Agribank có gần 153.508 tỷ đồng nghĩa vụ nợ tiềm ẩn
Theo báo cáo tài chính riêng lẻ 6 tháng đầu năm 2021, ngân hàng Agribank ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan khi lợi nhuận trước và sau thuế tăng 40%, đạt hơn 9.464 tỷ đồng và 7.573 tỷ đồng. Có điều, lãi dự thu (nguồn lãi ảo) đang ở mức 11.998 tỷ đồng, cao hơn cả lợi nhuận của ngân hàng.
Tính đến 30/6/2021, tổng tài sản đạt hơn 1,6 triệu tỷ đồng, tăng 3,4% so với đầu năm và tăng 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, cho vay khách hàng đạt 1.232.051 tỷ đồng, tiếp tục dẫn đầu thị trường về thị phần tín dụng. Huy động khách hàng đạt 1.467.071 tỷ đồng, tăng 4,2%.
Tuy nhiên, con số đáng chú ý nhất chính là khoản nợ tiềm ẩn nằm ngoài bảng cân đối kế toán của Agribank bất ngờ nhảy vọt.
Cụ thể, tính đến cuối quý 2/2021, tổng nghĩa vụ nợ tiềm ẩn tại Agribank ghi nhận gần 153.508 tỷ đồng, tăng vọt 164% so với đầu năm, chiếm 12% tổng dư nợ. Tốc độ tăng trưởng nợ tiềm ẩn còn cao hơn cả lợi nhuận.
Trong đó, cam kết trong nghiệp vụ L/C tại Agribank ghi nhận 3.708 tỷ đồng (giảm 19% so với thời điểm đầu năm); các cam kết khác bất ngờ tăng 324% lên hơn 719 tỷ đồng;...
Đáng chú ý nhất là tiểu mục Cam kết giao dịch hối đoái ghi nhận 125.515 tỷ đồng, tăng vọt 331% so với thời điểm đầu năm là 29.099 tỷ đồng. Quan sát BCTC của Agribank những năm gần đây cho thấy giá trị tiểu khoản Cam kết giao dịch hối đoái của luôn tăng vọt một cách bất thường.
Nghĩa vụ nợ tiềm ẩn không được phản ánh trực tiếp trong bảng cân đối kế toán mà chỉ được ghi nhận ngoại bảng (off balance sheet). Các khoản nợ này được phát sinh khi ngân hàng và khách hàng ký các cam kết tín dụng, hạn mức thấu chi chưa sử dụng hoặc thư tín dụng...
Dù nằm ở ngoại bảng và chưa được coi là nợ xấu, nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài gần 2 năm qua đã khiến doanh nghiệp đang đối mặt nhiều khó khăn. Vì vậy, tương lai con số nợ tiềm ẩn này có thể sẽ gây nhiều rủi ro cho Agribank.
Đặc biệt, vì đây là khoản mục ngoại bảng nên thông tin chi tiết về bản chất và việc trích lập dự phòng đều không rõ ràng. Điều này càng khiến lo ngại tăng cao trong bối cảnh hiện nay là hoàn toàn có cơ sở.
Các nhóm nợ xấu tại Agribank 'thi nhau' lập đỉnh
Ngoài ra, nợ xấu tại Agribank hiện đang đứng đầu hệ thống ngân hàng với gần 24.429 tỷ đồng,tăng 13% so với đầu năm. Trong đó, nhóm nợ có cả khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) giảm 13% về mức 14.311 tỷ đồng nhưng nhóm nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) lại tăng 90% lên mức hớn 5.211 tỷ đồng và nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng vọt 102% lên gần 4.906 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của Agribank tăng nhẹ 1,78% hồi đầu năm lên 1,98%.
Đáng lưu ý, cũng tại thời điểm này, nợ cần chú ý tại Agribank (nợ nhóm 2 - với khoản vay quá hạn 10-90 ngày) tăng 24% lên hơn 37.147 tỷ đồng. Con số này còn lớn hơn cả 3 nhóm nợ trên cộng lại.
Nợ nhóm 3,4 và nợ quá hạn tăng mạnh có thể xuất phát từ việc các khách hàng của Agribank gặp khó khăn do dịch Covid-19 đã bắt đầu tăng lên đáng kể.
Liên quan đến dự phòng rủi ro cho khách hàng, tại thời điểm 30/6/2021, Agribank có trích lập gần 32.074 tỷ đồng. tăng 34% so với đầu năm. Trong đó, đáng chú ý, dự phòng cụ thể đạt gần 22.941 tỷ đồng, tương đương tăng 53%. Nó cho thấy, Agribank đã trích lập dự phòng rủi ro cụ thể khá mạnh. Nhưng trong kỳ, ngân hàng cũng đã dùng 4.457 tỷ đồng từ nguồn dự phòng để mạnh tay xử lý nợ xấu.
Có thể thấy, nửa đầu năm 2021, lợi nhuận tại Agribank đều tăng tưởng ấn tượng nhờ tăng thu từ dịch vụ, mạnh tay xử lý nợ xấu. Song, việc tăng tài sản, dư nợ tín dụng của Agribank vẫn chưa thực sự hiệu quả, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong tương lai khi nợ xấu còn quá cao và đặc biệt là khoản nợ ngoại bảng tiềm ẩn bất ngờ tăng nhanh.