Bất chấp Covid-19, ngân hàng dồn dập báo lãi “khủng”

Kết thúc năm tài chính 2020, nhiều ngân hàng dồn dập báo lãi vượt khỏi sự mong đợi trong năm Covid-19 này.

Đầu tiên, trong nhóm “Big4” ngân hàng, ngoại trừ BIDV có chiều hướng giảm còn lại đều ghi nhận tăng trưởng.

Cụ thể, Vietcombank đang tiếp tục cho thấy khả năng xoay xở tốt trong đại dịch khi duy trì mức lợi nhuận cao tương đương năm trước cùng với mức trích lập dự phòng tới 380% nợ xấu.

Lợi nhuận trước thuế năm 2020 của ngân hàng đạt khoảng 23.000 tỷ đồng (tương đương gần 1 tỷ USD), không chênh lệch nhiều so với con số 23.122 tỷ đồng của năm 2019. Dự kiến đây cũng sẽ là mức lợi nhuận cao nhất trong ngành.

leftcenterrightdel
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2020 tại Vietcombank. 

Agribank cũng vừa mới ghi nhận lợi nhuận 12.869 tỷ đồng, vượt 3% kế hoạch năm. Vietinbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2020 tăng hơn 40% so với năm trước, tương đương khoảng 16.450 tỷ đồng.

Trong khi đó, năm 2020, BIDV ghi nhận lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 8.515 tỷ đồng, giảm 17,3% so với năm 2019 và hợp nhất đạt 9.017 tỷ đồng, giảm khoảng 16%.

Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cũng đang lần lượt công bố kết quả kinh doanh năm 2020 với con số ấn tượng.

Chẳng hạn, TPBank báo lãi trước và sau thuế cả năm 2020 tăng 13%, ghi nhận gần 4.389 tỷ đồng và hơn 3.510 tỷ đồng. OCB cũng vừa công bố lợi nhuận trước thuế năm 2020 đạt 4.414 tỷ đồng, tăng 37% so với năm trước và hoàn thành kế hoạch đề ra.
leftcenterrightdel
 Nguồn: BCTC quý 4/2020 tại TPBank.

Đặc biệt, MB ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2020 đạt 10.688 tỷ đồng, vượt 18,9% so với kế hoạch năm. Tương tự, Seabank vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2020 với lợi nhuận hợp nhất trước thuế gần 1.729 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2019, hoàn thành 115% kế hoạch 2020.

Tiếp đến là Sacombank với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 3.339 tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm 2019 và vượt 30% so với kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.682 tỷ đồng, tăng 9,2%.

Phía VPBank cũng công bố lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt hơn 13.000 tỷ đồng, vượt 27,5% kế hoạch đề ra đầu năm, tăng trưởng 26,1% so với năm 2019. Ngoài ra, còn có LienVietPostbank báo lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2020 đạt 2.427 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2019 và vượt 43% so với kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.862 tỷ đồng, tăng 16,3%.

Mới đây nhất, KienLongBank công bố BCTC hợp nhất quý 4/2020. Theo đó, ngân hàng báo lãi trước và sau thuế năm 2020 hơn 158 tỷ đồng và hơn 126 tỷ đồng, tăng 84% và 87% so năm trước. Tuy nhiên, so với kế hoạch 750 tỷ đồng lãi trước thuế được đề ra cho cả năm 2020, Kienlongbank chỉ mới thực hiện được 21% chỉ tiêu.

Hiện còn nhiều nhà băng chưa công bố con số cuối cùng của năm 2020 nhưng đã hoàn thành kế hoạch kinh doanh sau 10, 11 tháng. Chẳng hạn như VIB công bố trong 10 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận trước thuế đạt 4.570 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 100% kế hoạch cả năm 2020. ABBank cũng hoàn thành kế hoạch năm với con số lợi nhuận trước thuế 11 tháng đạt 1.378 tỷ đồng.
leftcenterrightdel
Nguồn: Tác giả tổng hợp (Vietinbank***: lợi nhuận riêng lẻ) 

Lợi nhuận đi ngược với dự báo?

Ngay từ đầu năm 2020, đã có nhiều dự báo về triển vọng lợi nhuận ngành ngân hàng với hầu hết ý kiến cho rằng sẽ suy giảm.

Báo cáo đánh giá triển vọng về ngành Ngân hàng trong nửa cuối năm 2020 được Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư thuộc Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research ) công bố cho rằng, lợi nhuận trước thuế trong nửa cuối năm ước tính giảm 22,1% so với cùng kỳ năm trước, do thu nhập hoạt động (TOI) giảm 4% so với cùng kỳ năm trước và chi phí dự phòng, tăng 47,8%. Tổng lợi nhuận trước thuế giảm là do lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, BIDV và VietinBank) ước tính giảm 35,7% (chủ yếu do chi phí dự phòng tăng 58,8% trong nửa cuối năm 2020).

Kết thúc năm 2020, nhiều ngân hàng bất ngờ công bố con số lợi nhuận ấn tượng vượt qua sức tưởng tượng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu lợi nhuận ngân hàng có phải một phần là ảo?

Ngân hàng là ngành chịu tác động có độ trễ bởi dịch Covid-19 nên nếu chỉ nhìn từ bên ngoài qua những con số lãi hàng nghìn tỷ đồng, bức tranh lợi nhuận của các ngân hàng sẽ không được thể hiện hoàn chỉnh. Để đánh giá thực chất về những biến đổi đã và đang xảy ra cần có cái nhìn sâu hơn về cơ cấu lợi nhuận, chất lượng lợi nhuận của các nhà băng.

Ngân hàng là một doanh nghiệp đặc thù với hàng hoá chính là "tiền tệ" và các hoạt động bổ trợ (dịch vụ thanh toán, đầu tư kinh doanh tài chính khác), do đó việc dùng những tỷ lệ ROE hay ROS để so sánh giữa ngân hàng với các doanh nghiệp thông thường đều là những đánh giá khập khiễng.

Đinh Thế Hiển – Viện trưởng Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng từng cho rằng, lợi nhuận tăng mới là ghi nhận biên lợi nhuận, còn bao giờ nguồn vốn được thu hồi về đúng thì lúc đó mới là lợi nhuận chính thức.

Thực tế, lợi nhuận năm 2020 của các ngân hàng rất khả quan xuất phát từ việc các ngân hàng giảm lãi suất huy động nhưng lãi suất cho vay không giảm tương ứng, làm “phình” biên lợi nhuận lên.

Hơn nữa, từ đầu năm 2020, Thông tư 01 của NHNN được ban hành, cho phép các ngân hàng giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng cách không chuyển nhóm nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Có lẽ vì vậy, trích lập chi phí dự phòng rủi ro tại một số ngân hàng sẽ khó đúng với thực tế, điều này phần nào giúp các ngân hàng tiết kiệm được một khoản chi phí lớn.
Theo SHTT
Nguồn
Link bài gốc

https://sohuutritue.net.vn/ngan-hang-don-dap-bao-lai-vuot-ke-hoach-nam-di-nguoc-voi-du-bao-d88472.html