưa thu tiền về.

Nửa đầu năm 2021, dòng tiền kinh doanh tại doanh nghiệp ngành thép mạnh yếu ra sao? - Ảnh 1

Điển hình, tại CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (mã:TLH) ghi nhận 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần đạt gần 2.374 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế theo đó cũng ghi nhận gần 317 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 12 tỷ đồng. Lãi ròng cũng ghi nhận gần 307 tỷ đồng.

Tuy nhiên, dòng tiền kinh doanh tại TLH âm hơn 64 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 đạt hơn 10,5 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền từ hoạt động đầu tư cũng âm hơn 106 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2020 chỉ âm gần 21 tỷ đồng và dòng tiền thuần trong kỳ tại TLH cũng âm hơn 108 tỷ đồng.

Dòng tiền kinh doanh âm chủ yếu do hàng tồn kho tại thời điểm 30/6 tăng 29% so với đầu năm, lên gần 2.119 tỷ đồng, tập trung ở hàng hóa với 1.702 tỷ đồng, tương đương tăng 28%.

Cùng hoàn cảnh, tại CTCP Thép Việt Ý (HOSE: VIS) báo lãi sau thuế quý 2/2021 gần 61 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ. 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của VIS đạt hơn 3.000 tỷ đồng, tăng 81% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế gần 74 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ Công ty sản xuất thép này lỗ gần 17 tỷ đồng. Đây là mức lãi cao nhất sau 12 năm.

Song, dòng tiền kinh doanh tại VIS lại đang ở trạng thái âm hơn 211,5 tỷ đồng (cùng kỳ 2020 dương hơn 54,5 tỷ đồng). Dòng tiền kinh doanh âm chủ yếu do hàng tồn kho và phải thu khách hàng đều tăng lần lượt 27% và 24%, lên hơn 1.041 tỷ đồng và gần 993 tỷ đồng.

Đồng thời, dòng tiền hoạt động tài chính cũng âm hơn 60 tỷ đồng trong khi cùng kỳ dương 129,6 tỷ đồng. Dòng tiền thuần trong kỳ ghi nhận âm hơn 207 tỷ đồng (cùng kỳ 2020 âm chỉ âm hơn 1,6 tỷ đồng).

Tương tự, tại CTCP Ống thép Việt Đức VG PIPE (mã: VGS) báo lãi sau thuế 6 tháng đầu năm tăng 183% lên mức hơn 60,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, dòng tiền kinh doanh lại âm hơn 208 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 dương 188 tỷ đồng.

Nối tiếp các doanh nghiệp ngành thép là CTCP Thép VICASA - VNSTEEL (HOSE: VCA) báo lãi sau thuế 6 tháng đầu năm đạt hơn 40 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ 2020.

Do giá trị khoản mục hàng tồn kho tính đến ngày 30/6 đạt hơn 379 tỷ đồng, gấp 3,3 lần cùng kỳ 2020 và các khoản phải thu cũng tăng 46% lên hơn 82 tỷ đồng. Vì vậy, dòng tiền kinh doanh tại VCA âm hơn 232,6 tỷ đồng (cùng kỳ 2020 dương gần 162 tỷ đồng) và dòng tiền thuần trong kỳ cũng âm hơn 42 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2020 chỉ âm hơn 1,3 tỷ đồng.

Dòng tiền kinh doanh âm tới 143 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 dương hơn 93 tỷ đồng là trường hợp của CTCP Thép Thủ Đức (mã: TDS). Ngoài ra, dòng tiền hoạt động đầu tư tại TDS cũng âm hơn 2,3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ âm hơn 424 triệu đồng.

Dù dòng tiền kinh doanh tại TDS âm nhưng doanh nghiệp vẫn báo lãi trước và sau thuế 6 tháng đầu năm tăng 185%, lần lượt đạt 59 tỷ đồng và 47 tỷ đồng. Tương tự như các doanh nghiệp ngành thép khác, dòng tiền kinh doanh âm là do hàng tồn kho tại TDS tăng gấp 3,5 lần so với đầu năm, lên mức 383 tỷ đồng.

Nửa đầu năm 2021, dòng tiền kinh doanh tại doanh nghiệp ngành thép mạnh yếu ra sao? - Ảnh 2

Thực tế, hầu hết dòng tiền kinh doanh tại các doanh nghiệp thép bị âm chủ yếu liên quan tới hàng tồn kho tăng mạnh. 

Với các doanh nghiệp sản xuất và thương mại, tích trữ hàng tồn kho là việc đương nhiên. Tuy nhiên, chiến lược gia tăng tồn kho là hàng hoá và nguyên liệu luôn có tính hai mặt. Nếu thị trường diễn ra thuận lợi, công ty thép sẽ lãi lớn, nhưng ngược lãi, nếu giá thép đi xuống, doanh nghiệp chịu rủi ro lớn.

Vì vậy, để đánh giá năng lực của một doanh nghiệp đừng chỉ nhìn vào lợi nhuận, bởi lợi nhuận tốt chưa chắc công ty đã tốt và lợi nhuận xấu chưa chắc công ty đã xấu. Nên xem xét cả hai yếu tố lợi nhuận và dòng tiền để có cái nhìn toàn diện.

 

 

Hoàng Long

 

 


Nguồn SHTT
Link bài gốc

https://sohuutritue.net.vn/nua-dau-nam-2021-dong-tien-kinh-doanh-tai-doanh-nghiep-nganh-thep-manh-yeu-ra-sao-d24870.html