CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán PDR) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2021 với doanh thu thuần giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ, đạt gần 538 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu đến từ doanh thu chuyển nhượng hàng hóa bất động sản giảm 65%, xuống còn 3,4 tỷ đồng và doanh thu chuyển nhượng đất nền giảm 55%, chỉ còn 242 tỷ đồng.
Kinh doanh dưới giá vốn nên lãi gộp tăng mạnh 90% đạt gần 406 tỷ đồng. Trong kỳ, các khoản chi phí đều được ghi nhận giảm. Sau khi khấu trừ các khoản chi phí, PDR báo lãi sau thuế quý 2/2021 tăng 108% so với cùng kỳ, đạt gần 251 tỷ đồng.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, PDR ghi nhận doanh thu thuần giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ, ở mức gần 1.124 tỷ đồng và lãi sau thuế tăng 80% đạt 502 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh khả quan song hoạt động tài chính tại PDR cũng ghi nhận biến động lớn.
Tính đến cuối quý 2/2021, tổng tài sản tăng 20% so với đầu năm, đạt hơn 18.717 tỷ đồng. Tổng tài sản tăng đến từ tiền và các khoản tương đương tiền cao gấp 5,6 lần đầu năm, đạt gần 297 tỷ đồng; đầu tư tài chính ngắn hạn tăng, …
Tại thời điểm 30/6/2021, hàng tồn kho tại PDR tăng 29% lên mức gần 12.017 tỷ đồng, chiếm tới 64% tổng tài sản. Trong đó, chủ yếu hàng tồn kho là bất động sản.
Theo phần thuyết minh báo cáo tài chính, hàng tồn kho chủ yếu tập trung ở một số dự án như The EverRich 2 (gần 3.604 tỷ đồng), dự án Khu du lịch Bến Thành - Long Hải (1.988 tỷ đồng), dự án Bình Dương Tower (gần 1.596 tỷ đồng), dự án Khu đô thị Sinh thái Nhơn Hội (1.173 tỷ đồng), dự án Phước Hải (1.372 tỷ đồng), dự án The EverRich 3 (876,6 tỷ đồng),…
Được biết, dự án như The EverRich 2 và dự án The EverRich 3 đã được PDR thế chấp cho VPBank để bảo lãnh cho các khoản vay của đối tác kinh doanh của nhóm công ty. Vào ngày kết thúc kỳ kế toán, công ty đang trong quá trình hoàn thiện các yêu cầu theo quy định của Nhà nước để chuyển nhượng nốt phần còn lại của dự án đã ký kết với Công ty TNHH Đầu tư Big Gain và Công ty TNHH Dynamic Innovation.
Sau khi các thủ tục pháp lý hoàn tất theo quy định của pháp luật, khoản tiền này sẽ được ghi nhận vào doanh thu, đồng thời các Dự án The EveRich 2 và The EverRich 3 cũng không còn nằm trong cơ cấu hàng tồn kho cũng như nợ phải trả của PDR.
Công bằng mà nói, hàng tồn kho không phải là xấu, bởi đây là khoản mục mà hầu như công ty nào cũng phải có trong quá trình sản xuất kinh doanh. Đối với ngành bất động sản, việc sở hữu quỹ đất lớn (được ghi nhận hàng tồn kho) đôi khi lại là lợi thế, thậm chí còn được sử dụng để đặt lên bàn cân khi so sánh với những doanh nghiệp cùng ngành.
Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia, tỷ trọng hàng tồn kho lớn luôn là mối quan ngại ít nhiều với nhà đầu tư, do tính chất tồn lâu, chôn vốn, chi phí phát sinh thêm của nó hay nói cách khác, nếu để tồn hàng tồn kho quá lâu thì sẽ làm ảnh hưởng không tốt tới quá trình kinh doanh do doanh nghiệp sẽ phải tốn chi phí trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho do giá trị hiện tại giảm mạnh so với giá gốc ban đầu khiến cho lợi nhuận sụt giảm.
Ngoài ra, các khoản phải thu ngắn hạn tại PDR tính đến 30/6/2021 tăng 47% so với đầu năm, lên mức 2.228 tỷ đồng. Trong đó, phải thu ngắn hạn của khách hàng tăng vọt 115%, ghi nhận hơn 365 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn khác cũng cao gấp 4 lần so với đầu năm, lên mức 1.119 tỷ đồng.
Về khối nợ tại PDR, tính đến 30/6/2021, nợ phải trả đã tăng 12% lên mức hơn 11.647 tỷ đồng, chiếm 62% tổng tài sản và gấp 1,6 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ ngắn hạn ghi nhận hơn 5.202 tỷ đồng, tăng 19%; nợ dài hạn cũng tăng 7%, lên mức hơn 6.445 tỷ đồng.
Việc nợ phải trả/tổng tài sản trên 50% đồng nghĩa với việc PDR đang phải dựa vào nguồn vốn vay để duy trì hoạt động. Hơn nữa, nợ phải trả cao gấp 1,6 lần vốn chủ sở hữu có nghĩa là tài sản của PDR được tài trợ chủ yếu bởi nợ. Về nguyên tắc, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu càng lớn thì khả năng gặp khó khăn trong việc trả nợ hoặc phá sản của doanh nghiệp càng lớn.
Đáng lưu ý, tại thời điểm 30/6/2021, nợ dài hạn tại PDR lớn gấp 1,6 lần tài sản dài hạn (4.098 tỷ đồng).
Thông thường, nếu phần tài sản dài hạn nhỏ hơn nợ dài hạn chứng tỏ một phần nợ dài hạn đã chuyển vào tài trợ tài sản ngắn hạn. Hiện tượng này vừa làm lãng phí chi phí lãi vay nợ dài hạn vừa thể hiện sử dụng sai mục đích nợ dài hạn. Điều này có thể dẫn đến lợi nhuận kinh doanh giảm hoặc xảy ra những rối loạn tài chính doanh nghiệp.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, tổng dư nợ đi vay tại PDR hơn 1.381 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Trong đó, nợ vay ngắn hạn có xu hướng giảm nhưng nợ vay dài hạn lại tăng từ 485 tỷ đồng hồi đầu năm lên 898 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, tính đến cuối quý 2/2021, PDR có hơn 1.029 tỷ đồng nợ đi vay qua hình thức phát hành trái phiếu.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 20/7/2021, cổ phiếu PDR dừng ở mức 89.800 đồng/cp, tăng 2,3% so với phiên trước đó. Tuy nhiên, thị giá cổ phiếu PDR đã giảm 6% so với thời điểm cuối tháng 6/2021