BIDV là ngân hàng lãi nhiều nhất từ kinh doanh chứng khoán
Thống kê từ báo cáo tài chính của 29 ngân hàng trong nước, tổng lãi thuần từ hoạt động kinh doanh chứng khoán (gồm chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư) trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt hơn 8.100 tỉ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kì 2019.
BIDV là ngân hàng lãi nhiều nhất từ mảng này trong nửa đầu năm với 1.089 tỉ đồng. Tăng trưởng lãi thuần từ hoạt động kinh doanh chứng khoán của BIDV gây ấn tượng khi cùng kì năm ngoái ngân hàng này lỗ hơn 177 tỉ đồng. Trong đó, lãi thuần từ chứng khoán đầu tư chuyển từ lỗ gần 264 tỉ đồng sang lãi 669 tỉ đồng; chứng khoán kinh doanh cũng ghi nhận mức lãi thuần gấp gần 5 lần cùng kì năm trước.
Đứng ngay sau BIDV, Techcombank cũng thu về 958 tỉ đồng từ hoạt động kinh doanh chứng khoán trong nửa đầu năm, gấp 3,2 lần cùng kì 2019. Trong đó, phần lớn đến từ chứng khoán đầu tư với hơn 792 tỉ đồng, gấp 5 lần.
|
|
Nguồn: Quốc Thuỵ tổng hợp. |
Tương tự, mảng kinh doanh chứng khoán mang về cho VPBank khoản lãi 851 tỉ đồng, gấp 2,6 lần năm 2019, với nguồn thu chủ yếu đến từ chứng khoán đầu tư (617 tỉ đồng).
Hay như OCB ghi nhận khoản lãi 797 tỉ đồng từ chứng khoán đầu tư và gần 8 tỉ đồng từ chứng khoán kinh doanh trong nửa đầu đầu năm. Tổng cộng, mảng kinh doanh chứng khoán mang về cho nhà băng này gần 805 tỉ đồng, tăng trưởng 90%.
VietinBank cũng góp mặt trong Top 10 ngân hàng lãi lớn nhất từ kinh doanh chứng khoán nhờ sự khởi sắc của chứng khoán đầu tư khi mảng này chuyển từ lỗ 243 tỉ đồng trong nửa đầu năm 2019 sang lãi hơn 135 tỉ đồng. Ngoài ra, mảng chứng khoán kinh doanh cũng ghi nhận mức lãi thuần hơn 389 tỉ đồng, gấp gần 3 lần năm trước.
Lãi từ kinh doanh chứng khoán tăng theo cấp số nhân
Trong 29 ngân hàng khảo sát, có tới 21 ngân hàng ghi nhận tăng trưởng lãi thuần từ kinh doanh chứng khoán nửa đầu năm. Trong đó, nhiều nhà băng có mức tăng trưởng hàng chục lần so với cùng kì năm trước, thậm chí chuyển từ lỗ sang lãi lớn.
Điển hình như ACB, lãi thuần đạt 748 tỉ đồng, gấp gần 54 lần cùng kì năm 2019 hay VietBank, VietABank, Kienlongbank, NCB đều ghi nhận mức tăng gấp 5 - 7 tăng cùng kì năm trước. Trong khi, BIDV, VietinBank, VIB, BacABank,... chuyển từ lỗ sang lãi hàng chục, trăm tỉ đồng.
Lãi thuần tăng trưởng mạnh giúp cho tỉ trọng đóng góp của mảng kinh doanh này trong tổng thu nhập hoạt động tăng từ 1,5% vào 6 tháng đầu năm 2019 lên 4,1% trong nửa đầu năm nay. Trong đó, một số ngân hàng có tỉ trọng đóng góp rất cao như BIDV (9,2%), Techcombank (9,1%), VPBank ( 6,9%), ACB (9,4%), MB (7,4%).
Lãi thuần từ kinh doanh chứng khoán các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2020
|
|
Nguồn: Quốc Thụy tổng hợp. |
Chứng khoán đầu tư là động lực tăng trưởng chính
Có thể nhận thấy phần lớn lãi thuần từ hoạt động kinh doanh chứng khoán đến từ mảng chứng khoán đầu tư. Trong 6 tháng đầu năm, lãi thuần từ chứng khoán đầu tư của 29 ngân hàng được thống kê đạt hơn 6.000 tỉ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kì năm trước và chiếm 3% tổng thu nhập hoạt động, so với mức gần 1,1% của 6 tháng năm 2019.
Theo qui định ngân hàng chứng khoán đầu tư là các loại giấy tờ có giá có rủi ro thấp và thanh khoản cao. Trong đó, trái phiếu (đặc biệt là trái phiếu chính phủ) thường chiếm tỉ trọng lớn nhất trong bộ phận này.
Khi nắm giữ chứng khoán đầu tư, ngân hàng kì vọng nhận được hai nguồn thu nhập bao gồm các khoản lãi định kì (lãi coupon) và lãi từ chênh lệch giá mua và giá bán. Trong đó, các khoản lãi coupon nhận định kì sẽ được hạch toán trực tiếp vào thu nhập lãi thuần, còn lãi từ chênh lệch giá mua - bán sẽ được hạch toán vào lãi thuần từ chứng khoán đầu tư theo khoản mục thu nhập và chi phí mua bán chứng khoán đầu tư.
Mặt khác, những tháng đầu năm, lợi suất trái phiếu chính phủ cũng như trái phiếu doanh nghiệp liên tục sụt giảm mạnh trên thị trường thứ cấp, khiến giá trái phiếu tăng cao giúp các ngân hàng thu được các khoản lãi lớn từ chênh lệch giá (giá trái phiếu tương quan nghịch với lợi suất); đồng thời giảm thiểu các khoản dự phòng giảm giá rủi ro chứng khoán đầu tư.
Số liệu từ báo cáo quí II cho thấy, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư trong nửa đầu năm của BIDV là gần 880 tỉ đồng, gấp hơn 4,5 lần cùng kì 2019. Trong khi dự phòng rủi ro cho loại tài sản này giảm hơn một nửa, xuống gần 210 tỉ đồng.
Tương tự, kinh doanh chênh lệch giá chứng khoán đầu tư cũng giúp Techcombank thu về hơn 800 tỉ đồng, gấp 2,8 lần cùng kì. Đồng thời, dự phòng cho chứng khoán đầu tư giảm 88%.
VPBank cũng ghi nhận khoản lãi 876 tỉ đồng từ mua bán chứng khoán đầu tư, gấp hơn 4 lần; trong khi, ACB lãi 712 tỉ đồng, gấp gần 30 lần cùng kì 2019.