Căn cứ Điều 55 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017, các cổ đông cá nhân không được sở hữu vượt quá 5%, với tổ chức không vượt quá 15%. Đồng thời, đảm bảo tổng sở hữu của cổ đông và nhóm cổ đông liên quan không vượt quá 20% vốn ngân hàng.
Để đảm bảo quy định trên, các cổ đông lớn của ngân hàng đã bán bớt cổ phần, hoặc “xé” nhỏ số cổ phần, chuyển nhượng lại cho 'người thân' hoặc tổ chức không thuộc diện 'bên liên quan' nắm giữ.
Bởi vậy, sẽ rất khó xác định tổng sở hữu thực sự của cổ đông lớn nếu họ sang tên cổ phần cho những 'người thân'. Hoặc cổ đông tổ chức nắm sở hữu lớn nhưng lại không còn là bên liên quan của Chủ tịch, Phó Chủ tịch ngân hàng…
Theo báo cáo quản trị nửa đầu năm 2021 của nhiều ngân hàng cho thấy, tỷ lệ sở hữu củachủ tịch các nhà băng khá trái chiều. Một số ngân hàng hiện ghi nhận tỷ lệ sở hữu của chủ tịch HĐQT và 'người thân', công ty có liên quan dao động trong khoảng 10%-20% vốn. Tuy nhiên, có ngân hàng chỉ chiếm tỷ lệ sở hữu dưới 5% vốn. Thậm chí, có chủ tịch ngân hàng không nắm giữ cổ phần nào nhưng 'người thân' và công ty liên quan nắm giữ lượng cổ phần khá lớn.
Chủ tịch ngân hàng và 'người thân' đang sở hữu bao nhiêu vốn?
Đơn cử tại ngân hàng Techcombank (TCB), cá nhân Chủ tịch Hồ Tùng Anh chỉ sở hữu 39,3 triệu cổ phiếu TCB (1,12% vốn). Tuy nhiên, người thân trong gia đình ông Hùng Anh lại sở hữu tới 578 triệu cổ phiếu TCB (gần 16% vốn ngân hàng). Bao gồm mẹ ruột và vợ sở hữu 4,96%; em dâu sở hữu 1,98% và 2 người con sở hữu hơn 4,57% vốn ngân hàng.
Tổng lượng cổ phiếu TCB do ông Hồ Hùng Anh và người thân nắm giữ vào khoảng 617 triệu đơn vị, chiếm trên 17,6% vốn ngân hàng. Giá trị thị trường của khối cổ phiếu này cũng vào khoảng 31.200 tỷ đồng, tương đương 1,36 tỷ USD.
Tại ngân hàng OCB, Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Tuấn sở hữu hơn 48 triệu cổ phiếu OCB (4,43% vốn). Trong khi đó, vợ ông Trịnh Văn Tuấn sở hữu hơn 35 triệu cổ phiếu OCB (3,21% vốn); em trai ông Tuấn cũng giữ 0,03% vốn ngân hàng; Đáng chú ý, cả ba người con gái của ông Tuấn sở hữu hơn 120 triệu cổ phiếu OCB, chiếm 10,96% vốn ngân hàng.
Ngoài ra, Công ty TNHH đầu tư TQA do vợ và con gái ông Tuấn làm thành viên HĐTV cũng chiếm hơn 12,4 triệu cổ phiếu OCB (1,13% vốn). Như vậy, tỷ lệ sở hữu của chủ tịch ngân hàng OCB và người thân đạt 19,76% vốn ngân hàng.
Hay tại ngân hàng VIB, chủ tịch Đặng Khắc Vỹ sở hữu hơn 55,3 triệu cổ phiếu VIB , tương đương gần 5% vốn nhà băng. Người thân ông Vỹ gồm vợ, con trai và chị dâu đang sở hữu hơn 111 triệu cổ phiếu VIB, chiếm 10% vốn của ngân hàng. Tổng lượng cổ phiếu VIB do ông Đặng Khắc Vỹ và người thân nắm giữ vào khoảng 166 triệu đơn vị, chiếm 15% vốn ngân hàng.
Ngoài ra, chủ tịch ngân hàng Nam A Bank - ông Nguyễn Quốc Toàn và người nhà nắm giữ khoảng 74,7 triệu cổ phiếu NAB (16,4% vốn ngân hàng); chủ tịch ngân hàng SHB - ông Đỗ Quang Hiển và người thân cùng công ty liên quan sở hữu hơn 384 triệu cổ phiếu SHB, chiếm tới gần 20% vốn ngân hàng;...
