leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa.

Quỹ ngoại rót vốn vào chuỗi cầm đồ F88

Chuỗi dịch vụ cầm đồ F88 thuộc CTCP Kinh doanh F88 (F88) được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội cấp giấy phép hoạt động với loại hình dịch vụ cầm đồ. Doanh nghiệp này không hoạt động theo giấy phép của Ngân hàng Nhà nước và Luật các tổ chức tín dụng.

F88 vốn được biết đến là nơi cung cấp các dịch vụ cho vay cầm cố tài sản và các tiện ích tài chính khác như bảo hiểm kết hợp với 5 công ty bảo hiểm như PTI, Bảo Minh, Map Life... dịch vụ thu hộ, chi hộ, thanh toán hoá đơn, chuyển tiền, nạp rút tiền ví điện tử…

Dữ liệu từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho biết, CTCP Kinh doanh F88 được đăng ký thành lập từ 2016, vốn điều lệ hiện có gần 567 tỷ đồng với người đại diện pháp luật là ông Phùng Anh Tuấn. Trước đó, năm 2015, ông Phùng Anh Tuấn cũng đã thành lập CTCP Đầu tư F88 với vốn điều lệ gần 70 tỷ đồng.

Trong các năm gần đây, chuỗi cầm đồ F88 thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư quốc tế.

Mới đây nhất, F88 thông báo đã huy động thành công khoản đầu tư 50 triệu USD trong vòng gọi vốn Series C với hai nhà đầu tư dẫn đầu vòng này là Quỹ Đầu tư Việt Nam-Oman (VOI) và Quỹ Mekong Enterprise Fund IV (MEF IV).

Trong số nhà đầu tư mới của F88, cái tên Quỹ Đầu tư Việt Nam-Oman thu hút sự chú ý. Đây là đơn vị liên doanh giữa Quỹ Dự trữ Quốc gia Vương quốc Oman (SGRF) tại Việt Nam với Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước Việt Nam (SCIC). VOI được thành lập từ năm 2008, hoạt động trên cơ sở thỏa thuận và hỗ trợ của Chính phủ hai nước.

Ông Phùng Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty F88, cho biết toàn bộ số vốn 50 triệu USD sẽ được đầu tư vào phát triển công nghệ, dữ liệu và khoa học dữ liệu, xây dựng thương hiệu và gia tăng khách hàng mới cũng như phát triển đội ngũ, thu hút nhân tài.

leftcenterrightdel
F88 vừa nhận khoản đầu tư 50 triệu USD trong vòng gọi vốn mới. (Ảnh: F88). 

Trước đó, trong giai đoạn 2017-2018, F88 đã thành công trong việc gọi vốn từ Quỹ Mekong Enterprise Fund III (thuộc Công ty quản lí quỹ Mekong Capital) cho vòng gọi vốn serie A.

Tiếp theo đó là vòng serie B từ Quỹ Granite Oak - một quỹ đầu tư đến từ châu Âu. Con số huy động không được tiết lộ nhưng ở thời điểm đó, F88 được định giá gần 1.000 tỷ đồng (43,5 triệu USD).

Năm ngoái, chuỗi cầm đồ này tiếp tục được các tổ chức tài chính từ châu Á đến châu Âu "rót tiền". Tháng 11/2022, F88 thông báo đã thành công trong việc huy động khoản vay có đảm bảo trị giá 50 triệu USD, tương đương 1.200 tỷ đồng, từ Quỹ tài chính CLSA Capital Partners (HK) Limited (Hong Kong) thông qua Lending Ark Asia Secured Private Debt Funds.

Bên cạnh đó là 10 triệu USD, tương đương 240 tỷ đồng đến từ Lendable - nền tảng Fintech cho vay ngang hàng có trụ sở tại London. Lendable cũng đã từng giải ngân khoản vay 10 triệu USD cho F88 vào đầu năm 2022. Tổng hạn mức cho vay mà Lendable cung cấp cho F88 là 20 triệu USD.

Với nguồn tiền được nhà đầu tư nước ngoài \'đổ vào\', phía Công ty cho biết sẽ sử dụng vào việc phát triển mạng lưới và tăng trưởng quy mô kinh doanh.

Ông Phùng Anh Tuấn từng chia sẻ: "Gói cho vay do Lendable cung cấp sẽ giúp chúng tôi tăng cường sự linh hoạt trong hoạt động và mở rộng phạm vi tiếp cận kinh doanh của mình trên toàn thị trường Việt Nam.

Điều này sẽ giúp chúng tôi xây dựng mở rộng quy mô và thúc đẩy phát triển hoạt động kinh doanh cho vay cầm cố, hỗ trợ được tệp khách hàng dưới chuẩn ngân hàng hoặc không có khả năng tiếp cận vốn ngân hàng".

