Quý 1/2021, thu nhập lãi thuần tại Vietcombank chỉ tăng 12% so với cùng kỳ, đạt gần 10.082 tỷ đồng. Trong khi hoạt động chính tăng trưởng thấp thì lãi thuần từ hoạt động dịch vụ gấp 3 lần, đạt gần 3.438 tỷ đồng. Lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh báo lãi gần 81 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 54 tỷ đồng.
Ngược lại, hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm 6% xuống còn 1.042 tỷ đồng; hoạt động khác giảm 3%, còn 1.012 tỷ đồng.
Trong quý 1/2021, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tại Vietcombank chỉ tăng 6% so với cùng kỳ 2020, ghi nhận gần 2.275 tỷ đồng. Chi phí hoạt động trong kỳ cũng giảm nhẹ 3% xuống còn 4.779 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận trước thuế tại Vietcombank đạt hơn 8.631 tỷ đồng; lãi sau thuế đạt hơn 6.907 tỷ đồng, đều tăng trưởng 65% so với cùng kỳ 2020.
|
|
Kết quả kinh doanh quý 1/2021 tại Vietcombank ( Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2021) |
Vì ‘nhẹ tay’ trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, tính đến 31/3/2021, tổng nợ xấu tại Vietcombank đã tăng lên 47% so với đầu năm, ghi nhận hơn 7.697 tỷ đồng. Trong đó, tăng mạnh nhất là nợ nghi ngờ, gấp gần 9 lần so với đầu năm, ghi nhận 1.935 tỷ đồng; nợ dưới tiêu chuẩn cũng tăng vọt 96%, lên mức gần 1.312 tỷ đồng; nợ có khả năng mất vốn tại Vietcombank tăng nhẹ 3% lên mức 4.450 tỷ đồng. Kết quả, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay từ 0,62% hồi đầu năm lên 0,88%.
Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng là một trong những phương án mà các ngân hàng dùng để xử lý nợ xấu. Năm 2020, nhiều nhà băng đã chủ động hy sinh bớt lợi nhuận, tăng trích lập dự phòng rủi ro để giảm nợ xấu.
Do đó, kết thúc năm 2020, Vietcombank đã trích lập 9.917 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro, con số này tăng 46% so với năm 2019. Cũng vì vậy, lãi trước và sau thuế cả năm 2020 tại nhà băng này đi ngang, ghi nhận 22.526 tỷ đồng và 18.043 tỷ đồng. Tuy lợi nhuận đi ngang nhưng tính đến 31/12/2020, tỷ lệ nợ xấu tại Vietcombank gây bất ngờ khi giảm từ 0,79% đầu năm xuống còn 0,62%.
|
|
Đáng chú ý, tính đến 31/3/2021, lãi dự thu tại Vietcombank (nguồn lãi ảo) tăng 17% so với đầu năm, lên mức gần 8.422 tỷ đồng. |
Tổng tài sản cũng giảm nhẹ 4% xuống còn hơn 1,3 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt tại Vietcombank giảm 19%, xuống còn gần 12.278 tỷ đồng; tiền gửi tại NHNN giảm 28% xuống còn 24.008 tỷ đồng. Đặc biệt, cho vay khách hàng tại Vietcombank cũng chỉ tăng 4%, đạt gần 871.938 tỷ đồng (trong kỳ, Vietcombank đã trích lập dự phòng rủi ro cho vay khách hàng hơn 21.477 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm);...
Liên quan đến nguồn vốn kinh doanh tại Vietcombank, tính đến cuối tháng 3/2021, các khoản nợ Chính phủ và NHNN giảm 55% xuống còn 18.538 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng cũng giảm nhẹ 1%, ghi nhận hơn 1 triệu tỷ đồng. Tiền gửi và vay các tổ chức tín dụng khác giảm 22%, xuống còn hơn 80.758 tỷ đồng.
Tính đến 31/3/2021, nợ phải trả tại Vietcombank ở mức hơn 1,1 triệu tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu chỉ có 101.007 tỷ đồng. Như vậy, nợ phải trả tại Vietcombank gấp 11,6 lần vốn chủ sở hữu.
Về dòng tiền, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ tại Vietcombank hiện đang âm hơn 57.651 tỷ đồng, con số này đã giảm so với cùng kỳ 2020 âm tới 85.493 tỷ đồng. Trong đó, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh vẫn âm hơn 56.849 tỷ đồng; dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm hơn 54 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước chỉ âm hơn 33 tỷ đồng.
Năm 2021, ngân hàng đưa ra một số chỉ tiêu như tổng tài sản tăng 6%; huy động vốn thị trường tăng 8%; tín dụng tăng 12%; tỷ lệ nợ xấu dưới 1% và lợi nhuận trước thuế hợp nhất gần 25.686 tỷ đồng.
Như vậy, nếu so với kế hoạch lãi trước thuế hợp nhất gần 25.686 tỷ đồng được đề ra, Vietcombank đã thực hiện được gần 34% chỉ tiêu sau quý đầu năm.
Hà Phương