Lợi nhuận tại MSB tăng 96%, các khoản chi phí tăng mạnh
Năm 2020, thu nhập lãi thuần của MSB đạt 4.822 tỷ đồng, tăng 57% so với năm 2019. Trừ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh lỗ thuần hơn 8,4 tỷ đồng và lãi thuần từ hoạt động khác giảm 8% so với năm 2019 thì lãi thuần từ các hoạt động ngoài lãi khác đều ghi nhận tăng trưởng.
Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 57% đạt hơn 820 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 74% đạt gần 270 tỷ đồng; lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng 273% đạt gần 561 tỷ đồng
Năm 2020, lợi nhuận trước thuế của MSB tăng 96% so với năm 2019, đạt hơn 2.523 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng 93% đạt 2.011 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, năm 2020 dù khoản chi phí dự phòng rủi ro và chi phí hoạt động tại MSB tăng đáng kể so với năm 2019 nhưng ngân hàng vẫn báo lãi tăng mạnh.
|
|
Chi phí hoạt động tại MSB tăng 43%. (Nguồn: BCTC kiểm toán hợp nhất năm 2020). |
Cụ thể, năm 2020 chi phí hoạt động tại MSB tăng 43%, ghi nhận gần 3.586 tỷ đồng. Trong đó, chi phí cho nhân viên tăng 44% so với năm 2019, ghi nhận 2.088 tỷ đồng; chi phí về tài sản tăng 5%, ghi nhận gần gần 492 tỷ đồng; chi phí cho hoạt động quản lý công vụ tăng nhẹ 4%, ghi nhận hơn 811 tỷ đồng; chi phí nộp phí bảo hiểm, bảo hiểm tiền gửi của khách hàng cũng tăng 11%.
Đáng chú ý, chi phí trích lập/(hoàn nhập) dự phòng rủi ro cho tài sản có khác tăng gần 54,6 tỷ đồng trong khi năm 2019 âm gần 339 tỷ đồng.
Ngoài ra, năm 2020, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tại MSB cũng tăng 16% so với năm 2019, ghi nhận hơn 1.073 tỷ đồng. Trong đó, trích lập dự phòng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành tăng 30% lên mức hơn 207 tỷ đồng.
|
|
Năm 2020, MSB trích hơn 1.073 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro. (Nguồn: BCTC kiểm toán hợp nhất năm 2020). |
Nợ phải trả tại MSB cao gấp 9,4 lần vốn chủ sở hữu
Tính đến 31/12/2020, nợ phải trả của MSB tăng 12% so với đầu năm, lên mức 159.823 tỷ đồng. Trong khoản nợ phải trả chủ yếu là khoản nợ tiền gửi của khách hàng ghi nhận 87.510 tỷ đồng. Bên cạnh đó, khoản nợ tiền gửi và vay các tổ chức tín dụng khác tại MSB cũng ghi nhận gần 56.026 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong khi nợ phải trả tăng 12% lên mức gần 159.823 tỷ đồng thì vốn chủ sở hữu của MSB chỉ vỏn vẹn gần 16.875 tỷ đồng. Như vậy, nợ phải trả tại MSB cao gấp 9,4 lần vốn chủ sở hữu.
Cuối năm 2020, dù MSB trích hơn 1.073 tỷ đồng dự phòng rủi ro nhưng tổng nợ xấu của ngân hàng này vẫn tăng 20% so với đầu năm, lên mức hơn 1.557 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tuy đã giảm 12% xuống còn gần 868 tỷ đồng nhưng nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) lại tăng vọt 95% lên mức gần 296 tỷ đồng và nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) cao gấp 2,3 lần năm 2019 lên mức 394 tỷ đồng.
|
|
Số dư nợ xấu tại MSB năm 2020 tăng 20% so với năm 2019.(Nguồn: BCTC kiểm toán hợp nhất năm 2020). |
Ngoài ra, chất lượng sử dụng nguồn tiền của MSB cũng kém “sáng”, ghi nhận dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong năm 2020 âm gần 6.221 tỷ đồng trong khi năm 2019 dương 2.918 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần trong năm cũng đang âm hơn 6.111 tỷ đồng trong khi năm trước dương hơn 2.935 tỷ đồng.
MSB dự kiến chia cổ tức ít nhất 15%
Về kế hoạch kinh doanh, năm 2021 MSB kỳ vọng tổng tài sản đạt 190.000 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2020. Vốn huy động tại thị trường I (từ tổ chức kinh tế và dân cư) và trái phiếu huy động vốn dự kiến đạt 114.105 tỷ đồng, tăng trưởng ở mức 15%.
Dư nợ tín dụng (bao gồm dư nợ cho vay tổ chức kinh tế, cá nhân, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) năm 2021 theo kế hoạch của HĐQT MSB là 106.208 tỷ đồng, tăng 25% so với mức dư nợ tín dụng của năm 2020.
Tỷ lệ nợ xấu dự kiến duy trì dưới 3%. Lợi nhuận trước thuế kỳ vọng thu về 3.280 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2020.
Đáng chú ý, MSB dự tính sẽ trả cổ tức tối thiểu 15% cho cổ đông sau khi được thông qua trong Đại hội cổ đông thường niên tháng 3-4 tới.
Tính đến ngày 22/2/2021, ngân hàng này có duy nhất 1 cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu trên 5% là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), nắm giữ gần 71,6 triệu cổ phiếu tương đương tỷ lệ 6,09%.
|
Hoàng Long/SHTT