Ngoài nguồn tiền từ các quỹ ngoại, giai đoạn 2021 – 2022 chuỗi cầm đồ F88 này cũng tích cực huy động vốn từ các đợt phát hành trái phiếu với nhiều kỳ hạn khác nhau nhằm huy động nguồn tiền.

Trái phiếu của F88 phát hành chủ yếu có mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, trả lãi coupon (nhà phát hành sẽ trả lãi trên một tỷ lệ lãi suất định kỳ hàng năm dựa trên mệnh giá của trái phiếu), lãi suất cố định trên 10%. Lãi sẽ được thanh toán định kỳ vào cuối kỳ. Các trái phiếu này có thể được mua lại trước hạn.

Mục đích phát hành các lô trái phiếu tại F88 chủ yếu sử dụng cho hoạt động kinh doanh – cho vay cầm cố, mở rộng hệ thống cửa hàng và mở rộng hệ thống cửa hàng hoặc chi trả lương, thưởng cho cán bộ nhân viên.

Dồn dập phát hành trái phiếu, hơn 1.500 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn năm 2023

Trong giai đoạn 2021 – 2022, CTCP Kinh doanh F88 đẩy mạnh huy động vốn từ các đợt phát hành trái phiếu với nhiều kỳ hạn khác nhau. Do đó các lô trái phiếu đáo hạn cũng rất ‘khổng lồ’.

Theo số liệu thống kê từ Chuyên trang thông tin trái phiếu doanh nghiệp tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), tháng 4 tới đây, F88 sẽ đáo hạn lô trái phiếu mã F88CH2123010 trị giá 100 tỷ đồng được phát hành ngày 1/10/2021 và đáo hạn ngày 1/4/2023 với lãi suất 12%.

Đến tháng 5/2023, F88 sẽ đáo hạn lô trái phiếu mã F88CH2123011 được phát hành ngày 15/11/2021 và đáo hạn ngày 15/5/2023 trị giá 200 tỷ đồng. Lô trái phiếu có lãi suất 11,5%. Cũng trong tháng 5 tới, F88 sẽ đáo hạn mã trái phiếu F88CH2223006 trị giá 200 tỷ đồng được phát hành tháng 5/2022 với lãi suất 11%.

Cuối tháng 6, chuỗi cầm đồ F88 lại tiếp tục có lô trái phiếu đáo hạn mã F88CH2123012 trị giá 250 tỷ đồng với lãi suất 11,5%. Đến tháng 7/2023 sẽ đáo hạn lô trái phiếu mã F88CH2223007 trị giá 45 tỷ đồng có lãi suất 10%. Cùng tháng 7, lô trái phiếu trị giá 100 tỷ đồng có mã F88CH2223008 cũng sẽ được đáo hạn với mức lãi suất 11%.

Đến tháng 9/2023 đáo hạn mã trái phiếu F88CH2223005 trị giá 100 tỷ đồng có lãi suất 11,5%. Ngoài ra, lô trái phiếu mã F88CH2223009 trị giá 20,9 tỷ đồng cũng sẽ đáo hạn trong tháng 9 với mức lãi suất 11%.

Như vậy, từ tháng 4 đến hết năm 2023, chuỗi cầm đồ F88 sẽ đáo hạn 8 lô trái phiếu với tổng giá trị hơn 1.015 tỷ đồng.

Trước đó, trong hai tháng 1 và 2 có năm lô trái phiếu gồm F88CH2223004, F88CH2223003, F88CH2223002, F88CH2223001, F88CH2123009 tổng trị giá 550 tỷ đồng cũng đã đến ngày đáo hạn và được phía doanh nghiệp tất toán. Như vậy, cả năm 2023, F88 đáo hạn 13 lô trái phiếu với tổng giá trị hơn 1.550 tỷ đồng.

leftcenterrightdel
Các lô trái phiếu đáo hạn năm 2023 tại F88 (nguồn: HNX) 

Theo số liệu mới công bố từ Mekong Capital, năm ngoái F88 đạt mức tăng trưởng doanh thu thuần là 112% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ vào hoạt động hiệu quả của mảng sản phẩm bảo hiểm. Chỉ tính riêng doanh thu thuần từ bảo hiểm đã tăng 221% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm hơn 15% tổng doanh thu thuần của công ty.

