Ngân hàng và chiến lược chuyển đổi số
Cập nhật lúc 08:30, Thứ hai, 14/12/2020 (GMT+7)
Chuyển đổi số là xu hướng không thể bỏ qua của các doanh nghiệp. Theo khẳng định của TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, doanh nghiệp cần đầu tư nghiêm túc cho công nghệ nếu muốn có lợi thế để phát triển trong tương lai.
|
|
Xu hướng của người tiêu dùng hiện nay là thanh toán qua thẻ và mua sắm trực tuyến. Ảnh: Quang Vinh. |
Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, xu hướng người tiêu dùng chuyển sang mua sắm, tiêu dùng trực tuyến đã không còn là dự đoán mà đang trở thành một thực tế. Đáng chú ý, việc áp dụng phương thức thanh toán không tiền mặt đang dần phổ biến hơn vì người dùng ưu tiên cho sự nhanh chóng, tự do và giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp.
Nắm bắt được nhu cầu này, chuyển đổi số đang diễn ra rất mạnh mẽ trong lĩnh vực ngân hàng, không chỉ thay đổi quy trình, sản phẩm ngân hàng, mà còn tăng trải nghiệm của khách hàng. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, hiện khoảng 94% ngân hàng đã bước đầu triển khai hoặc xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Trong đó, khoảng 59% đang áp dụng chuyển đổi thông qua các nền tảng tự phát triển hoặc bắt tay với một số công ty fintech.
Fintech (công nghệ trong tài chính) đang mang lại cơ hội hợp tác kinh doanh với ngân hàng thương mại, thúc đẩy phát triển đa kênh, sản phẩm và dịch vụ tài chính cung ứng cho khách hàng.
Theo TS Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN), Fintech xuất hiện đã mang lại nhiều sự thay đổi. Trước hết là thay đổi lớn về hành vi người tiêu dùng tài chính. Khách hàng được hưởng nhiều tiện ích hơn từ dịch vụ tài chính, kể cả tư vấn. Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cho rằng, về công nghệ, các ngân hàng Việt Nam không thua kém các nước trên thế giới. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất để các ngân hàng dám ứng dụng các sáng tạo số vào dịch vụ, sản phẩm là cơ chế cho phép hay chưa.
Trải qua một thời gian ngắn, hiện trên thị trường có khoảng 160 công ty Fintech, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thanh toán điện tử, ngân hàng số. Công nghệ tài chính sẽ tăng cơ hội giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, nhưng bên cạnh cơ hội cũng đặt ra những thách thức về bảo mật thông tin, rửa tiền…
Theo TS Cấn Văn Lực, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển Fintech. Tuy nhiên cũng đặt ra vấn đề rủi ro, thách thức trong phát triển loại hình này. Cụ thể, cơ chế, chính sách hay thay đổi, thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán; quy định về hoạt động Fintech chưa được ban hành; các tiêu chuẩn, chuẩn mực chung còn thiếu; cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu mới manh nha; văn hóa giấy tờ, thói quen dùng tiền mặt còn nặng nề; văn hóa chấp nhận thất bại rất hạn chế.
Đáng chú ý, theo ông Lực vấn đề rủi ro lớn nhất đối với người tiêu dùng như mất tiền, bảo mật thông tin. Nhiều người lo không biết thông tin của mình chia sẻ như vậy có được bảo mật hay không.
“Nếu người tiêu dùng mất tiền, trách nhiệm thuộc về ai? Hiện nay chưa có quy định rõ ràng về vấn đề này. Khi người tiêu dùng mất tiền nó sẽ khiến niềm tin của người tiêu dùng vào Fintech bị lung lay. Đó cũng chính là rủi ro đối với các công ty Fintech”- TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng cần quan tâm xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý hoạt động Fintech theo cách tiếp cận: Mở nhưng kiểm soát được rủi ro; ban hành các tiêu chuẩn, chuẩn mực chung; có cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu ở các cấp độ khác nhau.
Theo Đại đoàn kết
Nguồn Link bài gốchttp://daidoanket.vn/ngan-hang-va-chien-luoc-chuyen-doi-so-546466.html