Hiện nhiều ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân chỉ ghi nhận tỷ lệ sở hữu của các chủ tịch HĐQT và người thân đạt dưới 5% vốn ngân hàng.
Chẳng hạn như tại ACB, chủ tịch Trần Hùng Huy sở hữu hơn 74 triệu cổ phiếu ACB, tương đương 3,43% vốn ngân hàng; mẹ ruột sở hữu 1,19% vốn. Tổng lượng cổ phiếu ACB của chủ tịch và người thân nắm giữ khoảng gần 100 triệu đơn vị, chiếm 4,62% vốn ngân hàng.
Tương tự, tại ngân hàng MBBank, chủ tịch Lê Hữu Đức chỉ sở hữu 0,02% vốn ngân hàng, con rể cũng chỉ sở hữu 0,03%. Tổng lượng cổ phiếu MBB do ông Lê Hữu Đức và người thân nắm giữ chỉ khoảng 1,5 triệu đơn vị, chỉ chiếm 0,05% vốn ngân hàng.
Tại ngân hàng MSB, chủ tịch Trần Anh Tuấn chỉ giữ khoảng 2 triệu cổ phiếu MSB, tương đương 0,2% vốn; con trai và anh trai của ông Trần Anh Tuấn sở hữu hơn 0,46% vốn ngân hàng. Như vậy, tổng lượng cổ phiếu MSB do chủ tịch và người thân nắm giữ chỉ khoảng 7,5 triệu đơn vị, chiếm 0,66% vốn ngân hàng.
Hay tại ngân hàng Sacombank, chủ tịch Dương Công Minh hiện chỉ sở hữu hơn 62 triệu cổ phiếu STB (3,31% vốn) và em gái sở hữu 11,8 triệu cổ phiếu STB (0,62% vốn). Tổng lượng cổ phiếu STB hơn 74,4 triệu đơn vị, chiếm 3,93% vốn ngân hàng.
Chủ tịch ngân hàng 'làm thuê'?
Tại Saigonbank, chủ tịch HĐQT Vũ Quang Lãm không nắm cổ phần nào của Ngân hàng. Trong khi đó, 4 cổ đông lớn của Saigonbank bao gồm Văn phòng Thành ủy TPHCM nắm 18,19% vốn (56,01 triệu cổ phiếu), Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận nắm giữ 16,64% (51,25 triệu cổ phiếu), Công ty TNHH MTV Dầu khí Thành phố Hồ Chí Minh sở hữu 14,08% vốn (43,37 triệu cổ phiếu) và Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hòa chiếm 16,35% vốn (50,36 triệu cổ phiếu).
Đáng chú ý tại Eximbank, chủ tịch ông Yasuhiro Saitoh không nắm giữ bất kỳ cổ phần nào của ngân hàng. Trong khi đó, bà Lương thị Cẩm Tú - Thành viên HĐQT nắm giữ gần 14 triệu cổ phiếu EIB (1,1% vốn ngân hàng).
Điển hình tại TPBank, cá nhân chủ tịch Đỗ Minh Phú hiện không nắm cổ phần nào của ngân hàng. Tuy nhiên, người thân và công ty liên quan tới chủ tịch Đỗ Minh Phú lại đang sở hữu hơn 127 triệu cổ phiếu TPB, tương đương 11,86% vốn ngân hàng.
Cụ thể, con trai Đỗ Minh Đức đang nắm khoảng 13 triệu cổ phiếu TPB (1,22% vốn); em trai là ông Đỗ Anh Tú - phó chủ tịch nắm giữ 43,4 triệu cổ phiếu TPB (4% vốn); em dâu giữ 0,1% vốn và CTCP Tập đoàn vàng bạc Đá quý Doji do ông Đỗ Minh Phú đại diện góp vốn của Doji nắm giữ hơn 69 triệu cổ phiếu TPB, tương đương 6,5% vốn ngân hàng.
Có thể thấy, chủ tịch HĐQT thường là người đại diện theo pháp luật, song, Chủ tịch cũng chưa hẳn đã là người nắm giữ nhiều vốn nhất.
Pháp luật hiện hành chỉ quy định Chủ tịch HĐQT do HĐQT bầu ra, nhưng không quy định đó phải là người sở hữu cổ phần ngân hàng nhiều nhất. Bởi vậy, chủ sở hữu nhà băng tại Việt Nam rất đa dạng, nhiều “ông chủ” thực sự không xuất hiện với tư cách người lãnh đạo cao nhất ngân hàng.
Hà Phương