Báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng của ngân hàng VPBank cho biết, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt gần 9.400 tỷ đồng, tương ứng với 92% kế hoạch cả năm.

Đóng góp lớn vào lợi nhuận của VPBank là Công ty tài chính FE Credit – doanh nghiệp mà VPBank đang sở hữu 100%. Lợi nhuận trước thuế của FE Credit đạt 3.199 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm. Con số này tương đương 71% lợi nhuận của cả năm 2019. Bình quân mỗi tháng, FE Credit thu lãi 355 tỷ đồng.

Sau 9 tháng, FE Credit giải ngân tổng cộng 45.000 tỷ đồng. Con số này thấp hơn nhiều so với mức 55.000 tỷ cùng kỳ 2019.

Từ những con số báo cáo của VPBank, TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thu nhập của người dân sụt giảm khiến nhu cầu tín dụng tiêu dùng đi xuống, song cho vay tiêu dùng vẫn được coi là “cứu cánh” của ngân hàng khi nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong đại dịch sụt giảm.

Phân tích cụ thể, TS Kiêm cho biết, trước khi xảy ra dịch bệnh, các ngân hàng đã hào hứng với cho vay tiêu dùng. Lý do là vì lãi cho vay tiêu dùng cao hơn lãi từ cho vay sản xuất, kinh doanh.

“Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới, giao lưu quốc tế hạn chế, dòng vốn và cả điều kiện phát triển công nghiệp, nhất là những mặt hàng phụ thuộc vào bên ngoài đang rất khó khăn, trong nước có gì đẩy mạnh được thì phải phát triển, như du lịch, tiêu dùng… Tiêu dùng cũng là một mũi nhọn để góp phần tăng trưởng, cải thiện đời sống nhân dân.

Do đó, bên cạnh những chính sách của Chính phủ để tạo công ăn việc làm, đem lại thu nhập cho người dân thì việc phát triển cho vay tiêu dùng của ngân hàng cũng là điều tất yếu và nên khuyến khích”, ông Cao Sĩ Kiêm phân tích, cho vay tiêu dùng có thể coi là lối ra cho ngân hàng trong bối cảnh hiện nay. “Nếu không phát triển được các dịch vụ khác, không cho vay tiêu dùng được thì ngân hàng không đưa vốn ra được, kéo theo cả ngân hàng và nền kinh tế đều gặp khó khăn”.

leftcenterrightdel
 Tòa nhà trụ sở FE Credit.

Dù vậy, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cảnh báo những rủi ro từ cho vay tiêu dùng, đặc biệt nó có thể khiến nợ xấu tăng lên.

Điều này có thể nhìn qua con số báo cáo của VPBank. Theo đó, đến cuối tháng 9, tổng dư nợ của FE Credit là 64.500 tỷ đồng, tăng thêm 6% so với cuối năm 2019. Trong đó, gần 41.300 tỷ (64%) là dư nợ hiện hữu và 23.200 tỷ (36%) là dư nợ mới.
Tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm kết thúc quý III/2020 của FE Credit theo VAS (chuẩn mực kế toán Việt Nam) là 5,6%, cao hơn nhiều so với mức 4,2% cuối năm 2019.

Bởi vậy, dù cho rằng ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng trong giai đoạn này là tất yếu, song TS Cao Sĩ Kiêm vẫn lưu ý cơ quan quản lý cần thể hiện vai trò giám sát, quản lý của mình, yêu cầu ngân hàng khống chế rủi ro bằng cách kiểm soát chặt chẽ hoạt động cho vay, qua đó đảm bảo an toàn của hoạt động ngân hàng cũng như toàn hệ thống.

Được biết, VPBank đang có kế hoạch bán cổ phần FE Credit cho đối tác nước ngoài. Tại đại hội cổ đông thường niên cuối tháng 5/2020, ban lãnh đạo VPBank cho biết vẫn trong quá trình xem xét, lựa chọn đối tác để bán vốn FE Credit và có nhiều tín hiệu tích cực. Nhưng dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư nước ngoài, khiến quá trình lựa chọn đối tác cho FE Credit bị tác động.

Trong lộ trình bán vốn tại FE Credit, VPBank có thể bán tối đa 49%, vẫn đảm bảo tỷ lệ chi phối. Nếu giảm tỷ lệ sở hữu hơn, quyền lợi của ngân hàng mẹ sẽ giảm đi nhưng đổi lại sẽ tìm được đối tác mạnh hơn cho công ty phát triển.

Bình luận về động thái của VPBank, TS Cao Sĩ Kiêm cho rằng, việc ngân hàng này muốn bán cổ phần “con gà đẻ trứng vàng” không có gì là bất thường.

Theo ông, ngân hàng cũng là doanh nghiệp, ngoài việc đảm bảo kế hoạch Nhà nước giao, ngân hàng còn có nghĩa vụ kinh doanh. Do vậy, khi thấy đầu tư ra nước ngoài hay bán cổ phần cho nước ngoài mà có lợi thì ngân hàng sẽ làm.

“Đây là quyền kinh doanh trong kinh tế thị trường, không ai cấm hay bắt buộc được ngân hàng, Nhà nước cũng không cấp lố cho ngân hàng được. Quan trọng là trong trường hợp này, ngân hàng vẫn đảm bảo tỷ lệ chi phối”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Ông cho hay, nhà đầu tư nước ngoài sẽ đem trình độ kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý và nguồn vốn dồi dào vào. Phía ngân hàng nội phải chú ý khai thác triệt để những điểm mạnh này của đối tác nước ngoài, đồng thời phải ngăn chặn những kẽ hở có thể gây ra tổn thất, rủi ro cho ngân hàng, khiến đối tác nước ngoài có thể lợi dụng.

“Kiếm lợi từ nhà đầu tư nước ngoài không đơn giản. Hội nhập đòi hỏi doanh nghiệp trong nước, trong đó có ngân hàng, phải có trình độ của mình lên, nếu không sẽ phải hứng hậu quả.

Nếu doanh nghiệp trong nước không chủ động nâng tầm của mình lên thì đối tác ngoại sẽ dùng chính kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý và đồng vốn của họ để áp đảo. Nhưng ta cũng không vì thế mà tự ti. Doanh nghiệp ta cũng có kinh nghiệm trong nước, nắm được cơ sở, điều kiện chặt chẽ, biết nguồn lực thế nào, phải hỗ trợ ra sao một cách đầy đủ… Chúng ta biết lợi thế của mình để tận dụng nhà đầu tư ngoại, đồng thời cạnh tranh bình đẳng, công bằng với họ”, TS Cao Sĩ Kiêm phân tích.

 

 

 

Nguồn Baodatviet
Link bài gốc

https://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/thay-gi-khi-ngan-hang-lai-lon-tu-cho-vay-tieu-dung-3422769/