Kết thúc 3 tháng đầu năm 2021, ngành ngân hàng vẫn có một quý kinh doanh khả quan, khi phần lớn đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ. Một số ngân hàng thậm chí ghi nhận lợi nhuận tăng bằng lần năm qua.

Dù vậy, với việc lãi, phí phải thu (lãi dự thu) của nhiều ngân hàng có xu hướng tăng mạnh trong quý đầu năm thì chất lượng lợi nhuận đến đâu vẫn còn là một một hỏi đáng quan tâm.

Khảo sát tại 28 ngân hàng, trong đó có tới 17/28 ngân hàng ghi nhận khoản mục lãi dự thu tăng so với đầu năm.

leftcenterrightdel
 

Tại SHB, kết thúc quý 1/2021, lãi trước thuế và sau thuế tại SHB gấp đôi cùng kỳ năm trước, tương ứng đạt hơn 1.664 tỷ đồng và hơn 1.330 tỷ đồng. Nếu so với kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 70%, tương đương 5.800 tỷ đồng cho cả năm 2021, SHB đã thực hiện được 29% sau quý đầu năm.

Tuy nhiên, trên bảng cân đối kế toán, khoản mục lãi dự thu của SHB tăng tới 29%, lên mức 9.772 tỷ đồng. Như vậy, tính đến 31/3/2021, tỷ lệ lãi dự thu trên lợi nhuận sau thuế gấp 7,3 lần; tỷ lệ lãi dự thu trên tổng tài sản theo đó đã tăng từ 1,8% năm 2020 lên 2,3%.

Tại Nam A Bank, kết thúc quý 1/2021, ngân hàng báo lãi trước và sau thuế quý 1/2021 gấp 3,2 lần so với cùng kỳ, lần lượt đạt gần 461 tỷ đồng và gần 368 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản lãi dự thu của Nam A Bank cũng tăng 25%, lên 3.284 tỷ đồng. Kéo theo tỷ lệ lãi dự thu trên tổng tài sản tăng từ 2% lên 2,4%; tỷ lệ lãi dự thu trên lợi nhuận sau thuế gấp 8,9 lần.

leftcenterrightdel
 Lãi dự thu tại 28 ngân hàng tính đến 31/3/2021 (tỷ đồng)

Tính đến cuối quý 1/2021, “ông lớn” Vietcombank cũng ghi nhận lãi dự thu tăng 17% so với đầu năm, lên mức 8.421 tỷ đồng; lãi dự thu tại VIB tăng 11% lên mức 2.003 tỷ đồng. ABBank cũng tăng 17% lên gần 911 tỷ đồng. Techcombank tăng 9% lên 5.664 tỷ đồng,…

Tương tự, Ngân hàng Quốc Dân (mã CK: NVB) cũng là một hiện tượng đáng chú ý. Trong quý đầu tiên của năm 2021, lợi nhuận trước và sau thuế tăng đến 79%, ghi nhận 26,6 tỷ đồng và hơn 21 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản lãi dự thu tại NVB cũng tăng 22% so với đầu năm, lên mức 2.181 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ lãi dự thu trên lợi nhuận sau thuế gấp 83,5 lần và tỷ lệ lãi dự thu /tổng tài sản tăng từ 2% cuối năm 2020 lên mức 2,7%.

Trong khi đó, xét về con số tuyệt đối, SCB tiếp tục là "quán quân" lãi dự thu với hơn 73.501 tỷ đồng, chiếm 11% tổng tài sản; tỷ lệ lãi dự thu trên lợi nhuận sau thuế gấp gần 238 lần.

Đứng ở vị trí thứ hai là Sacombank với 16.182 tỷ đồng, tỷ lệ lãi dự thu trên lợi nhuận sau thuế gấp 20,2 lần. Tiếp đó là BIDV với 12.572 tỷ đồng.

Có thể nhận thấy rằng hai ngân hàng có lãi dự thu lớn đầu bảng hiện tại và SCB và Sacombank đều là hai ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu sau quá trình sáp nhập với những ngân hàng "yếu kém" khác.

Về lý thuyết, lãi dự thu là khoản lãi mà ngân hàng dự kiến thu được trong tương lai từ các tài sản sinh lời, trong đó bao gồm cho vay khách hàng.

Lãi dự thu được xem như một nguồn lãi ảo của các ngân hàng vì có thể được ghi nhận vào lợi nhuận khi trên thực tế chưa có tiền thu về. Với con số lãi dự thu càng lớn, khả năng tác động đến lợi nhuận của các nhà băng lại càng cao, chỉ cần một điều chỉnh nhỏ cũng có thể khiến lợi nhuận tăng vọt.

Khi tỷ lệ này quá lớn, hoặc tăng quá nhanh và đặc biệt là cô đặc trong một khoảng thời gian dài thì dễ trở thành một dấu hiệu cảnh báo về chất lượng tài sản, nợ xấu tiềm ẩn cũng như chất lượng lợi nhuận của nhà băng. Vì vậy, lãi dự thu cũng là một "khối u" nhức nhối không kém gì nợ xấu.

 

Hà Phương

 


Nguồn SHTT
Link bài gốc

https://sohuutritue.net.vn/ngan-hang-co-lo-lang-khi-con-so-lai-du-thu-van-tang-cao-d99598.html