Ngân hàng điều chỉnh room ngoại, vì sao?
Cập nhật lúc 17:00, Thứ năm, 15/07/2021 (GMT+7)
Loạt ngân hàng như Techcombank, OCB, MSB,... đang có động thái điều chỉnh room dành cho nhà đầu tư nước ngoài. Vì sao các nhà băng có động thái này.
Nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán có hiệu lực từ đầu năm 2021 quy định, các công ty đại chúng có ngành nghề thuộc diện hạn chế nhà đầu tư nước ngoài được tự quyết tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa (room) thấp hơn mức trần quy định. Room phải được đại hội đồng cổ đông thông qua và quy định tại điều lệ công ty.
Với ngân hàng, room không được vượt quá tỷ lệ 30%, do đó, nhiều nhà băng khóa room dưới mức này nhằm tạo dư địa để huy động vốn ngoại. Nếu không khóa room, nhà đầu tư nước ngoài có thể mua cổ phiếu đang lưu hành của ngân hàng, khiến dư địa room cạn dần, qua đó ảnh hưởng đến kế hoạch huy động thêm vốn ngoại.
Đơn cử,Techcombank (HoSE:TCB) giới hạn sở hữu của nhà đầu tư ngoại ở mức 22,4908%. Tại thời điểm cuối năm 2020, tỷ lệ sở hữu cổ đông nước ngoài của Techcombank là 22,5%.
Tiếp đến Ngân hàng TMCP Phương Đông (HSX: OCB) khóa room ngoại ở mức 22%. Hiện tại, Aozora Bank - một trong những ngân hàng hoạt động hiệu quả nhất ở Nhật Bản - là cổ đông chiến lược nắm 15% (tăng từ 5% lên 15% trong năm 2020) vốn chủ sở hữu của ngân hàng, cũng là cổ đông lớn nhất ở OCB.
Từ khi niêm yết tới nay (cuối tháng 1/2021), nhà đầu tư nước ngoài liên tục mua vào cổ phiếu OCB, nâng tổng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại OCB từ 19,5% tại ngày đầu niêm yết lên mức 21,92% chốt ngày 01/7 - gần hết room mà ngân hàng này khóa.
Vì vậy, việc OCB khóa room ngoại cho thấy đã sẵn sàng cho việc tiếp tục bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài.
Tương tự, ngân hàng SHB đã giảm room ngoại xuống 10% để tìm kiếm và lựa chọn đối tác chiến lược. (Theo quy định, tỷ lệ sở hữu của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không quá 20% vốn điều lệ), dù tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Ngân hàng hiện chỉ khoảng 4%.
SHB sẽ lựa chọn đối tác có năng lực phù hợp và hỗ trợ mang lại lợi ích tốt nhất cho ngân hàng. Thời gian dự kiến tìm kiếm và lựa chọn đối tác là một năm từ ngày cổ đông thông qua việc chốt tỷ lệ.
Nốt gót các ngân hàng, VietCapital Bank (UPCoM: BVB) cũng đã có thông báo thay đổi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa. Theo đó, ngân hàng đã giảm tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa từ 30% xuống còn 5%.
Theo VietCapital, việc duy trì room ngoại ở mức 30% là khá lớn so với quy mô giao dịch, tình hình cơ cấu cổ đông khi đó và định hướng của ngân hàng trong tương lai. Điều này có khả năng ảnh hưởng rất đáng kể đến biến động giá cổ phiếu trong thời gian tới.
Vì vậy, để ổn định giá cổ phiếu, từng bước nâng cao năng lực hoạt động và sức mạnh tài chính trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, từ đó bảo vệ quyền lợi của các cổ đông trong nước trước sự ảnh hưởng từ việc giao dịch cổ phiếu của khối ngoại, HĐQT cho rằng việc phải có cơ chế giám sát đối với tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài một cách linh hoạt là cần thiết và mang tính tất yếu.
Trước đó, vào cuối năm 2020, VIB cũng khóa room ở mức 20,5% vốn điều lệ.
Trái ngược với các ngân hàng trên, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) thông báo MSB nâng room ngoại từ 29,937% lên tối đa 30%. Điều chỉnh này có hiệu lực từ ngày 27/5. Vào cuối năm 2020, MSB cũng đã từng tạm thời giảm room từ 30% xuống 29,88%
Thực tế, nhiều ngân hàng đang hở room, nhưng cũng có những nhà băng đã kín room. Trong khi đó, Thông tư 41/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước với các yêu cầu về an toàn vốn theo tiêu chuẩn Basel II đặt ra yêu cầu bức thiết trong việc tăng vốn ở không ít ngân hàng và một số nhà băng đã kín room gặp khó khăn trong việc tăng vốn.
Động thái ngân hàng điều chỉnh room ngoại xuất phát từ nhiều động cơ.
Năm 2021 các ngân hàng tích cực đẩy mạnh hoạt động tăng vốn nhưng có thể một số ngân hàng cần ưu tiên việc gọi vốn từ nhà đầu tư nội bằng nhiều hình thức như phát hành trái phiếu riêng lẻ, phát hành trái phiếu chuyển đổi, chia cổ tức bằng cổ phiếu,... Tuy nhiên, cũng có ngân hàng chọn cách khóa room ngoại do chưa tìm được hoặc đang trong quá trình đàm phán chiến lược.
Đáng chú ý, thời gian qua giá cổ phiếu ngân hàng đang ở mức khá cao và có xu hướng dẫn dắt thị trường. Vì vậy, có thể ngân hàng đang kỳ vọng giá bán cao hơn trước khi tìm được nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Hà Phương (t/h)
Nguồn Sở hữu trí tuệLink bài gốchttps://sohuutritue.net.vn/ngan-hang-dieu-chinh-room-ngoai-vi-sao-d104608.html