Tỷ lệ nợ xấu chỉ phản ánh phần nợ xấu hiện rõ và được ghi nhận trong bảng cân đối kế toán. Vì vậy, nếu tính cả những phần nợ “tiềm ẩn” chưa được ghi nhận, thì tỷ lệ nợ xấu của các nhà băng sẽ có loạt thay đổi, nếu được ghi nhận vào nội bảng thì những phần nợ này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các nhà băng.
Thực tế, nghĩa vụ nợ tiềm ẩn là các khoản nợ được phát sinh khi ngân hàng và khách hàng ký các cam kết tín dụng, hạn mức thấu chi chưa sử dụng hoặc thư tín dụng... Dù nằm ở ngoại bảng và chưa được coi là nợ xấu, nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, doanh nghiệp khó khăn sẽ có thể trở thành các khoản nợ tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo Thông tư 02/2013-NHNN quy định đối với các cam kết ngoại bảng, các ngân hàng thương mại chỉ thực hiện phân loại nợ để quản lý, giám sát chất lượng tín dụng, không thực hiện trích lập dự phòng rủi ro. Ngân hàng chỉ phải trích lập dự phòng khi rủi ro xảy ra. Điều này càng làm gia tăng các rủi ro tiềm ẩn trong tương lai và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, lợi nhuận của các ngân hàng. Chính vì vậy, khi đánh giá rủi ro của một ngân hàng chúng ta cũng nên xem xét thêm phần chỉ tiêu ngoại bảng của ngân hàng đó nữa.
Tại các ông lớn ngân hàng, ngoài khối nợ xấu ‘khổng lồ’ thì khoản nợ tiềm ẩn nằm ngoài bảng cân đối cân toán cũng rất đáng lo ngại, nhất là trong bối cảnh dịch Covid -19 bùng phát mạnh mẽ kéo dài.
Tính đến 30/9/2021, quán quân lợi nhuận là Vietcombank đang ghi nhận khoản nợ tiềm ẩn tăng 21% so với đầu năm, lên mức 117.698 tỷ đồng. Trong đó, bảo lãnh vay vốn bất ngờ tăng 191% lên gần 1.906 tỷ đồng; cam kết trong nghiệp vụ thư tín dụng cũng tăng 27% lên 58.352 tỷ đồng và bảo lãnh khác tăng 13% lên 57.439 tỷ đồng.
Ngoài khoản nợ tiềm ẩn này, tính đến 30/9/2021, tổng nợ xấu tại Vietcombank tăng gấp đôi đầu năm, ghi nhận gần 10.884 tỷ đồng. Trong đó, tăng mạnh nhất là nợ nghi ngờ, gấp 14 lần đầu năm, lên gần 3.122 tỷ đồng; tiếp đến là nợ dưới tiêu chuẩn tăng 122% lên hơn 1.483 tỷ đồng, cuối cùng là nợ có khả năng mất vốn tăng 45% lên hơn 6.278 tỷ đồng. Kết quả kém khả quan này kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 0,62% đầu năm lên 1,16%.
Ngân hàng MB cũng không kém cạnh khi ghi nhận các khoản nợ tiềm ẩn nằm ngoài bảng cân đối kế toán ghi nhận gần 125.806 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Trong đó, cam kết trong nghiệp vụ L/C tăng 41%, bảo lãnh vay vốn tăng nhẹ 2%,...
Khác với Vietcombank, tổng nợ xấu tại MB giảm nhẹ 2%, ghi nhận còn 3.186 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này cần được đánh giá cẩn trọng hơn, bởi xét về cơ cấu, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) giảm 38% xuống còn hơn 853 tỷ đồng nhưng nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) lại có xu hướng tăng đáng kể 37% so với đầu năm, lên hơn 1.220 tỷ đồng và nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 14% lên 1.112 tỷ đồng.
Không chỉ vậy, nợ quá hạn (nợ nhóm 2 - với khoản vay quá hạn 10-90 ngày) lại bất ngờ tăng vọt 53% so với đầu năm, ghi nhận hơn 3.709 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tốc độ tăng khoản nợ tiềm ẩn tại TPBank còn mạnh hơn cả Vietcombank và MB, ghi nhận gần 27.099 tỷ đồng tương đương tăng 36% so với đầu năm. Trong đó, cam kết trong nghiệp vụ L/C tăng 51%, bảo lãnh vay vốn tăng 3% và bảo lãnh khác tăng 34%. Do đó, nợ tiềm ẩn/cho vay khách hàng của TPBank chiếm 20%.
Tương tự như MB, tổng nợ xấu tại TBBank giảm nhẹ 3% so với đầu năm còn 1.378 tỷ đồng. Trong đó, có sự dịch chuyển từ nợ có khả năng mất vốn sang nợ dưới tiêu chuẩn (tăng 10% lên hơn 729 tỷ đồng) và nợ nghi ngờ (tăng 5% lên hơn 346 tỷ đồng). Hơn nữa, nợ cần chú ý tại TPBank trong 9 tháng qua tăng mạnh 110% so với đầu năm, lên hơn 3.402 tỷ đồng.
Đối với các ngân hàng thương mại, nghĩa vụ nợ tiềm ẩn bao gồm cam kết bảo lãnh vay vốn, cam kết trong nghiệp vụ L/C (bảo lãnh qua thư tín dụng) và cam kết trong bảo lãnh khác. Cam kết bảo lãnh vay vốn thì nhiều rủi ro hơn các nhiệp vụ L/C, nhưng lại thường chiếm tỷ trọng nhỏ, trong khi đó, cam kết trong nghiệp vụ L/C lại có rủi ro thấp nhất và cam kết trong bảo lãnh khác nhiều rủi ro hơn L/C.
Qua số liệu trong báo cáo tài chính cho thấy, tại Vietcombank bảo lãnh vay vốn bất ngờ tăng mạnh theo cấp số lần phần nào phản ánh nợ tiềm ẩn rủi ro rất cao.
Rõ ràng, nếu chỉ nhìn vào tỷ lệ nợ xấu được phản ánh trực tiếp trong bảng cân đối kế toán khó có thể phản ánh đầy đủ bức tranh nợ xấu cũng như đánh giá được những rủi ro từ các nghĩa vụ nợ của các ngân hàng này.
Theo số liệu Ngân hàng nhà nước ước tính, trong thời gian tới nợ xấu tiềm ẩn cộng nợ xấu nội bảng lên mức khoảng 8%. Từ trạng thái 3% lên 8%, con số này phải lên khoảng 500,000 tỷ đồng. Đây là con số khá lớn. Dư nợ xấu được hạch toán trong quý 3 vừa rồi, các ngân hàng lớn đều có xu hướng tăng lên. Rất ít ngân hàng có nợ xấu giảm đi trên sổ sách, chưa nói đến nợ tiềm ẩn.
Thêm nữa, theo Thông tư của NHNN, năm 2021 mới hạch toán 30% nợ xấu bị ảnh hưởng bởi Covid-19, trích lập dự phòng, năm sau là 60%, năm sau nữa là 10%, như vậy trọng điểm sẽ là năm 2022 chịu tác động mạnh.