Lợi nhuận trước thuế tăng 71% so với năm trước, đạt 3.868 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ thuận với mức tăng lợi nhuận là mức tăng khá cao của nợ xấu.
Kinh doanh tốt…

Sau hơn 10 năm hoạt động, từ một ngân hàng non yếu, kinh doanh thua lỗ đến mòn hết vốn, TPBank đã dần khẳng định được vị thế của mình, kể từ khi xuất hiện cổ đông mới là công ty cp tập đoàn vàng bạc đá quý Doji. Sau quá trình tái cấu trúc, mọi chỉ tiêu tài chính của ngân hàng này tăng trưởng đều, với nhiều kết quả ấn tượng.

Về mạng lưới giao dịch, TPBank không mạnh bằng các ngân hàng khác cùng quy mô, nếu không nói là còn khá khiêm tốn về số lượng các điểm giao dịch. Lý do vì TPBank chú trọng phát triển ngân hàng điện tử để phục vụ khách hàng bình dân.

Đồng thời, lãnh đạo TPBank cũng chủ động chọn khai thác phân khúc nhóm khách hàng “đại gia” có tổng tài sản từ 5 triệu USD trở lên (trên 100 tỷ đồng). “Phân khúc này số lượng khách hàng không nhiều nhưng lợi nhuận và doanh số cao” - chủ tịch HĐQT của TPBank giải thích. Điều này được "chứng thực" một phần bằng kết quả tổng thu nhập lãi thuần của ngân hàng này tăng dần đều trong các năm gần đây.

Cùng với đó, các chỉ số sinh lời và tỷ lệ tăng trưởng của TPBank cũng liên tục tăng trong nhiều năm qua. So với năm 2018, tổng tài sản của TPBank trong năm 2019 tăng 21%; vốn chủ sở hữu tăng 23%; thu nhập lãi thuần tăng 28%... Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng năm 2019 của TPBank là 24%, cao hơn nhiều so với một số ngân hàng có cùng quy mô như SeAbank (17,5%), Pvcombank (18%)...

Hầu như không có chỉ số nào trong hoạt động kinh doanh của TPBank giảm, cả kể nợ xấu cũng tăng cao hơn 43% so với năm trước, lên đến 1.235 tỷ đồng.

Khoản thu nhập khác, bao gồm 900 tỷ đồng nhận được từ Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Sun Life đã đóng góp không ít cho lợi nhuận của ngân hàng này.

Ẩn nợ xấu?

Theo báo cáo tài chính có kiểm toán năm 2019 của TPBank, mục Tài sản có khác ghi nhận giá trị 11.879 tỷ đồng, chiếm 7,2% tổng tài sản của ngân hàng. Điểm đáng chú ý ở đây là có khoản Phải thu từ dịch vụ thư tín dụng trả chậm (Deferred L/C) hơn 3.125 tỷ đồng.

Về lý thuyết, theo Quyết định 479/2004/QĐ-NHNN, các khoản cam kết trong nghiệp vụ L/C trả chậm phải được hạch toán ngoại bảng, cụ thể là Tài khoản 9215. Theo báo cáo, khoản này được ghi nhận là 1.761 tỷ đồng.

Phần liên quan đến L/C trả chậm sẽ được hạch toán vào nội bảng chỉ có thể là số tiền ký quỹ, thế chấp, cầm cố của khách hàng, trong Tài khoản 4272 - Tiền gửi để mở Thư tín dụng (L/C). Phần này được ghi nhận trong báo cáo là hơn 10 tỷ đồng.

Trong khi đó, không hiểu hơn 3.125 tỷ đồng phải thu từ dịch vụ L/C trả chậm kia, TPBank đã hạch toán ở tài khoản nội bảng nào? Rõ ràng, khoản này không thể được hạch toán ngoại bảng, vì đây là khoản tiền mà ngân hàng đã ứng trả cho khách hàng là đơn vị nhập khẩu. Và vì lý do nào đó, khách hàng chưa thể trả cho TPBank đúng kỳ hạn. Số tiền này tương đương với khoản nợ quá hạn được quy định trong Khoản 4 – Điều 10 của Thông tư 02/2013/TT-NHNN về Phân loại cam kết ngoại bảng và khoản trả thay theo cam kết ngoại bảng. Điều này đặt ra nghi vấn, 3.125 tỷ đồng này chính là nợ xấu mà ngân hàng đã ẩn đi bằng cách đưa vào khoản Phải thu khác.

Chưa hết, trong khoản phải thu khác còn 5.298 tỷ đồng từ Hợp đồng bán nợ cho các công ty mua bán nợ được cấp phép, mà TPBank vẫn chưa thu về được.

Đặt giả thiết, tình huống bán nợ này có nguyên nhân đến từ phía khách hàng, do họ muốn chuyển khoản vay của mình sang một ngân hàng khác phù hợp hơn bằng đường vòng, thông qua việc mua bán nợ. Nhưng khả năng này khó xảy ra, bởi hầu như không có ngân hàng hay công ty mua bán nợ nào dám liều mình mua lại khối nợ tới hơn 5 nghìn tỷ đồng.

Mặc dù không có diễn giải về công ty nào đã mua lại nợ và khoản nợ này đến từ khách hàng, doanh nghiệp nào. Nhưng, như trên đã giải thích, không có ngân hàng nào tự dưng bán nợ tốt của mình đi. Nên cũng có thể hiểu, đây có thể chính là số nợ xấu mà TPBank đã chọn "phương án" bán đứt cho một hoặc vài công ty mua bán nợ. Và là... bán chịu. Vì chỉ có bán chịu, đương nhiên số tiền chưa được thu này mới thể hiện tại khoản Phải thu khác trong Tài sản có khác, thay vì hạch toán trong nợ xấu nội bảng.

Bằng “bút toán” của mình, TPBank không chỉ làm giảm bớt nợ xấu khổng lồ trong báo cáo, mà còn làm đẹp hơn chỉ số tăng trưởng tổng tài sản với con số gần 9.000 tỷ đồng? Đó hiện vẫn là câu hỏi cần làm rõ trong báo cáo tài chính của TPBank. Thông tin bổ sung, báo cáo này cho biết, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ (NPL) chỉ chiếm 1,3%, là con số chấp nhận được, dù những khoản nợ trong các nhóm dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ và có khả năng mất vốn tăng nhiều so với năm trước.

Dù TPBank chủ trương cơ cấu lại nợ, giãn nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN để giảm nợ xấu. Nhưng cần nhấn mạnh rằng, đây chỉ là biện pháp tạm thời để giảm nợ xấu trong ngắn hạn. Nợ xấu bị nén lại và che giấu, chứ không được dọn dẹp thực chất sẽ giống hiểm họa tiềm tàng với hoạt động ngân hàng. Trong năm 2020, dịch bệnh Covid-19 hoành hành, nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, tỷ lệ nợ xấu trong năm tới và những năm sau đó có khả năng sẽ tăng cao hơn. Khi ấy, ban lãnh đạo ngân hàng sẽ rất khó để vừa giấu nợ xấu cũ và vừa "xử lý" được nợ xấu mới, đồng thời lại phải vừa giữ được “phong độ” trong kinh doanh.

Điều cần lưu ý là, tăng trưởng bằng nhiều cách, nhiều phương thức, sẵn sàng chấp nhận đánh đổi việc dồn tích nợ xấu lại qua "bút toán" là bước đi cực kỳ mạo hiểm của các tổ chức tài chính.