Trong khi đó, theo số liệu kết quả kinh doanh doanh nghiệp tự công bố gần nhất, tính đến cuối năm 2020, vốn chủ sở hữu của F88 đạt hơn 434 tỷ đồng, tăng mạnh 72% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 13,08% trong khi năm 2019 đạt 8,98%.

leftcenterrightdel
 

Tổ chức FiinRatings cũng đánh giá bảo hiểm là một nguồn thu nhập tiềm năng trong môi trường lãi suất cao hiện nay, có tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh cho vay của F88. Các dịch vụ bảo hiểm của F88 cũng đa dạng về điều khoản và loại bảo hiểm, từ bảo hiểm xe cộ, tài sản đến bảo hiểm sức khỏe và nhân thọ…

Đáng nói, số liệu 9 tháng đầu năm cho thấy 42% hợp đồng bảo hiểm được F88 bán độc lập với các khoản cho vay. “Điều này thể hiện năng lực bán hàng và cam kết của công ty trở thành một trong những nhà phân phối bảo hiểm hàng đầu tại Việt Nam”, FiinRatings nhận xét.

Trong phân khúc cho vay thế chấp, F88 vẫn là công ty có thị phần lớn nhất dựa trên mức độ đa dạng và độ bao phủ của mạng lưới cửa hàng, cũng như dựa trên quy mô dư nợ cho vay. Xét về tiến độ mở rộng, F88 đã mở 211 cửa hàng trong năm 2022, nâng tổng số cửa hàng lên 800 cửa hàng tính đến thời điểm hiện tại.

Tính đến cuối qúy 3 năm ngoái, tổng dư nợ cho vay sau điều chỉnh của F88 là gần 3.358 tỷ đồng, đã bao gồm khoảng 800 tỷ đồng là các khoản cho vay ngoại bảng (cấp vốn bởi CIMB). Trong khoảng thời gian này, F88 cho biết đã ghi nhận dư nợ tăng 246,4% so với cùng kỳ năm trước.

Điều tra hoạt động vì có dấu hiệu \'Cưỡng đoạt tài sản\'

Trao đổi với tờ Đại Đoàn Kết, Công an TP HCM cho biết hoạt động điều tra F88 xuất phát từ những phản ánh trước đó về việc công ty này thực hiện hoạt động cho vay nhưng có dấu hiệu "Cưỡng đoạt tài sản" theo kiểu "khủng bố".

Theo phản ánh, tại một số cơ sở kinh doanh của F88 có dấu hiệu thu nhiều khoản phụ phí cao, trái với quy định như phí thẩm định điều kiện cho vay (1,4%/tháng); phí quản lý tài sản cầm cố (từ 2-3%/tháng đến 5%/tháng), phí đăng ký dịch vụ bảo hiểm kèm theo,…

Các chi nhánh của công ty F88 tại một số địa phương cũng đã nhiều lần bị xử phạt hành chính do tự đặt ra các khoản thu để tính phí sai quy định, với tổng số tiền phí và lãi mà khách hàng có nhu cầu vay tín dụng phải trả rất cao, không đúng với giấy phép kinh doanh đã đăng ký.

Tại TP HCM, F88 có trên 80 chi nhánh và phòng giao dịch đặt tại 23 quận huyện và TP Thủ Đức. Trong ngày 6/3, ngoài trụ sở chính của công ty F88 tại quận Gò Vấp, Công an TP HCM đã kiểm tra một loạt các chi nhánh và cửa hàng của công ty này tại nhiều quận huyện.

Tất cả các cửa hàng và chi nhánh F88 được yêu cầu không mở cửa kinh doanh cho đến khi việc khám xét và kiểm tra kết thúc. Qua kiểm tra, khám xét, cơ quan công an đã thu giữ nhiều tài liệu hồ sơ và máy móc.

Về phía doanh nghiệp, F88 cho biết theo thông tin ban đầu, cơ quan chức năng đang làm việc để thu thập thông tin phục vụ cho công tác điều tra liên quan đến một nhân sự của F88. Sau khi nhận thông tin trên, ban lãnh đạo F88 đã chỉ đạo các phòng ban có liên quan phối hợp với cơ quan chức năng cung cấp thông tin để điều tra làm rõ sự việc.

F88 khẳng định họ là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực cho vay bằng hình thức cầm cố tài sản được cấp phép theo đúng quy định của pháp luật. Tất cả hoạt động của F88 được dựa trên quy trình, quy định chặt chẽ của công ty, dựa trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật.

Lãnh đạo F88 cam kết có biện pháp xử lý kỷ luật nghiêm khắc đối với các trường hợp nhân viên thực hiện không đúng quy trình của công ty, không tuân thủ các quy định của pháp luật.

 

Hoàng Long (t/h)
Nguồn Sở hữu trí tuệ
Link bài gốc

https://sohuutritue.net.vn/nam-2023-chuoi-cam-do-f88-co-hon-1500-ty-dong-trai-phieu-dao-han-d157320.html